Đối diện với nguy cơ trầm cảm, ngộ độc, tử vong khi hít bóng cười

authorTrần Thanh 10:00 27/02/2017

(VietQ.vn) - Hít bóng cười được coi là thú vui xả stress, mang lại hưng phấn cho người sử dụng tuy nhiên nó lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khoẻ con người.

Sự kiện: Cảnh báo sức khỏe

Tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết các bác sĩ ở trung tâm từng cấp cứu cho một bệnh nhân nữ, bệnh nhân tên Nguyễn H. A. 19 tuổi, trú tại Hà Nội, nhập viện trong tình trạng không đi được, chân tay bủn rủn, mất cảm giác do thổi bóng cười.

Bệnh nhân được đưa ngay vào Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai và tiến hành điều trị theo ngộ độc khí N2O, sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã khỏe mạnh ra viện, có thể đi lại được như trước.

Theo bác sĩ tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai trào lưu này rất nguy hiểm, cái cười mang lại chưa đủ bằng những tổn thương có thể do ngộ độc N2O.

Giới trẻ nô nức hít bóng cười: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ trầm cảm, ngộ độc, tử vong - Ảnh 1.

Trào lưu hít bóng cười nguy hiểm (Ảnh minh họa)

Bác sĩ Phạm Đình Tuần - Khoa Nội, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ trên báo Trí thức trẻ, thổi bóng cười chính là hít khí NO2 mà trước đây trong y học dùng làm thuốc tiền mê hoặc gây mê qua đường hô hấp gọi là gây mê hở.

Nhưng vì tác dụng nhẹ các nhân viên trong kíp phẫu thuật đôi khi cũng bị hít phải và gây ra trạng thái phấn khích nên ngày nay được thay thế bằng các thuốc gây mê tiêm tĩnh mạch hoặc tủy sống gọi là gây mê kín.

Chính vì tác dụng đó nên nhiều người đã sử dụng qua đường thở nhằm mang lại trạng thái hưng phấn khoảng vài phút, trong đó vẫn có một số ít người lại có trạng thái buồn bã, ký ức buồn ùa về. Các trạng thái thay đổi đó sẽ trở lại bình thường trong vài phút.

Bác sĩ Tuần nhấn mạnh, bất cứ hóa chất gì đặc biệt được dùng trong y học đều cần phải tuân thủ đúng liều lượng và chỉ định điều trị, nếu lạm dụng nó đều không tốt ngay cả đối với người bình thường.

Việc sử dụng bừa bãi, chất lượng lại không được kiểm tra thì chắc chắn lợi bất cập hại. Đặc biệt là những người có tiền sử về bệnh tim mạch nếu hít khí N2O có thể nguy hiểm tới tính mạng vì thế bác sĩ Tuần khuyên không nên sử dụng bóng cười coi là trò xả căng thẳng.

Theo tiến sĩ Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa trường Đại học quốc gia Hà Nội thì khí N2O là loại khí giảm đau, không màu, có vị ngọt nhẹ. Chất này gây vô cảm hoặc gây mê, tê toàn thân nhưng không mất tri giác. Sở dĩ gọi N2O là khí cười bởi vì khí này tác động lên một điểm của hệ thống thần kinh gây cười, kích thích thần kinh.

Nếu dùng nhiều khí N2O sẽ gây độc cho cơ thể, thậm chí có khả năng gây bệnh ung thư và các rối loạn khác trong cơ thể.  Bên cạnh đó, việc hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy…

Nếu những người mắc bệnh về tim mạch hay hen suyễn và một số bệnh liên quan tới đường hô hấp mà hít phải N2O lâu sẽ rất nguy hiểm vì nó có thể dẫn tới ngừng thở. Dù chưa có trường hợp nào tử vong liên quan đến việc sử dụng khí cười một cách quá độ, nhưng việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe là điều vô cùng cần thiết, vì vậy không nên lạm dụng khí cười để thỏa mãn bản thân.

Bác sĩ Ngô Xuân Hiền, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết, không nên sử dụng khí N2O vì dùng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến thần kinh trung ương. Nguy hại hơn, việc dùng “bóng cười” cùng với các chất ma túy hoặc rượu có thể làm tăng đáng kể nguy cơ bị thương tổn nghiêm trọng hoặc tử vong. Bên cạnh đó, chơi bóng cười còn ảnh hưởng tới hệ thần kinh và tim mạch.

Như vậy, có thể thấy “bóng cười” rõ ràng là một thú chơi có thể gây nghiện, gây hại cho sức khỏe, có thể ví như một loại “ma túy ảo” ngấm ngầm chi phối bộ não, tàn phá sức khỏe con người. Song hiện nay cơ quan chức năng chưa có quy định quản lý loại chất nguy hiểm này.

Nhiều bạn trẻ vô tư lao vào thú tiêu khiển này mà không hề biết hậu họa nếu lạm dụng nó. Thực tế cho thấy, tâm lý giới trẻ thường thích thú với cái mới, nhất là những thứ không gây hại ngay hoặc gây hại gián tiếp thì càng dễ “tặc lưỡi”bỏ qua.

Trước khi cơ quan chức năng có những biện pháp quản lý thì bạn trẻ cũng cần nhận thức rõ sự nguy hiểm của thú chơi tai hại này, không nên chạy theo thú vui nhất thời mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang