Dùng đúng kháng sinh để giảm nguy cơ kháng thuốc

authorTrần Thanh 19:00 19/12/2016

(VietQ.vn) - Việc tự ý dùng thuốc, nhất là dùng kháng sinh, đã dẫn tới việc không ít người bị kháng thuốc, khiến bệnh trở nên khó chữa, thời gian điều trị kéo dài.

Sự kiện: Bí quyết sống khỏe

Ai cũng có thể tự mua thuốc

Đến một số nhà thuốc trên đường Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội, chúng tôi vừa nói “bị cúm” là lập tức được các nhân viên đứng quầy tư vấn dùng ba loại thuốc gồm: thuốc ho, chống viêm và kháng sinh. Dùng 3 loại thuốc này trong 5 ngày, tùy theo chủng loại thuốc, người mua phải chi từ 100 ngàn đồng trở lên. Điều trùng hợp ở các hiệu thuốc chúng tôi ghé qua là nhân viên hiệu thuốc đều khuyên dùng kháng sinh và khẳng định như “đinh đóng cột” rằng: Chỉ có dùng kháng sinh thì bệnh mới nhanh khỏi được.

dung dung khang sinh de giam su khang thuoc

Hầu hết bệnh nhân đều lạm dụng kháng sinh khi bệnh nặng (Ảnh minh họa)

 

 PGS- TS Hoàng Cao Sạ, bệnh viện Đa khoa TP Nam Định nhận xét, việc mua bán thuốc kháng sinh trong cộng đồng quá dễ dàng. Mặc dù đã có quy định về kê đơn và bán thuốc theo đơn, nhưng người bệnh vẫn có thể mua thuốc kháng sinh và nhiều loại thuốc khác trực tiếp từ các nhà thuốc bán lẻ.

Một chuyên gia ngành Y bày tỏ: Bệnh một chút là cho sử dụng thuốc kháng sinh, cả kháng sinh mạnh thế hệ mới là điều đáng lo, dẫn đến tình trạng ngộ độc thuốc và kháng thuốc. Một nghiên cứu cộng đồng gần đây cho thấy: có 78 - 90% kháng sinh được mua, bán không có đơn. Một số nghiên cứu khác cho thấy: Các chủng Streptococcus pneumoniae - một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây nhiễm khuẩn hô hấp đã kháng penicillin (71,4%) và kháng erythromycin (92,1%). Vi khuẩn phân lập từ trẻ bị tiêu chảy có tỷ lệ kháng cao. Nhiều trẻ đã được người nhà cho dùng kháng sinh trước khi đưa đến bệnh viện.

 Lưu ý khi dùng thuốc

BS Hoàng Cao Sạ khuyến cáo, việc thiếu kiến thức về việc sử dụng kháng sinh không chỉ ở người dân mà ở cả một bộ phận nhân viên y tế, đó là việc cho bệnh nhân dùng kháng sinh không cần thiết trong các trường hợp cảm cúm thông thường. Sử dụng thuốc sai, kháng sinh không tiêu diệt hết được vi khuẩn thì vi khuẩn sẽ tự thay đổi để thích nghi, kháng lại thuốc và lan truyền trong cộng đồng. 

Người cao tuổi thường hay phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị các bệnh lý mạn tính. Việc dùng nhiều loại thuốc cùng lúc sẽ dễ dẫn đến tăng nguy cơ tương tác thuốc và phản ứng có hại của thuốc, hoặc dùng thuốc để điều trị bệnh này lại làm trầm trọng thêm bệnh kia. Ví như thuốc lợi tiểu chữa tăng huyết áp có thể làm nặng thêm bệnh gút; các thuốc giảm đau chống viêm có thể gây loét và chảy máu đường tiêu hóa, tăng khả năng suy thận, nặng hơn là làm loét dạ dày, chảy máu dạ dày ruột. Vì vậy, những người bị loét dạ dày tiến triển, mẫn cảm với một trong các thành phần của thuốc, suy gan, suy thận nặng không được dùng. Ngoài ra, thuốc có thể gây rối loạn thần kinh (nhức đầu, chóng mặt) dị ứng ở da (nổi mẩn ngứa, phù) rối loạn thị giác và giảm thị lực do ngộ độc thuốc.

Người bệnh bị suy tim, suy gan, suy thận bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu và đặc biệt là người già khi dùng dạng thuốc phối hợp này cần theo dõi thật kỹ sự bài tiết nước tiểu về chức năng thận. Với những người điều khiển phương tiện giao thông và sử dụng máy móc, cần lưu ý về nguy cơ bị chóng mặt khi dùng thuốc. Tuyệt đối không dùng thuốc này trong quý 3 của thai kỳ (vì nguy cơ nhiễm độc thai) và vào cuối thai kỳ. Nếu người bệnh nhìn mờ, giảm thị lực hoặc rối loạn về cảm nhận màu sắc thì phải ngừng dùng thuốc ngay lập tức. Để tránh những rối loạn về tiêu hóa, nên uống thuốc vào lúc no và uống với một cốc nước to khoảng 250ml.

Người cao tuổi cũng bị thay đổi đáng kể một số chức năng ở các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến hiện tượng đáp ứng chậm hoặc đáp ứng mạnh quá với thuốc... dễ dẫn tới ngộ độc. Thuốc được thải trừ qua gan và thận là chủ yếu, nhưng ở người già, khối lượng gan và thận đều giảm; lượng máu đến cũng giảm, do vậy ảnh hưởng tới chuyển hóa của thuốc; dễ dẫn đến tích lũy và gây độc, do đó cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Với phụ nữ, nhất là phụ nữ sắp hoặc đang mang thai, càng tuyệt đối không tự ý mua thuốc hay thực phẩm chức năng sử dụng khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ, do dễ dẫn đến ngộ độc ảnh hưởng đến thai nhi. Với trẻ em do đặc điểm sinh lý cũng như các bộ phận trong nội tạng trong cơ thể của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện, chức năng thải độc của gan chưa đầy đủ, chức năng lọc của thận còn yếu nên quá trình thải trừ diễn ra chậm, do đó thuốc dễ bị tích lũy trong cơ thể. Trẻ vẫn còn thiếu một số men chuyển hóa và mức độ nhạy cảm của các cơ quan đích đối với thuốc cũng như các tác nhân gây bệnh cũng khác nhau... Do vậy, khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ cần phải rất thận trọng.

Thông thường liều dùng thuốc ở trẻ nhỏ được tính theo mg/kg cân nặng. Do cơ thể trẻ chưa phát triển hết và có những loại thuốc khi dùng cho trẻ sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển về thể chất. Chẳng hạn như kháng sinh cloramphenicol gây ngộ độc cho tủy xương, nếu dùng kéo dài có thể gây suy tủy, thiếu máu không hồi phục. Kháng sinh tetracyclin không nên dùng cho trẻ dưới 8 tuổi vì thuốc này làm chậm phát triển xương, làm cho răng vàng nâu vĩnh viễn. Kháng sinh streptomycin, gentamycin không dùng cho trẻ sơ sinh vì có thể làm ảnh hưởng đến thính lực của trẻ. Các loại sulfonamid như bactrim, không nên dùng cho trẻ nhỏ vì dễ gây vàng da và độc với thận, nên cần thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ, không nên tự ý mua thuốc nhất là kháng sinh mà không được bác sĩ chỉ định.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, điều quan trọng mà người bệnh cần hết sức lưu ý là, không riêng gì với các loại thuốc kháng sinh mà những loại thuốc, thông thường cũng có thể xuất hiện các phản ứng phụ không mong muốn. Có một số thuốc không phải kê đơn nhưng trước khi dùng vẫn cần đi khám để được bác sĩ cho biết chính xác tình trạng bệnh tật, sức khỏe và có cần phải uống hay không.

 Bởi vậy, tình trạng bán thuốc không theo đơn cần được kiểm soát; người có bệnh cũng cần chủ động đi khám bác sĩ trước khi đến hiệu thuốc. Cần đi khám để được kê đơn chính xác theo diễn biến bệnh chứ không nên tự ý mua thuốc hay dùng lại đơn cũ khi thấy cùng triệu chứng.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang