Giá sữa nơi giảm, nơi không

author 10:47 07/06/2014

Bộ Tài chính vừa ra Quyết định 1079 về việc áp trần giá sữa đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Người tiêu dùng chưa kịp vui mừng đã phải bức xúc khi nhiều điểm bán lẻ, khu chuyên doanh sữa vẫn cố tình giữ giá, thậm chí có nơi còn tăng giá bán so với quy định.

Sự kiện: Giá sữa, Thông tin giá sữa trên thị trường

Giá bán cao hơn giá trần

Thông tin từ các siêu thị trên địa bàn TPHCM, như BigC, Co.opMart… cho biết hiện các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được bán theo khung giá quy định của Bộ Tài chính. Theo đó, một số sản phẩm của Abbott, Nestle… đã giảm giá trung bình từ 38.000 đến 205.000 đồng/hộp, tùy loại. Tuy nhiên, liên tiếp trong 2 ngày 5 và 6-6-2014, nhiều bạn đọc bức xúc gọi điện tới đường dây nóng Báo SGGP phản ánh giá sữa bán lẻ tại một số cửa hàng trên đường Bà Hạt (quận 10), An Dương Vương (quận 5), Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh (quận Tân Bình), Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú)… vẫn cao hơn giá trần do Bộ Tài chính quy định. Cụ thể, tại điểm bán số 435 An Dương Vương (phường 11, quận 6) có dịch vụ giao hàng tận nơi, một hộp Enfagrow A+ 3 Vanilla 900g khuyến mãi bán giá 447.000 đồng, cao hơn giá khuyến nghị của Bộ Tài chính 52.000 đồng. Nan Pro 3 loại 900g giá bán 458.000 đồng, cao hơn giá khuyến nghị 33.000 đồng, khuyến mãi còn 413.000 đồng… Ghi nhận tại một số điểm bán trên đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú), giá bán cao hơn giá khuyến nghị trung bình từ 5.000 đến 20.000 đồng/hộp. 

Giá sữa nơi giảm, nơi không

Khách chọn mua sữa tại siêu thị Co.opMart TPHCM

Bạn đọc Nguyễn Mai Linh (ngụ tại Trường Chinh, quận Tân Bình) phản ánh: “Theo quy định, từ ngày 1-6, đã chính thức áp giá trần bán sữa. Tuy nhiên, giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng thường bị đội lên. Chẳng hạn, giá sữa tại một điểm bán trên đường Trường Chinh cao hơn từ 10.000 đến 50.000 đồng/hộp, tùy loại. Chẳng hạn, sữa Nan Pro 3 loại 900g tại một cửa hàng gần chợ Võ Thành Trang có giá 400.000 đồng/hộp, nhưng tại cửa hàng gần Bệnh viện Thống Nhất, quận Tân Bình, có giá 420.000 đồng. Trong khi đó, thử dò giá tại một số điểm bán trên đường Nguyễn Thông, quận 3, giá trung bình mỗi hộp loại này dao động khoảng 395.000 đến 410.000 đồng/hộp”. 

Bà Ngô Hồng Nhung, chủ cửa hàng chuyên doanh sản phẩm sữa các loại trên đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú), cho biết hầu hết các sản phẩm sữa buộc giảm giá theo quy định đều được phía công ty trợ giá. Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng nhận được mức hỗ trợ này. Chỉ cửa hàng hợp tác trực tiếp với công ty mới được hưởng ưu đãi.

Phải tăng cường hậu kiểm

Thời điểm áp trần giá sữa từ ngày 1-6 chỉ mang tính chất tự nguyện của các hãng sữa là chính; tới ngày 21-6 Bộ Tài chính sẽ chính thức áp trần giá sữa bán lẻ. Theo Bộ Tài chính, mức giá bán lẻ tối đa tới người tiêu dùng không vượt quá 15% của giá bán buôn tối đa. Do vậy, mới có mức bán lẻ chênh lệch từ 40.000 đến 50.000 đồng/hộp tùy nơi bán. Bạn đọc Mai Văn An (ngụ tại phường Thạnh Lộc, quận 12) lo lắng: “Biên độ dao động trong việc áp trần giá sữa khá rộng, dễ tạo kẽ hở cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi né luật. Bởi người bán có thể chủ động giá mà không sợ bị xử phạt. Vợ chồng tôi có hai con song sinh 3 tuổi, mỗi tháng tốn vài triệu đồng tiền sữa. Nay chưa kịp mừng về việc Bộ Tài chính áp trần giá sữa đã phải lo lắng đến việc giá sữa thị trường tự do mỗi nơi mỗi kiểu. Nhà tôi cách siêu thị hơi xa nên tôi thường mua sữa cho con tại tiệm tạp hóa gần nhà. Tính ra mỗi hộp cũng mất vài chục ngàn đồng chênh lệch giá”. 

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy trong năm 2013 tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng, thấp còi ở độ tuổi dưới 5 chiếm gần 26%. Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, trung bình cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ thiếu cân, 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thấp còi… Do vậy, Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về việc áp trần giá sữa có hiệu lực được nhiều bậc phụ huynh kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội mua sữa cho trẻ em với giá hợp lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mặt bằng thị trường sữa bán lẻ ở các cửa hàng, tiệm tạp hóa… nhìn chung còn nhiều bất ổn. Để Quyết định 1079 đi vào cuộc sống, rất cần các cơ quan chuyên trách (quản lý thị trường, công an kinh tế…) thường xuyên tăng cường hơn nữa công tác hậu kiểm.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang