Giá xăng đang “gánh” 32,1% thuế và phí

author 06:10 16/07/2014

(VietQ.vn) – Liên bộ Công Thương và Tài chính đã cho phép doanh nghiệp thực hiện 10 đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu và tính đến nay giá bán lẻ xăng đã bao gồm 32,1% thuế và phí, tương đường với 8.300 đồng/lít.

Sự kiện: Giá xăng dầu

Giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng

Giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, có tăng, có giảm nhưng chủ yếu dao động ở mức cao. Trước diễn biến này, để góp phần bình ổn giá bán trong nước, liên Bộ đã phối hợp điều hành giá linh hoạt theo cơ chế thị trường, đồng thời sử dụng các công cụ tài chính nhằm hạn chế mức tăng giá.

Từ đầu năm đến nay, căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới tại các kỳ tính giá quy định tại Nghị định 84, liên Bộ đã thống nhất cho phép các doanh nghiệp đầu mối thực hiện 10 đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm điều chỉnh giá bán lẻ ở mức hợp lý (dưới 500 đồng/lít/kg). Giá xăng sau đợt điều chỉnh ngày 7/7/2014 hiện là 25.640 đồng/lít, trong đó Quỹ bình ổn chỉ sử dụng 500 đồng/lít. Mức giá bán lẻ xăng hiện nay đã bao gồm 32,1% thuế và phí, tương đương 8.300 đồng/lít.

Nhờ sử dụng Quỹ bình ổn giá, giá mặt hàng xăng chỉ tăng tối đa ở mức kiềm chế là 338 đồng/lít thay vì 638 đồng/lít vào thời điểm 23/6/2014 và chỉ tăng 418 đồng/lít thay vì 918 đồng/lít vào thời điểm 7/7/2014 (giá cơ sở mặt hàng xăng Ron 92 tại thời điểm 23/6/2014 thấp hơn giá bán lẻ trong nước là 638 đồng/lít, thời điểm 7/7/2014 thấp hơn 918 đồng/lít). Mặt hàng dầu mazut cũng được điều hành tăng giá tương tự.

Theo tính toán, thời điểm ngày 7/7/2014, nếu không tăng giá xăng mà chỉ sử dụng Quỹ bình ổn thì mức giá thiết lập trong lần điều chỉnh trước đó 2 tuần (ngày 23/6/2014) chỉ có thể duy trì trong khoảng 40 ngày và Quỹ bình ổn sẽ cạn kiệt (đến cuối tháng 6/2014, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn khoảng 1.500 tỷ đồng).

Tại bổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về công tác điều hành giá xăng dầu 6 tháng đầu năm 2014 và phương hướng điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới diễn ra vào chiều qua (15/7), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu như vừa qua đã thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định 84, đồng thời các chi phí hình thành giá thành, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá, mức lợi nhuận tối thiểu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã được công khai, minh bạch.

Trước việc giá xăng dầu thế giới đang đứng ở mức cao và dự báo tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu hai Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến giá thế giới, đồng thời có phương án trong trường hợp giá thế giới tăng cao đột biến.

Nhìn lại các đợt điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua cho thấy, trong 7 tháng đầu năm đã có 5 đợt tăng giá xăng dầu mà chưa từng có đợt nào giảm giá trong khi cùng kỳ năm 2013 có 5 lần điều chỉnh với 3 lần điều chỉnh tăng giá và 2 lần giảm giá xăng dầu còn năm 2012 có 6 lần điều chỉnh với 2 lần tăng và tới 4 lần giảm giá.
Kể cả lần tăng giá ngày 18/12/2013, tổng cộng đã có 6 lần tăng liên tiếp, ghi nhận chuỗi tăng giá dài nhất từ trước đến nay. Với mức tăng giá tổng cộng hơn 1.800 đồng/lít xăng. Bên cạnh đó, so sánh bước tăng giá trong thời gian qua cho thấy, khi giá xăng thế giới nhích khoảng 700 đồng/lít, giá xăng trong nước có thể tăng đến 3.000 đồng/lít.
Cụ thể, ở giai đoạn cuối năm 2012, khi giá xăng RON 92 trên thị trường thế giới dao động quanh mức 117  - 119 USD/thùng, giá xăng trong nước ở mức 23.150 đồng/lít.
Tại thời điểm hiện nay, khi giá xăng thế giới dao động quanh mức 124 USD/thùng, tương ứng mức tăng 5 USD/thùng hay 700 đồng/lít thì giá xăng trong nước đã tăng gần 3.000 đồng/lít so với thời điểm cuối năm 2012.  
Giá xăng ở mức cao do thuế và phí đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá cơ sở. Hiện nay, riêng các loại thuế đang chiếm đến hơn 8.000 đồng/lít xăng. Ngoài ra, chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp đầu mối là 1.160 đồng/lít.
Do đó, khi giá xăng thế giới tăng ít, giá xăng trong nước tăng nhiều, do phải “cõng” khoản thuế cao. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá xăng trong nước luôn tăng mạnh hơn giá thế giới và giá xăng trong nước đang ở mức kỷ lục. 
L. Hường

 

 

 

 

Thanh Huyền

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang