'Giải mã' vì sao liên tiếp xảy ra các vụ tẩm xăng tự thiêu

author 13:57 17/09/2015

(VietQ.vn) - Những hoang mang, lo lắng về các sự việc đáng tiếc, thương tâm vì sao thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tẩm xăng tự thiêu xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình sẽ được "giải mã".

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ việc, án mạng thương tâm xảy ra trong nội tại gia đình như trường hợp của ông bố ở huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) tẩm xăng thiêu chết 3 người con ruột mình, hay trường hợp của một bà mẹ đang mang thai đứa con 8 tháng tuổi ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã tưới xăng lên mình rồi tự thiêu…

Từ một số câu chuyện đau lòng trên, bởi nạn nhân đều là những người ruột thịt trong gia đình, khiến cho dư luận vô cùng hoang mang, lo lắng. Vì sao thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tẩm xăng tự thiêu xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình?

Vụ ông bố chán nản chuyện vợ bỏ nhà đi tưới xăng lên mình tự thiêu cùng 3 con ruột ở Tây NinhVụ việc ông bố chán nản chuyện vợ bỏ nhà đi tưới xăng lên mình tự thiêu cùng 3 con ruột ở Tây Ninh

Để có cái nhìn khách quan, cũng như có cái nhìn sâu xa, toàn diện về những sự cố vô cùng đáng tiếc trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Phạm Mạnh Hà (nguyên giảng viên Khoa Tâm lý học – Trường ĐH KHXH&NV, nay là Phó trưởng Khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam).

Theo TS. Phạm Mạnh Hà, đối với những sự việc, trường hợp cụ thể thì cần phải có nghiên cứu thực tiễn thì mới có thể đánh giá khách quan, chính xác được. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ chuyên môn, ông cũng đưa ra một số quan điểm cá nhân, góc nhìn khái quát về chiều hướng xảy ra các vụ việc có yếu tố tương tự.

TS. Phạm Mạnh Hà cho rằng, các sự việc xảy ra thường có yếu tố của một con người cụ thể nào đó có phát sinh từ sự cùng quẫn, gây ra các xung đột như chửi nhau, cãi nhau… Thực ra, nó là hành động của sự việc “giọt nước tràn ly” trong mối quan hệ lâu ngày tích tụ. Hay nói cách khác, nó là câu chuyện của sự việc đã xảy ra, lặp lại các tình huống, mâu thuẫn tương tự từ trước đó rồi.

“Trên thực tế, không mấy trường hợp mâu thuẫn trong gia đình mà xảy ra việc tự sát hay có hành động bột phát ngay được. Có thể nói đó là sự tích tụ lâu ngày, dẫn đến đầu óc của con người ta có thể bị ức chế, căng thẳng, thậm chí dẫn đến stress không kiểm soát được hành vi và biến đổi về mặt nhân cách.

Bởi quá trình stress xảy ra thường xuyên, quá nhiều không được giải tỏa kịp thời sẽ dẫn đến lo âu, nặng hơn dẫn đến biểu hiện của bệnh lý tâm thần. Vì thế, trong lúc nóng giận, người ta sẽ không kiểm soát được hành vi nữa”, TS. Phạm Mạnh Hà nhận định.

TS. Phạm Mạnh HàTS. Phạm Mạnh Hà

Cũng theo TS. Phạm Mạnh Hà, sự cùng quẫn của cuộc sống dẫn đến các mâu thuẫn, xung đột trong gia đình thực tế đang có chiều hướng gia tăng. Điều đó, nó ảnh hưởng ít nhiều đến mối quan hệ ở xã hội như cái hạn chế, cái tồn tại, cái chưa tốt, cái ác, bi kịch tự hại mình và kéo theo người thân của mình... cũng xuất hiện nhiều hơn.

Do đó, việc lựa chọn cái chết nó trở thành một phương án giải thoát. Như trường hợp của một gia đình nọ do quá nghèo, không chịu đựng được đã tìm đến cái chết để giải thoát cho mình cũng là trường hợp vô cùng đáng tiếc.

“Thông thường, người ta đến mức đường cùng, cùng quẫn đến mức tột độ rồi mà người ta cảm thấy không có lối thoát thì người ta tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Tuy nhiên, sự giải thoát ấy hay nói cách khác sự độc ác đó nó giống như sự “ép buộc” thì bao giờ người ta cũng muốn làm cho người gây ra cái nỗi đau ấy sự đau đớn hơn.

Vì thế, người ta chết thường kéo theo một đối tượng là người thân, người con của mình, nằm trong mối liên quan của chủ thể mâu thuẫn đó phải chịu cuộc sống sau này dằn vặt, áy náy. Cái chết của ông bố kéo theo những đứa con là có chủ đích hướng đến người thân ở lại cảm thấy đau khổ giống như những gì họ phải trải qua”, TS. Phạm Mạnh Hà bày tỏ.

Ở một góc nhìn khác, TS. Phạm Mạnh Hà cho rằng, trong xã hội hiện nay, có một số người sống khá ích kỷ, vì lợi ích của mình quá nhiều. Đến khi mình cùng quẫn, cùng cực thì họ kéo theo người khác cùng với mình phải đau đớn. Điều này phản ảnh một thực tế, trong xã hội chúng ta, cuộc sống vật chất bị quá coi trọng hơn cuộc sống tinh thần.

Vì thế, khi thiếu thốn vật chất thì mọi người cảm thấy thiếu thốn tất cả. Khi không đáp ứng họ cảm cảm thấy chán nản, nảy sinh ra các mâu thuẫn, trong đó có mâu thuẫn gay gắt trong gia đình dẫn đến sự việc đáng tiếc.

Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ xã hội cộng đồng hoạt động còn hạn chế. Chúng ta có các tổ chức, hoạt động công tác xã hội nhưng chưa đi vào cuộc sống nhiều lắm. Người dân khi gặp vấn đề không biết giải tỏa ở đâu, chả biết nói với ai. Những vấn đề đó không được hỗ trợ kịp thời sẽ làm cho mức độ về tâm thần, stress của con người ta tăng lên và các mối tổng hòa của quan hệ xã hội, gia đình sẽ khó được giải quyết, dẫn đến những hệ quả đáng tiếc.

Hải Sơn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang