Giá xăng dầu giảm, DN cung ứng than 'lỗ'?

author 11:07 10/12/2014

(VietQ.vn) - Giá dầu thế giới liên tục giảm khiến 71 doanh nghiệp vận tải Việt mới đây đã phải giảm cước vận tải theo yêu cầu của Bộ Tài Chính. Giá dầu giảm tạo ra tác động kép không chỉ đến những doanh nghiệp khai thác dầu mà cả đơn vị cung ứng cũng bị tác động.

Sự kiện: Giá xăng dầu

Xăng giảm giá, 71 doanh nghiệp vận tải giảm cước

Giá xăng dầu giảm khiến 71 doanh nghiệp vận tải đã phải giảm cước. Trong có 17 doanh nghiệp kê khai giá cước vận tải hành khách tuyến cố định với mức giảm từ 5.000 - 60.000 đồng một hành khách (giảm 4 - 16,67%). 2 doanh nghiệp kê khai giá cước vận tải hàng hóa bằng container với mức giá điều chỉnh giảm 3 - 4% (giảm 800 - 900 đồng/tấn/km). 55 doanh nghiệp kê khai giá cước vận tải hành khách bằng taxi giảm 4 - 9% (tương đương 500 - 1.000 đồng/km) so với mức giá kê khai gần nhất.

Giá xăng dầu giảm khiến các hãng vận tải cũng buộc phải giảm giá cước

Giá xăng dầu giảm khiến các hãng vận tải cũng buộc phải giảm giá cước. Ảnh VTCNews

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã giảm liên tiếp nhiều lần, nhưng cước vận tải vẫn gần như "bất động" đã khiến cho dư luận băn khoăn. Mới đây, Bộ Tài chính cũng có công văn yêu cầu các Sở Tài chính kiểm tra giám sát việc thực hiện kê khai giảm giá cước vận tải bằng xe ô tô phù hợp với biến động giảm của giá xăng dầu.

Theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu thế giới giảm sâu, giá xăng bán lẻ trong nước cũng đã được điều chỉnh giảm liên tiếp song một số doanh nghiệp vận tải vẫn không điều chỉnh giảm giá cước vận tải.

Cụ thể, giá xăng bán lẻ trong nước đã giảm lần thứ 10 với mức giảm 5.391 đồng/lít xăng, tuy nhiên một số doanh nghiệp vận tải và hàng hóa tiêu dùng vẫn chưa chịu giảm giá cước vận tải và giá hàng hóa tiêu dùng cho thấy việc tăng giá theo giá xăng rõ ràng là hành động "té nước theo mưa" của doanh nghiệp và tiểu thương.

Sau lần nhắc nhở gần đây của Bộ Tài chính, nhiều doanh nghiệp vận tải bằng xe ô tô đã thực hiện giảm giá cước vận tải và kê khai lại giá với Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải địa phương.

Không chỉ những doanh nghiệp khai thác dầu, đơn vị cung ứng cũng  bị tác động 

Các doanh nghiệp xăng dầu chịu tác động tiêu cực từ giá dầu thế giới giảm. Ông Đặng Văn Sang, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP HCM (Saigon Petro) cho biết, hơn một tuần nay giá dầu giảm khiến hoạt động kinh doanh của công ty không mấy khả quan.

"Vì đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho khách, thông thường công ty theo chu kỳ 20 ngày nhập một lần. Lô hàng gần đây nhất chịu ảnh hưởng khá lớn từ giá dầu giảm khiến cả tháng nay công ty phải chịu lợi nhuận âm", ông Sang nói.  Saigon Petro là một trong những đầu mối xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, khí đốt của cả nước. Theo quy định, doanh nghiệp phải nhập hàng để đảm bảo dữ trữ lưu thông trong thời gian 15-20 ngày.

Các doanh nghiệp khai thác, cung ứng chịu tác động tiêu cực khi giá xăng dầu giảm

Các doanh nghiệp khai thác, cung ứng chịu tác động tiêu cực khi giá xăng dầu giảm. Ảnh VnExpress

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó giám đốc Công ty xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) cũng chia sẻ riêng tháng 10 và 11, việc giá bán lẻ liên tục giảm mạnh đã khiến công ty hầu như không có lãi. Bởi lẽ, công ty trước đó phải nhập giá cao nhưng khi bán lẻ giá lại sụt giảm mạnh. "Thông thường xăng dầu luôn nhập với số lượng lớn để dự trữ dù giá cao.

Điều này khiến doanh nghiệp chịu rủi ro khi giá bán lẻ điều chỉnh mạnh. Sau khi trừ tất cả chi phí, hầu như đơn vị không có lãi trong hai tháng nay. Nếu tình hình giá dầu tiếp tục giảm sâu thì doanh nghiệp buộc phải chịu lỗ. Đây là quy luật thị trường", ông Cảnh giải thích.

Cũng gặp khó khăn khi giá dầu giảm, Tổng công ty xăng dầu khu vực IV thừa nhận cả tháng nay hoạt động kinh doanh xăng dầu của công ty bị ảnh hưởng. Doanh thu sụt giảm. Số lượng hàng nhập về nhiều nhưng bán ra không kịp nên lợi nhuận  thiếu khả quan.

Nắm thị phần lớn nhất trên thị trường cung cấp khí gas, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cũng không khỏi buồn lòng khi giá dầu thế giới xuống thấp và phải xin sự hỗ trợ. Theo bản tin đăng trên cổng thông tin Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng giám đốc PV Gas Đỗ Khang Ninh đã kiến nghị PVN xem xét giúp PV Gas có được giải pháp hợp lý cho giá khí Hải Thạch Mộc Tinh bán cho các hộ tiêu thụ trong tình hình giá dầu xuống thấp khiến PV Gas phải bán lỗ.

Về tình hình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp này cho biết giá dầu giảm vừa qua nhưng Tổng công ty vẫn hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. “Riêng việc giá cổ phiếu GAS mất 5.500 đồng trong phiên 9/12 có thể là do tâm lý đám đông. Nhiều nhà đầu tư nghĩ biến động giá dầu sẽ làm cho kết quả kinh doanh GAS sụt giảm. Tuy nhiên, tôi khẳng định hoạt động kinh doanh của đơn vị không  liên quan nhiều đến việc dầu tăng hay giảm”, lãnh đạo PV Gas khẳng định.

Phương Trâm (Tổng hợp từ VnExpress và VTCNews)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang