Đưa khoa học vào thực tiễn, làm ra nhiều sản phẩm giá trị cao

author 06:23 23/06/2015

(VietQ.vn) - ĐH Quốc gia TP. HCM nhiều năm qua đã đưa khoa học vào thực tiễn, làm ra nhiều sản phẩm giá trị cao.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Trong những năm gần đây, nhờ tăng cường cơ sở vật chất cho nghiên cứu khoa học (NCKH), cải tiến công tác quản lý KH&CN, quy mô đề tài mà các nhà khoa học đăng ký và được phê duyệt đã tăng rõ rệt. Giai đoạn 2010-2014, ĐH Quốc gia TP. HCM (ĐHQG-HCM) có 143 đề tài cấp nhà nước, 682 đề tài cấp ĐHQG-HCM, 122 đề tài cấp tỉnh thành.

Đưa khoa học vào cuộc sống
Đưa khoa học vào cuộc sống. Trong ảnh là Chip ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đo lường như đo điện kế điện tử, địa chấn kế và đặc biệt trong lĩnh vực y tế như điện tâm đồ (ECG), xử lý tín hiệu y khoa...do ĐH Quốc gia TP HCM nghiên cứu, chế tạo

Các đề tài, dự án KHCN rất đa dạng và tập trung vào những chương trình KH&CN trọng điểm Công nghệ thông tin và truyền thông, Cơ khí-tự động hóa, KH&CN Vật liệu và Nano, Năng lượng tái tạo, Công nghệ sinh học, Khoa học Trái Đất và Môi trường, Khoa học xã hội và nhân văn khu vực Nam Bộ. Hoạt động NCKH đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, phát triển các công nghệ mới, tạo ra các phát minh sáng chế khoa học.

Với mục tiêu trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo chất lượng cao ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, ĐHQG-HCM xem trọng việc đầu tư và xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh. Đến nay nhiều nhóm nghiên cứu đã được hình thành và có khả năng tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế, tạo dựng được các mối quan hệ hợp tác KHCN hiệu quả trong và ngoài nước. Với sự quan tâm và đầu tư có định hướng, ĐHQG-HCM đã đạt được những thành quả KH&CN quan trọng, gây được tiếng vang, đã và đang góp phần vào sự thành công trong bước đường đi lên Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa của đất nước. 

Trong 2013-2014 vừa qua, ĐHQG-HCM đã đạt được một số thành tựu nổi bật về NCKH như: 

Chip vi điều khiển thương mại SG-8V1 của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch ĐHQG-HCM (ICDREC) đoạt giải Nhất giải thưởng "Nhân tài Đất Việt' năm 2014 và là 01 trong 08 sự kiện KH&CN tiêu biểu của Việt Nam năm 2014;

Trung tâm Nghiên cứu Cấu trúc Vật liệu nano và phân tử ĐHQG-HCM (MANAR) đã nghiên cứu và chế tạo thành công vật liệu mới có độ xốp cao, có khả năng lưu giữ chọn lọc khí CO2 và đặc biệt có độ bền tốt trong môi trường khí ẩm. Kết quả nghiên cứu này được xếp loại "hot" trên tạp chí Angewandte Chemie International Edition;

Thiết bị laser bán dẫn công suất thấp ứng dụng trong lĩnh vực y tế như thiết bị quang trị liệu, thiết bị quang châm, thiết bị điều trị phì đại tuyến tiền liệt lành tính, thiết bị điều trị cắt cơn và cai nghiện ma túy, thiết bị điều trị tai biến mạch máu não, thiết bị điều trị nhiễm HIV, thiết bị điều trị phụ khoa, thiết bị điều trị bệnh trĩ hậu môn,..., sản phẩm của phòng thí nghiệm Công nghệ Laser - Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM. Tính đến thời điểm hiện tại, phòng thí nghiệm đã chuyển giao hơn 1.000 thiết bị chữa bệnh và mở hơn 40 lớp tập tuấn cho 316 cơ sở y tế ở 33 tỉnh, thành phố trong cả nước;

Nhóm nghiên cứu về Điện tử - Viễn thông - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM đã chế tạo thành công bộ kết nối kính hiển vi và máy vi tính giúp phục vụ hiệu quả cho các môn học thực nghiệm. Đặc biệt, hỗ trợ thiết thực cho việc giảng dạy môn sinh học trong nhà trường. Với bộ thiết bị này các tế bào, sinh vật nhỏ… được phóng to nhiều lần và đưa lên màn hình máy tính giúp cho sinh viên cùng nhau quan sát, theo dõi và đóng góp ý kiến cho bài học thêm sinh động, sôi nổi hơn.Thiết bị này đã được ứng dụng trong lĩnh vực y tế, phòng thí nghiệm, kết hợp với phần mềm quản lý hồ sơ bệnh án. Tạo nên các sản phẩm như kết nối kính hiển vi điện tử (giải phẫu bệnh); kết nối máy siêu âm; lưu trữ hồ sơ bệnh án, điều trị trực tuyến,… Theo các số liệu thống kê mới nhất thì hiện nay có khoảng 225 cơ sở giáo dục và khoảng 30 đơn vị y tế đang sử dụng thiết bị này trong việc giảng dạy và khám chữa bệnh;

Phòng thí nghiệm Công nghệ Nano, ĐHQG-HCM với chế phẩm dung dịch nano bạc trong phòng bệnh cho tôm nuôi và bảo quản hoa quả (thanh long); sản phẩm mực in dẫn điện trên cơ sở hạt nano bạc dùng cho công nghệ in phun để chế tạo linh kiện micro-nano. Hiện các sản phẩm này đang được hoàn thiện các thủ tục tiếp theo nhằm tiến hành thương mai hóa;

Nhóm nghiên cứu vật liệu compozit - Phòng thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia Polymer -Compozit, trên cơ sở sử dụng sợi/polyme thiên nhiên đã thành công trong việc chế tạo tấm panel gia cường từ sợi xơ dừa trên nền nhựa formaldehyt, sản phẩm này có thể được sử dụng để thay thế ván MDF trên thị trường với độ bền và khả năngchịu nước tốt hơn;

Phòng thí nghiệm Nghiên cứu & Ứng dụng Tế bào gốc – trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM đang tiến hành nghiên cứu điều trị các bệnh mãn tính và ung thư như nghiên cứu điều trị hoại tử chỏm xương đùi vô mạch, viêm gan-xơ gan, chấn thương cột sống liệt tuỷ, điều trị bệnh thoái hoá khớp và triển khai thử nghiệm lâm sàng điều trị loét bàn chân đái tháo đường bằng tế bào gốc tự thân;

Nhóm nghiên cứu thiết bị chế biến thực phẩm nông sản - Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG-HCM đã chế tạo thành công nhiều máy có khả năng ứng dụng trong thực tế, đặc biệt là dây chuyền chế biến nhân điều xuất khẩu. Sản phẩm này ngoài việc được chuyển giao cho các tỉnh miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên,…còn được xuất khẩu sang tận Châu Phi (Bờ Biển Ngà);

Phòng thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia Điều khiển số và Kỹ thuật Hệ thống (DCSELAB) với các sản phẩm thương mại hóa như máy quét 3D, máy tách màu gạo, máy in kỹ thuật khổ lớn, máy tạo mẫu nhanh SLS, hệ thống tranh màn nước, công nghệ hội nghị truyền hình, máy ép gạch không nung,…;

Nhóm nghiên cứu tôn giáo – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM đã xây dựng hoàn toàn mới cả lý luận và thực tiễn về tôn giáo, đã định vị được ba tôn giáo mới ở thành phố Hồ Chí Minh; xác định các chiều kích, phân loại và đặt các tôn giáo mới trong điều kiện không gian văn hóa, tôn giáo đặc thù ở thành phố Hồ Chí Minh và vùng Nam bộ. Đánh giá, nhận định và dự báo xu hướng vận động của các hình thức tôn giáo mới này.Qua đó, đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số điểm về chính sách, luật pháp và công tác tôn giáo đối với tôn giáo mới ở thành phố Hồ Chí Minh;

Chương trình Tây Nam Bộ hướng đến việc ứng dụng KHCN vào đời sống, sản xuất giúp phát triển kinh tế - xã hội, tạo được chuỗi giá trị ngành hàng, chuỗi cung- cầu bền vững, tăng giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trong khu vực đồng thời đảm bảo điều kiện bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thông qua hoạt động NCKH, ĐHQG-HCM đã góp phần chung tay cùng Thành phố giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay như ngập lụt đô thị, biến đổi khí hậu,.. Ngoài ra, ĐHQG-HCM cũng đã triển khai thành công nhiều chương trình, nhiều dự án KHCN hợp tác với TP. HCM, đóng vai trò chủ lực trong thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm của TP. HCM như công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin. Trong mối quan hệ hợp tác với Bình Dương, các đề tài NCKH góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững các hệ sinh thái vùng Đông Nam bộ. Với Đồng bằng sông Cửu long, các đề tài KHCN hợp tác được triển khai nhằm giải quyết các vấn đề về công nghệ thu hoạch và bảo quản trái cây, xử lý nước thải, bảo tồn sinh thái. Có thể nói, hoạt động NCKH và phát triển công nghệ đã thực sự gắn liền với nhu cầu của xã hội và của đất nước.

Trong thời gian tới, ĐHQG-HCM sẽ tiếp tục cố gắng, không ngừng đổi mới phương thức quản lý hoạt động KH&CN theo tinh thần “lấy nhà khoa học làm trung tâm, lấy hiệu quả làm thước đo” tác động mạnh đến hoạt động NCKH và phát triển công nghệ, từng bước tạo môi trường khoa học thực sự trong ĐHQG-HCM.

Nhật Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang