Xử lý trên 17.500 vụ vi phạm về hàng hóa: Giải pháp truy xuất nguồn gốc để bảo vệ thương hiệu

author 10:51 10/05/2024

(VietQ.vn) - Từ ngày 15/12/2023 -25/4/2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 17.584 vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Tình trạng này đòi hỏi cần phải thực hiện các giải pháp về truy xuất nguồn gốc để chủ động bảo vệ thương hiệu.

Phát hiện, xử lý 17.584 vụ vi phạm về hàng giả, hàng gian lận thương mại

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, từ ngày 15/12/2023 -25/4/2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 17.584 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách gần 200 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 80 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 67 vụ có dấu hiệu tội phạm. 

Riêng tháng 4 năm 2024, lực lượng đã phát hiện, xử lý 4.599 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách gần 45 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm gần 15 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 13 vụ có dấu hiệu tội phạm.

Đáng chú ý, trong 4 tháng năm 2024, thực hiện Công điện về các giải pháp quản lý thị trường vàng và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương về hoạt động này, Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, phát hiện 145 vụ vi phạm tại cửa hàng vàng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 6,8 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính gần 3 tỷ đồng. Trong nhiều vụ việc kiểm tra, lực lượng phát hiện số lượng lớn trang sức là vàng có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại thị trường Việt Nam như: Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermès...

 Hàng giả, gian lận thương mại không ngừng gia tăng cần chủ động truy xuất nguồn gốc. Ảnh miinh họa

Bên cạnh mặt hàng vàng, trong 4 tháng đầu năm 2024, Quản lý thị trường cả nước cũng tăng cường lực lượng kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và mới đây nhất là kiểm tra việc thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu...

Số liệu của cơ quan này cho biết, trong 4 tháng năm 2024, lực lượng phát hiện 144 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên 3,5 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; các doanh nghiệp mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối theo quy định; ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân kinh doanh xăng dầu trong thời gian thương nhân kinh doanh xăng dầu đó đang là đại lý xăng dầu của thương nhân đầu mối khác hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu khác.

Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường các địa phương phát hiện nhiều cửa hàng bán xăng dầu có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; bán xăng dầu không đúng địa chỉ theo giấy phép đăng ký.

Những tháng còn lại của năm 2024, dự báo tình hình kinh doanh, buôn bán hàng hóa nhập lậu sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, do đó, để bảo vệ môi trường kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng Quản lý thị trường cả nước sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường, tập trung vào các mặt hàng trọng tâm, trọng điểm, có nhu cầu tiêu dùng cao.

Trong khi đó, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, bên cạnh hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong môi trường truyền thống, lực lượng Quản lý thị trường cả nước sẽ chú trọng kiểm tra hoạt động kinh doanh, chấp hàng pháp luật trên môi trường thương mại điện tử.

Cần thực hiện các giải pháp về truy xuất nguồn gốc để chủ động bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trước vấn nạn hàng giả 

Bàn về tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại ngày càng gia tăng, ông Ngô Tấn, Giám đốc Công ty xây dựng Việt Nhật cho biết, sản phẩm là cả sự nghiệp mà các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhưng khi bị làm giả, làm nhái với giá rẻ hơn, chất lượng kém hơn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thương hiệu và kinh tế của doanh nghiệp, có thể khiến doanh nghiệp đi đến phá sản.

Vì thế, để chủ động bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp cũng như bảo vệ người tiêu dùng, các chuyên gia đã khuyến nghị doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp về truy xuất nguồn gốc.

Ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp nhận định, truy xuất nguồn gốc hàng hóa phục vụ 3 mục đích chính là phục vụ quản lý chuỗi cung ứng để minh bạch thông tin của một sản phẩm thông qua các giai đoạn sản xuất chế biến và phân phối; phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng có cơ sở thông tin để yên tâm lựa chọn hàng hóa chính hãng; phục vụ cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình quản lý và kiểm soát hàng hóa trên thị trường.

Đặc biệt, vào cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, sẽ có hiệu lực từ tháng 6 năm nay. Trong đó, Thông tư đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi xây dựng dữ liệu phải đảm bảo tối thiểu 10 thông tin cơ bản về tên, hình ảnh sản phẩm, tên đơn vị sản xuất kinh doanh, địa chỉ… Thông tin này được in mã gắn trên bao bì sản phẩm và được kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Người tiêu dùng có thể tra cứu hạn sử dụng, nguồn gốc của sản phẩm...

Theo ông Tiêu Năng Minh, Phó Ban Hợp tác quốc tế, Trung ương Hội nghề cá Việt Nam, với người tiêu dùng thì truy xuất nguồn gốc sẽ giúp hiểu được quy trình sản xuất ra sản phẩm; với cơ quan quản lý thì sẽ hiểu rõ lý lịch sản phẩm và dễ dàng truy trách nhiệm khi sản phẩm gây ra vấn đề không tốt về sức khoẻ người tiêu dùng. Hơn nữa, việc truy xuất nguồn gốc cũng giúp các cơ sở chế biến cạnh tranh với nhau về chất lượng, buộc phải đầu tư để đáp ứng các tiêu chuẩn và quy chuẩn, tạo thuận lợi cho xuất khẩu.

Đồng quan điểm, ông Dương Đức Huy, chủ cơ sở sản xuất rượu hoa quả tươi Đỗ Kiều Black cho rằng, thực hiện các giải pháp truy xuất nguồn gốc còn giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ các đối tác quốc tế. Chẳng hạn như đối tác Hàn Quốc luôn đưa yêu cầu cao về tính pháp lý cũng như tuân thủ các quy định về kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, nên khi truy xuất được nguồn gốc hàng hoá thì cũng thuận lợi hơn khi làm việc, giao thương. Vì thế, để hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường đã có các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ về truy xuất nguồn gốc

Theo Viện Phát triển Doanh nghiệp, những giải pháp mới nhờ ứng dụng công nghệ sẽ hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ đầu vào đến khâu lưu thông, phân phối, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã về truy xuất nguồn gốc hướng đến minh bạch trong sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Minh Tuân, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) cho rằng, công tác chống hàng giả, hàng nhái không thể đạt hiệu quả cao nếu không có sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp và sự chung tay của toàn xã hội. Các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu… cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức “tiêu dùng thông minh”, tránh trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng nhái.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang