Dùng khoa học để chống..."Bà La Sát"

author 11:50 11/10/2013

(VietQ.vn) – Qua nghiên cứu hạn hán, các nhà khoa học Việt Nam đã xây dựng được mô hình quản lý và đề ra các biện pháp hiệu quả giảm thiểu tác hại hạn hán.

Hạn hán đang gia tăng

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn từ 1960 đến 2011,  số năm bị hạn hán là 36 năm, chiếm 75%,  với mức độ hạn hán khác nhau (hạn vụ đông xuân 13 năm, vụ mùa 11 năm, vụ hè thu 12 năm). Trong khoảng thời gian 15 năm gần đây, tình hình hạn hán nước ta xảy ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn, trong đó có thể thống kê những đợt hạn hán nặng như hạn hán xảy ra ở Bắc và Trung bộ (1993), ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long (2004)…

Tình hình hạn hán vẫn diễn biến rất phức tạp tại khu vực đồng bằng sông Hồng (2009-2010), tổng lượng mưa tháng 1/2010 chỉ đạt 85% lượng mưa trung bình nhiều năm, mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội chỉ đạt 0,10 m vào ngày 21/02/2010, nhiều hồ thuỷ điện trữ nước ở mức thấp hơn nhiều so với thiết kế như Hoà Bình 94%, Thác Bà 61%, Tuyên Quang 61%.

Ðất sa mạc hóa (hay hoang mạc hoá) ở Việt Nam không tập trung thành hoang mạc rộng hàng trăm nghìn ha như một số quốc gia khác, mà phân bố trên khắp cả nước, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi, những vùng đất trống, đất cát ven biển và đất nghèo bị suy thoái. Trên 90% diện tích đất đang chịu tác động của hoang mạc hóa là các khu vực đất trống, đồi trọc bị thoái hóa mạnh, đất đá ong hóa do tình trạng phá rừng và sử dụng đất không hợp lý trong thời gian dài. Phần còn lại là các khu vực đụn cát, bãi cát di động tại các tỉnh ven biển miền trung, tập trung ở 10 tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Tại đây đã xuất hiện những vùng sa mạc thực thụ (hoang mạc cát) như: Tuy Phong, Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận); Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận).

TS Nguyễn Lập Dân, viện Địa lý, viện KHCN Việt Nam cho hay, gần 20 năm trở lại đây, hạn hán nước ta gia tăng cả về không gian và quy mô. Hạn hán và sa mạc hóa làm mất ổn định đời sống, giảm năng suất cây trồng...

Diện tích rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn và các loại rừng có khả năng điều tiết nước có xu hướng giảm.

Nguyên nhân từ biến đổi khí hậu, sự nóng lên của Trái đất, lượng mưa có xu hướng tập trung vào mùa mưa chứ không phải mùa khô...Đặc biệt, nguyên nhân quan trọng là từ con người: khai thác sử dụng đất không hợp lý, dùng nguồn nước ngầm cạn kiệt...

Chống “Bà La Sát”

TS Nguyễn Lập Dân cùng đồng nghiệp đã thực hiện đề tài cấp Nhà nước KC.08.23/06-10 để nghiên cứu cho vùng đồng bằng sông Hồng và Nam Trung Bộ.

Mô hình hạn chế hạn hán

Mô hình chống hạn hán

Các nhà khoa học đã đặt chân lên tất cả các tỉnh của 2 vùng này, đi tới những nơi khô cằn nhất để đo đạc, lấy mẫu. Từ đó, họ đánh giá được tác động của thiên nhiên và con người đến hạn hán, phân tích ảnh hưởng biến đổi khí hậu và khai thác các tài nguyên (nước, thực vật, đa dạng sinh học) đến quá trình hoang mạc hóa...

Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đã xây dựng hệ thống quán lý hạn hán theo chu trình quản lý thiên tai dựa theo Mỹ, bao gồm quản lý rủi ro và quản lý sự cố. Đầu tiên là các bước dự phòng, giảm nhẹ, dự báo – cảnh báo, sau đó đi đến tác động, ứng phó, tái kiến thiết...

Từ đấy, các nhà khoa học đã đề xuất chi tiết xây dựng, cải tạo các kênh mương giữ nước, xây dựng các công trình bổ sung nước ngầm, chuyển nước từ nơi này sang nơi khác, các hồ chứa, công trình xử lý nước thải.

Không chỉ có vậy, các biện pháp “phi công trình” rất quan trọng cũng được đề xuất như hoàn thiện chính sách pháp luật, lập và rà soát hợp lý tài nguyên, tăng cường trồng rừng, nâng cao nhận thức của người dân...

Tại tỉnh Hà Nam và Ninh Thuận, đã xây dựng được mô hình quản lý hạn hán và cách thức quản lý, được địa phương đánh giá cao và đưa vào thực hiện.

Kết quả nghiên cứu còn là cơ sở đề ra các giải pháp chiến lược và tổng thể để quản lý hạn chế tầm quốc gia.

 

Thùy Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang