Giày Việt thất thế

author 07:04 06/06/2013

(VietQ.vn) - Ngay trước cổng Công ty giày Thượng Đình, giày mang nhãn hiệu “made in China” lại chiếm ưu thế.

<br>
Giày dép Trung Quốc "ăn điểm" ở mẫu mã và giá rẻ

“Thủ phủ” giày Việt Nam tràn ngập hàng Trung Quốc

Trong khi giày dép trẻ em trên thị trường chủ yếu là hàng Trung Quốc thì các cửa hàng giày dép "Made in Viet Nam"  dành cho người lớn lại vô cùng phong phú với nhiều mẫu mã, kiểu dáng thời trang và giá hợp lý.

Theo chân chị Ngọc Hà (Đống Đa, HN) đi mua giày cho con tại đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội (trước cổng công ty giày Thượng Đình – PV). Khi mới đến địa điểm này, chắc hẳn ai cũng choàng ngợp trước “thủ phủ” giày số 1 Việt Nam với những biển quảng cáo bắt mắt “giày Thượng Đình”. Tuy nhiên, đi sâu vào “thủ phủ” đó, điều ngạc nhiên là giày Thượng Đình thì ít, mà giày Trung Quốc, đặc biệt là các loại giày dành cho trẻ nhỏ lại đang chiếm “thế thượng phong”.

Khi hỏi nhân viên bán hàng về việc, muốn mua một đôi giày cho trẻ nhỏ của Thượng Đình hoặc của Việt Nam sản xuất thì chính những nhân viên ở đây tìm mỏi mắt cũng không thấy. Đi đến các cửa hàng kế bên, tình trạng này cũng diễn ra tương tự. “Chị muốn mua giày cho trẻ nhỏ là hàng Việt Nam thì vào góc kia bới, may ra còn hàng tồn đấy”, một nhân viên bán hàng nói.

Theo khảo sát của PV Chất lượng Việt Nam, các loại giày Việt Nam dành cho người lớn được bán ở đây cũng khá nhiều mẫu mã. Tuy nhiên, giày dép của người lớn vẫn bị hàng của Trung Quốc lấn át với tỷ lệ 60/40 (60% là hàng của Trung Quốc – PV).

Hầu hết giày dép “made in Trung Quốc” thường có giá mềm hơn so với hàng Việt Nam từ 100-200 nghìn, mỗi đôi giày Trung Quốc có giá từ 250 – 400 nghìn, trong khi hàng Việt Nam có giá từ 350 -700 nghìn trở lên.

Vì sao hàng Trung Quốc lại đánh bật hàng Việt Nam?

Lý giải vấn đề này, chủ một cửa hàng ở đường Nguyễn Trãi cho biết: “Đúng là ở đây gần nhà máy sản xuất giày Thượng Đình thật, nhưng được mấy người thích hàng Việt Nam như cô”. “Bây giờ người ta thích giá rẻ, mẫu mã đẹp chứ chất lượng thì cứ bình bình là được rồi, đi được một mùa rồi bỏ đi ấy mà”, chủ cửa hàng nói.

Thị trường giày dép nội vẫn có " khoảng trống" phân khúc giày dép dành cho trẻ em?

Còn một chủ cửa hàng khác lý giải: “Chẳng qua đến chỗ này bán hàng vì người mua nghĩ là gần công ty giày thì chắc bán nhiều giày thôi, chứ hàng Việt Nam nhập vừa đắt, lại khó bán thì bao giờ chúng tôi mới thu hồi được lại vốn”.

Nhưng điều đáng nói là đa số tâm lý của người Việt Nam lại thích đồ vừa rẻ vừa đẹp, để đáp úng được điều đó thì chỉ có hàng Trung Quốc. “Nếu cho trẻ con chọn giày khi chưa biết nguồn gốc, thì tôi cam đoan là trẻ sẽ chọn giầy Trung Quốc vì loại hàng này có nhiều hoa văn, hình thù bắt mắt trẻ hơn”.

Chị Nga, chủ một cửa hàng trên “phố giày” cho biết: “Dù là hàng Trung Quốc, nhưng đều là đồ xịn cả. Hàng này rất đa dạng về mẫu mã và chủng loại tha hồ chào hàng, chứ không như của Việt Nam, chào ba đôi là đã hết mẫu, kích cỡ cũng không đủ”.

Tuy nhiên, khi giãi bày về việc sợ mua hàng Trung Quốc bị nhiễm hóa chất ảnh hưởng đến da, gây ung thư da thì chị Nga nói: “Đây là đồ đi dưới chân, chứ có phải ăn vào mồm đâu mà bệnh với chẳng tật”.

Chính sự chủ quan của người tiêu dùng và những lời giải thích như chị Nga mà nhiều người “rước” bệnh vào thân khi dùng hàng kém chất lượng của Trung Quốc.

Thực tế,  trên thế giới có không ít vụ việc đã được cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng. Gần đây nhất là việc Chính phủ Ý và hàng loạt hệ thống cửa hàng tại Pháp đã tịch thu hàng triệu đôi giày da do Trung Quốc sản xuất sau khi có những trường hợp người sử dụng bị dị ứng nổi ban đỏ, bỏng rát do chất chống ẩm mốc dimethylfumarate có trong giày.

Những đôi giày này bị “cáo buộc” không chỉ ăn cắp tác quyền của Ý mà còn chứa các hóa chất độc hại. Các kết quả xét nghiệm cho thấy những đôi giày giả Ý này có hàm lượng hexavalent chromium (crom hoá trị sáu) vượt mức cho phép, có thể gây ung thư cho người sử dụng. (Còn nữa)

Cẩm Linh
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang