Gặp gỡ những nhà sáng chế "chân lấm, tay bùn"

author 07:09 31/10/2014

(VietQ.vn) - Dù không được đào tạo qua trường lớp bài bản, nhưng bằng kinh nghiệm và nỗ lực tìm tòi không ngừng nghỉ, nông dân Việt Nam đã sáng chế ra những chiếc máy kì diệu giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bao người.

Thiết bị chống trộm từ máy điện thoại

Mặc dù không được đào tạo qua trường lớp bài bản mà chỉ học lướt qua một khoá điện tử lúc nhỏ, sau đó là một khoá điện cơ và tự học hỏi kinh nghiệm về xe gắn máy, nhưng sau 2 năm mày mò và nghiên cứu, nông dân Nguyễn Văn Thanh, 37 tuổi (sinh sống tại xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã chế tạo thành công một thiết bị chống trộm có thể gắn vào xe máy.

Anh Nguyễn Văn Thanh - nhà sáng chế ra chiếc máy chống trộm từ điện thoại

Anh Nguyễn Văn Thanh - nhà sáng chế nông dân bên chiếc máy chống trộm từ điện thoại. Ảnh Dân trí

Anh Thanh cho biết: “Chỉ trong một năm mà nhà mình bị trộm thăm viếng liên tiếp đến 3 lần, lấy đi một số tài sản và tiền bạc. Từ đó mình nảy ý định và quyết tâm làm một cái thiết bị cảnh báo để chống trộm.” Sau 1 năm nghiên cứu và chế tạo, hư hỏng không biết bao nhiêu chiếc điện thoại, tiêu tốn một số tiền mà anh Thanh cho là khá lớn vào thời điểm đó thì một sản phẩm chống trộm dù chưa được hoàn chỉnh đã ra đời vào năm 2009. Phải mất thêm 1 năm nữa, đến năm 2010, sản phẩm ưng ý nhất và hoạt động ổn định như ý tưởng anh Thanh đã ấp ủ bao lâu mới thực sự thành công mỹ mãn. 

Anh Thanh cho biết: “Tận dụng sóng điện thoại để điều khiển nên không có nhiều chức năng phụ. Chỉ có máy chức năng chính nhưng rất độc đáo. Vì nó điều khiển không giới hạn về khoảng cách, nên người dùng có thể sử dụng bất cứ lúc nào, mọi lúc mọi nơi, miễn là có sóng điện thoại." Thiết bị của anh được gắn trực tiếp vào chiếc xe máy, được điều khiển bởi một số điện thoại cố định của người chủ, nghĩa là chỉ có số máy đó mới có thể giải mã được. "Do đó, nhiều người dùng lầm tưởng rằng mình thiết kế một ứng dụng và điều khiển bằng một thiết bị điện thoại thông minh, đắt tiền. Trong khi thực chất sản phẩm dùng SIM và điện thoại phổ thông. Ai cũng có thể sử dụng được”, anh Thanh nói thêm.

Theo như lý giải của anh Thanh, anh đã thiết lập một trình điều khiển vào trong sản phẩm được “chế” ra, mọi sự điều khiển đều thông qua từng cuộc gọi được bố trí cho một chức năng riêng biệt từ chính chiếc điện thoại. "Hiện các sản phẩm được làm ra đều hoạt động ổn định và bắt trộm hoàn hảo. Mình cũng làm thêm một vài sản phẩm cho người quen đang sinh sống tại khu vực mình và ai nấy cũng thích thú và đón nhận”, anh Thanh vui mừng cho biết. Hiện theo tính toán của anh, giá thành thủ công cho 1 thiết bị chống trộm xe máy là 1,2 triệu đồng. 

Máy xử lý rác thải

Anh Nguyên là một người nông dân chất phác, lớn lên ở vùng biển Tĩnh Gia (Thanh Hóa), vốn gắn bó với nghề cá từ thuở nhỏ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Nguyên sớm phải gác lại ước mơ trở thành một thầy thuốc chữa bệnh cứu người dù đã thi đậu vào trường Y. Nghỉ học ở nhà, chàng trai vùng biển phải làm đủ việc để mưu sinh nhưng sau đó lại bén duyên với nghề cơ khí và tự nghiên cứu chế tạo thành công máy xử lý rác thải.

Anh Ngô Thái Nguyên bên cạnh chiếc máy xử lý rác thải của mình

Nhà sáng chế nông dân Ngô Thái Nguyên bên cạnh chiếc máy xử lý rác thải của mình. Ảnh ĐSPL

Anh Nguyên cho biết, ý tưởng nghiên cứu chế tạo ra chiếc máy có thể xử lí rác thải triệt để xuất phát từ thực trạng người dân địa phương không có thói quen phân loại rác thải sinh hoạt, khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của mọi người. 

Nhận ra yếu điểm của công nghệ xử lý rác hiện nay còn lạm dụng nhiệt khiến hàm lượng khí độc thải ra không khí cao, anh quyết tâm chế tạo máy xử lí rác thải bằng động cơ. Nhà sáng chế nông dân chia sẻ: “Tôi đã bỏ rất nhiều thời gian để tìm tòi nghiên cứu. Hai lần thử nghiệm mô hình trước đó đều không đạt kết quả như mong đợi. Sau đó, tôi dành thời gian tìm hiểu nguyên lý hoạt động của các loại động cơ, thử nghiệm mô hình lắp ráp mô - tơ công suất lớn hơn để vận hành trục quay chế biến rác và đã thành công”.

Nguyên lý vận hành của cỗ máy này rất đơn giản. Các loại rác tổng hợp được đưa vào bồn chứa, khuấy trộn đều trong nước. Sau đó, những loại rác nhẹ như ni-lông, túi giấy, vải, bao bì... sẽ nổi lên trên và được đưa lên băng tải ra ngoài bồn; loại rác nặng vô cơ như đất, cát sỏi đá, xi măng, sắt, thép… sẽ lắng xuống đáy bồn và theo băng chuyền ra mặt sàng. Phần lớn rác hữu cơ như củ, quả, hoa, lá… lắng xuống được chuyển vào hệ thống hầm biogas. Hệ thống rác thô còn lại được đưa về thùng máy rồi được băm, nghiền qua hệ thống dao cắt thô và buồng cắt tinh. Sau đó, rác được dùng ủ trộn làm phân vi sinh trồng cây. Thậm chí, phần rác đã qua xử lý còn được tận dụng làm vật liệu xây dựng khi trộn với xi măng làm gạch ép.

Với việc sử dụng dòng điện ba pha, máy xử lý rác thải của anh Nguyên có thể xử lý từ 8 - 9m3 rác trong khoảng 6 - 8 giờ đồng hồ. Chi phí ban đầu cho cỗ máy này khoảng 72 triệu đồng. Nếu muốn nâng cao khả năng xử lý rác lên gấp ba sẽ phải cải tiến thêm một số chi tiết, nâng giá thành lên khoảng 250 đến 300 triệu đồng.

Máy xúc vượt trội máy Nhật

Ông Trần Quang Phụ (thôn An Xuân, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) nay đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn chưa thôi đam mêm công việc nghiên cứu sáng chế. Nhắc đến những chiếc máy mà ông Phụ “sắt vụn” này chế tạo ra, Chủ tịch Hiệp hội những người lao động sáng tạo Việt Nam, Tiến sỹ Trần Xuân Tư đã phải thốt lên rằng: “Kỳ diệu lắm!”

Ông Trần Quang Phụ cùng sáng chế chiếc máy xúc tự chế

Ông Trần Quang Phụ cùng sáng chế chiếc máy xúc tự chế. Ảnh Báo đất Việt

Ông Phụ chỉ được học hết lớp 5, gọi là biết đọc biết viết, sau đó gia đình khó khăn, ông xa quê hương và vào Huế học lấy cái nghề cơ khí. Sau 2 năm học nghề, ông bắt đầu được ông chủ trả lương, nhưng nghĩ việc ở lại Huế thì bà con nông dân ở quê ai sẽ giúp, ông quyết định trở về địa phương và mở xưởng sản xuất ở đây.

Thực tế, ông Phụ khởi nghiệp bằng nghề buôn bán sắt vụn. Khi nhìn thấy những chiếc máy bơm, những động cơ, những vòng bi, tuốc bin phải bán sắt vụn vì không có người sửa chữa, ông Phụ rất xót xa và nhặt về để mày mò nghiên cứu. Sáng chế đầu tiên của ông là chiếc máy bơm công suất lớn, giải quyết được vấn đề tưới tiêu cho nông dân cả vùng.

Sản phẩm máy xúc của ông Phụ được miêu tả như sau: "Ở thị trường từ năm 2000 đến nay chỉ có loại máy có gàu múc phạm vi hoạt động nhiều lắm thì đến 10m, nhưng có nhiều lĩnh vực sẽ bị hạn chế, ví dụ như nạo vét đáy sông, luồng lạch,... Vì thế tôi quyết định chế ra một chiếc máy xúc có tầm hoạt động xa hơn. Tôi bắt đầu nghiên cứu từ năm 2000 với cấu trúc của chiếc máy của Nhật. Sau đó tôi gia công các thiết bị, đối trọng sao cho đảm bảo yếu tố gấp hai lần công suất Nhật. Đến năm 2002 tôi chế tạo thành công chiếc máy xúc đầu tiên. Nhưng đến nay, chiếc máy xúc của tôi đã được cải tiến cho hiệu quả công việc gấp ít nhất là 3 lần chiếc máy của Nhật."

Khi được hỏi về những công trình mà chiếc máy xúc của ông Phụ đã tham gia, người thợ cơ khí này hồ hởi kể lại: "Nhiều lắm, đếm không hết đâu, làm dầm móng cầu Bến Hải (Quảng Trị), cầu sông Gianh (Quảng Bình), đến Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... Rồi nạo vét sông Ngự Hà, sông Đông Ba ở Huế... Hiện tại công nhân trong xưởng của tôi đang tham gia vào một hợp đồng khai thác than bùn ở địa phương."

Giá thành một chiếc máy của ông Phụ vào khoảng 500 triệu đồng, trong khi máy của Nhật Bản nhập nguyên chiếc sẽ là hơn 1,2 tỷ, hàng cũ đã qua sử dụng cũng vào khoảng 800 triệu đồng. 

Nga Vũ

(Tổng hợp từ Dân trí, ĐSPL, Báo đất Việt)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang