Giá xăng dầu chưa giảm dù giá thế giới giảm mạnh

author 07:31 13/08/2013

(VietQ.vn) - Giá xăng dầu trên thị trường thế giới trong thời gian gần đây liên tục giảm, tuy nhiên, giá trên thị trường nội địa vẫn giữ nguyên như mức đã tăng.

Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh

Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, tại thị trường London (Anh), giá dầu Bren Biển Bắc giao tháng 9 giảm 60 cent, đóng cửa ở mức 106,84 USD/thùng. Trong khi đó, hầu hết các hợp đồng dầu trên thị trường New York giao cùng thời điểm chốt phiên ở mức 104,07 USD/thùng, giảm 30 cent so với phiên giao dịch trước đó. Tính chung cả tuần qua, giá dầu đã giảm 0,9%.

Mặc dù giá xăng dầu thế giới đã giảm liên tiếp như vậy nhưng giá ở trong nước vẫn chưa được cơ quan chức năng và doanh nghiệp xem xét điều chỉnh giảm. Điều này dù không phải là "cách làm mới" nhưng việc chậm giảm giá xăng dầu của các doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của người tiêu dùng.

Bao giờ giảm giá xăng dầu trong nước? Ảnh minh họa
Bao giờ giảm giá xăng dầu trong nước? Ảnh minh họa

Theo giải thích của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, hiện giá bán lẻ xăng dầu vẫn thấp hơn giá cơ sở khoảng 300 đồng/lít. Giá bình quân xăng dầu thế giới 30 ngày tính đến hết tuần qua đang ở mức: Xăng A92 là 118,88 USD/thùng, dầu DO là 123,76 USD/thùng, dầu hỏa là 122,34 USD/thùng.

Hiện giá xăng dầu cơ sở bình quân 30 ngày đang cao hơn giá bán lẻ hiện hành khoảng 610 đồng/lít đối với mặt hàng xăng A92, 490 đồng/lít đối với dầu DO và 620 đồng/lít đối với dầu hỏa. Nếu trừ đi phần sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu là 300 đồng/lít đối với tất cả các mặt hàng thì các doanh nghiệp đang lỗ 310 đồng/lít xăng A92, 190 đồng/lít dầu DO.

Theo báo Dân trí, sau khi giá xăng trong nước được điều chỉnh tăng tới 3 lần thì giá thế giới liên tục trong đà giảm mạnh. So với mức giá ngày 15/7, giá xăng RON 92 Singapore đã giảm trên 10% và thấp hơn mức giá đóng cửa ngày 13/6, trước thời điểm tăng giá 14/6.

Theo báo này, giá xăng RON 92 Singapore đến thời điểm hiện tại đã quay về với vùng giá hồi tháng 5. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/8/2013, mức giá xăng RON 92 Singapore là 112.7 USD/tấn, tăng nhẹ 0,45% so với giá ngày hôm trước. Tuy vậy, mức này đã giảm 10,2% so với mức đỉnh thiết lập ngày 15/7 (125,5 USD/thùng) và thấp hơn so với mức giá đóng cửa ngày 13/6 (116,5 USD/thùng). Kể từ 16/7 đến nay, giá xăng RON 92 giảm mạnh. ​

Trong khoảng thời gian này (trung tuần tháng 6 đến trung tuần tháng 7), giá xăng trong nước đã được điều chỉnh tăng 3 lần. Lần thứ nhất vào ngày 14/6 tăng 420-430 đồng/lít. Lần thứ 2 vào ngày 28/6 tăng 360-370 đồng/lít. Lần thứ 3 vào ngày 17/7 tăng 460-470 đồng/lít.

Cần nhắc lại rằng, hồi đầu tháng 5, khi giá cơ sở trung bình 30 ngày thấp hơn giá bán lẻ xăng RON 92 hơn 400 đồng, thay vì cho phép giảm giá bán lẻ thì Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 58/2013/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng dầu.

Theo đó từ 8/5, nâng thuế nhập khẩu xăng từ 16% lên 19%; thuế nhập khẩu nhiên liệu diesel cho ôtô và nhiên liệu diesel khác thay đổi từ 12% lên 14%; thuế nhập khẩu dầu nhiên liệu từ 14% lên 15%.

Nên rút ngắn chu lỳ tính giá xăng dầu

Các chuyên gia cho rằng, đã có sự mập mờ, lợi dụng trong việc tính giá 30 ngày để doanh nghiệp lờ giảm giá xăng dầu.

Theo ông Phạm Tất Thắng - nguyên giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương, để không phải giảm giá, các doanh nghiệp có thể lấy giá cao nhất của bình quân 30 ngày để tính là sẽ tránh phải giảm giá.

"Cần có sự tính toán sao cho chu kỳ tính giá cơ sở bình quân xăng dầu phù hợp với chu kỳ nhập hàng vào kho và xuất hàng của các DN để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chu kỳ tính giá dài để trì hoãn giảm giá. Chu kỳ tính giá 30 ngày là quá dài để giá xăng dầu trong nước theo kịp giá thế giới. Chu kỳ này chỉ nên 10 ngày, 15 ngày", ông Thắng nói.

Với việc giá xăng thế giới thời điểm hiện tại đang quay về vùng giá của hồi tháng 5 - lúc chưa có 3 đợt tăng nói trên, thì tới nay vẫn chưa có đợt giảm nào đã đặt ra nhiều dấu hỏi cho dư luận.

Theo lý giải của Bộ Công thương, giá xăng chưa giảm do vẫn phải tuân thủ quy định tại Nghị định 84, việc giảm giá bán lẻ xăng dầu căn cứ vào bình quân giá xăng dầu thế giới 30 ngày và các yếu tố đầu vào liên quan khác.

Hầu bao của người tiêu dùng vơi dần khi hàng loạt hàng hóa tăng giá. Ảnh minh họa
Hầu bao của người tiêu dùng vơi dần khi hàng loạt hàng hóa tăng giá. Ảnh minh họa

Trong khi giá xăng thế giới liên tục trên đà giảm mạnh, thì giá xăng Việt Nam lại đang tỏ ra rất hững hờ, kiên định đứng vững trước mọi thay đổi của giá thế giới. Đây quả là một sự vững chãi và kiên định đáng nể, tuy nhiên với người tiêu dùng đây lại không phải là thông tin tốt đẹp.

Doanh nghiệp xăng dầu lãi khủng

Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), báo cáo tài chính (chưa soát xét) công bố mức lợi nhuận sau thuế quí 2 đạt hơn 6,3 tỉ đồng, tăng mạnh so với mức 1,37 tỉ đồng của quí 1 và mức 3,7 tỉ đồng của quí 2 năm ngoái. Tính chung 6 tháng, lợi nhuận ròng của SFC đạt 7,7 tỉ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2012.

Trong quí 2, báo cáo tài chính cho thấy, doanh thu của SFC chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh chính là xăng dầu. Trong đó, doanh thu bán xăng dầu đạt 528,2 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 97% tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ toàn quí là 539,8 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT của SFC, lợi nhuận quí 2 tăng là do trong kỳ công ty đã thực hiện doanh thu từ tài sản là đất đã đầu tư. Khoản thu từ bất động sản của SFC trong quí 2 là hơn 8,1 tỉ đồng.

Tương tự, tình hình lợi nhuận của Công ty cổ phần Vật tư - Xăng dầu (Comeco - mã chứng khoán COM) trong quí 2 cũng tốt hơn quí 1. Theo báo cáo tài chính chưa soát xét của Comeco, mức lãi sau thuế quí 2 là 6,9 tỉ đồng, tăng 23% so với quí trước đó. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, mức lãi lại giảm gần 22%.

Nếu chưa trừ thuế, mức lợi nhuận là hơn 8,8 tỉ đồng, giảm khá mạnh so với mức 11,5 tỉ đồng của quí 2 năm ngoái. Trong khi đó, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của quí này lại tăng khá mạnh so với năm ngoái, lên tới 1.300 tỉ đồng so với 1.166 tỉ đồng.

Giải trình trước cổ đông về sự sụt giảm lợi nhuận, ông Lê Tấn Thương, Tổng giám đốc Comeco cho biết, doanh thu quí này tăng 11,5% do giá bán các mặt hàng xăng dầu tăng so với quí 2 cùng kỳ. Trong đó, xăng A92 từ mức 21.200 đồng lên 23.330 đồng/lít, dầu diesel từ 20.050 đồng lên 21.250 đồng/lít, dầu hỏa từ 20.050 đồng lên 21.300 đồng/lít. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm 23,78% vì công ty trích lập bổ sung dự phòng giảm giá cổ phiếu.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Comeco, công ty này hiện có khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng là 70,6 tỉ đồng, trong đó phải thu của Công ty TNHH Điện tử Huyndai Việt Nam là 43,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây là khoản “nợ xấu” vì đã quá thời hạn trả nợ hơn 1 năm.

Báo cáo tài chính nêu rõ, theo hợp đồng mua bán giữa hai bên, thời hạn thanh toán tiền hàng trong vòng 30 ngày kể từ ngày bên bán phát hành hóa đơn giá trị gia tăng cho mỗi đợt hàng. Hợp đồng trên được đảm bảo thanh toán bằng thư bảo lãnh số 1102/12/BL-HDB013 ngày 11-2-2012 của Ngân hàng Phát triển Nhà TPHCM (HD Bank) có trị giá 50 tỉ đồng. Tuy nhiên đến 30-6-2013, Comeco vẫn chưa nhận được thanh toán như cam kết nên công ty đang tiến hành các thủ tục để thu hồi nợ, đồng thời đã phải trích lập 30% dự phòng phải thu khó đòi số nợ trên.

Trong khi đó, công ty xăng dầu lớn nhất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đến thời điểm này chưa công bố báo cáo tài chính quí 2. Tuy nhiên, trên website của Petrolimex, ông Nguyễn Xuân Chài, Trưởng phòng Kinh doanh thông tin, doanh thu hợp nhất của tập đoàn trong 6 tháng đầu năm 2013 bằng 98,6% cùng kỳ năm ngoái, tổng sản lượng xuất bán tại thị trường nội địa không tăng, không giảm.

Tuy vậy, Petrolimex đã nộp ngân sách nhà nước 15.328 tỉ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, khối xăng dầu nộp ngân sách 14.342 tỉ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2012).

Nguyễn Nam (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang