Đừng trở thành 63 “nền kinh tế”

author 14:57 20/05/2013

(VietQ.vn) - Sau 25 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, tới đây chiến lược, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài sẽ được điều chỉnh nhằm “nắn chỉnh” dòng vốn chảy đúng định hướng hơn, tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn cho đất nước.

Sự điều chỉnh chính sách về thu hút và quản lý FDI là hết sức cấn thiết, nhưng cần hết sức tránh việc tạo ra “63 nền kinh tế tỉnh thành”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ quan điểm của bà về vấn đề này.

Từ đặc điểm của doanh nghiệp FDI

Có một điều dễ thấy khi nhìn vào những chỉ số thống kê vĩ mô thời gian qua. Đó là trong khi có tới 72.000 doanh nghiệp nội thuộc loại “ốm và yếu” – theo thống kê của Bộ Tài chính thì dường như sức khỏe của nhóm doanh nghiệp FDI vẫn khá tốt.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Đơn cử, tính chung bốn tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước đạt 39,4 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 13,9 tỷ USD, chỉ tăng 7%. Cùng kỳ, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,5 tỷ USD, tăng 23,2%. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sử dụng lao động tháng 4/2013 tăng 0,1%, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng nhẹ (0,4%); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 3,8%; riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,5%.

Điểm mạnh của khu vực kinh tế này là không bị lệ thuộc vào vốn tín dụng. Các doanh nghiệp FDI thường có công ty mẹ đứng sau với nguồn lực dồi dào. Vị thế, quan hệ của công ty mẹ với các tổ chức tài chính, ngân hàng khác nhau giúp họ luôn tìm được các nhà tài chính, các nhà đầu tư khác cùng bỏ vốn, nhờ thế mà không bị lệ thuộc vào thị trường vốn nội địa như doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài còn có thế mạnh ở thị trường tiêu thụ, nhất là với các sản phẩm xuất khẩu. Họ thường có sẵn đầu ra khá ổn định ở thị trường nước ngoài nên rất yên tâm bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Một đặc điểm nữa không thể nhắc đến là trình độ quản trị doanh nghiệp của họ tốt hơn rất nhiều, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của họ có khả năng đưa ra những quyết định kinh doanh cực kỳ sáng suốt và kịp thời. Công tác phòng ngừa rủi ro, rủi ro, quản lý sự thay đổi, quản lý dòng tiền... đều được họ tính toán thấu đáo.

...đến chiến lược thu hút đầu tư ngoại

Gần đây, có khá nhiều ý kiến phản ánh về thực trạng “chuyển giá”, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI. Đúng như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nói, đây là câu chuyện xảy ra ở tất cả các nước có đầu tư nước ngoài chứ không riêng gì Việt Nam; nhưng muốn đấu tranh được với tình trạng này một cách có hiệu quả thì phải có bằng chứng, lập luận rõ ràng; cụ thể hóa con đường chuyển giá của doanh nghiệp. Và nếu xác định là có vi phạm thì đấy cũng là việc của riêng một doanh nghiệp; không vì thế mà làm ảnh hưởng đến cộng đồng hơn 14.500 doanh nghiệp FDI.

Về chiến lược thu hút FDI trong thời gian tới thì cơ quan quản lý đã nêu rất rõ (xem thêm box 2). Song tôi muốn nói thêm về những ý kiến đề nghị cá biệt hóa chính sách thu hút đầu tư FDI. Trong một số trường hợp cần thiết có thể cũng cần cá biệt hóa, nhưng rất không nên biến điều đó thành hiện tượng phổ biến.

Hiện đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, sắp tới sẽ còn hàng ngàn doanh nghiệp, hàng ngàn dự án nữa; nếu tỉnh thành nào, lĩnh vực nào cũng “đòi” có chính sách riêng thì không thể đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật cũng như môi trường kinh doanh. Nói như TS. Trần Đình Thiên, không thể chia nền kinh tế VN thành 63 nền kinh tế tỉnh thành!

Sau 25 năm thu hút, hiện tại cả nước đã có 14.552. dự án vốn FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 210,5 tỷ USD, vốn thực hiện 100,6 tỷ USD, tỷ trọng đóng gó p của các doanh nghiệp FDI chiếm 2% GDP năm 1992 đã tăng lên 18,97% vào năm 2011. Các doanh nghiệp này đang tạo ra 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3- 4 triệu lao động gián tiếp với mức thu nhập tương đối khá.

Tất nhiên, hệ thống chính sách chung cần dành những ưu đãi riêng cho những nơi đặc biệt khó khăn hay những lĩnh vực đặc thù; nhưng phải áp dụng thống nhất; hết sức tránh mỗi nơi tự đặt ra những ưu đãi cho mình để cạnh tranh không lành mạnh theo kiểu “xé rào”, “vượt khung” như thời gian qua. (Đề nghị của Hà Nội mới đây về việc thành lập một Công ty quản lý và kinh doanh vốn nhà nước của địa phương – một kiểu “SCIC nhỏ” - có thể xem là biểu hiện của lối tư duy “kinh tế tỉnh” mà hậu quả sẽ là việc phân tán nguồn lực. SCIC chưa làm tốt phận sự của mình là một chuyện, nhưng đấy không phải lý do để mỗi tỉnh thành lại có một SCIC riêng).  

Mặt khác, cần phân tích rõ các doanh nghiệp FDI thực sự mong muốn điều gì để đáp ứng đúng nhu cầu của họ. Xưa nay cứ nói đến ưu đãi là chúng ta nghĩ đến giảm thuế hoặc ưu đãi tiền thuê đất. Những yếu tố đó không phải không quan trọng,nhưng liệu đã là cần thiết nhất hay chưa?

Tôi cho rằng với những doanh nghiệp công nghệ cao - mà chúng ta đang rất muốn thu hút - thì có lẽ vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ còn quan trọng hơn. Ở đây chính là điểm cần “cá biệt hóa chính sách”. Cần phải làm thật quyết liệt, trừng phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, có như vậy mới khuyến khích được họ yên tâm bỏ vốn đầu tư lớn. Tương tự hàng loạt yếu tố khác như cung cấp nhân lực chất lượng cao; cơ sở hạ tầng tốt; khung khổ pháp luật ổn định, minh bạch đều phải được xem xét, cải thiện.

Bốn định hướng trong thu hút đầu tư nước ngoài thời gian tới:

Một là, cần tạo bước chuyển mạnh về thu hút ĐTNN từ chạy theo số lượng sang chọn lọc các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia.

Hai là, đặc biệt quan tâm thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ.

Ba là, quy hoạch thu hút ĐTNN theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế của từng vùng để phát huy hiệu quả đầu tư của từng địa phương, từng vùng và phù hợp tổng thể lợi ích quốc gia.

Bốn là, chuyển dần thu hút ĐTNN với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao. 

(Trích phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tại Hội nghị sơ kết 25 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài ngày 27/3/2013) 

Cẩm Hà 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang