GS. Đàm Thanh Sơn lên tiếng sau bài viết trên VietQ.vn

author 19:12 16/01/2013

(VietQ.vn) – Ngay ở những nước tiên tiến như Mỹ, những nghiên cứu như “bổ đề cơ bản” hay vật lý lý thuyết cũng còn phải rất lâu mới có thể được ứng dụng vào thực tế. Những nước này đầu tư vào việc đào tạo các nhà khoa học và nghiên cứu khoa học cơ bản một phần vì các nhà khoa học là “những người giữ ngọn lửa”, duy trì tri thức của nhân loại.

Lời tòa soạn: Sau bài viết: “Viện Toán của GS Ngô Bảo Châu "nhường chỗ" cho hội chợ triển lãm” (VietQ.vn ngày 6/1)  trên các mạng xã hội đã nêu rất nhiều ý kiến về vấn đề: Chúng ta có nên tốn tiền đầu tư cho khoa học cơ bản hay không?

Để rộng đường dư luận và giúp bạn đọc có thêm cái nhìn đa chiều, Chất lượng Việt Nam trân trọng trích giới thiệu bài viết dưới đây của GS Đàm Thanh Sơn.

15 tuổi, Sơn giành Huy chương vàng toán quốc tế với số điểm tuyệt đối tại Prague (CH Czech).
Năm 15 tuổi, Đàm Thanh Sơn giành Huy chương Vàng toán quốc tế với số điểm tuyệt đối tại Prague (CH Czech)

Là một người nghiên cứu khoa học cơ bản và ủng hộ phát triển khoa hoc cơ bản ở Việt Nam, có lẽ tôi không thể hoàn toàn vô tư khi đưa ra ý kiến của mình trong vấn đề chính sách phát triển khoa học. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn chia sẻ một vài ý kiến xuất phát từ kinh nghiệm làm việc và tham gia tổ chức khoa học ở một số nước phát triển.

Vấn đề phân bổ nguồn tài chính giữa các ngành khoa học mà bài báo đưa ra là một vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia; và tìm ra được giải pháp đúng đắn cho vấn đề này không phải dễ, kể cả với các nước phát triển.

Ngay ở những nước tiên tiến như Mỹ, những nghiên cứu như “bổ đề cơ bản” hay vật lý lý thuyết cũng còn phải rất lâu mới có thể được ứng dụng vào thực tế. Những nước này đầu tư vào việc đào tạo các nhà khoa học và nghiên cứu khoa học cơ bản một phần vì các nhà khoa học là “những người giữ ngọn lửa”, duy trì tri thức của nhân loại.

Những người đó có đóng góp vào sự phát triển kinh tế trước mắt, nhưng thường là gián tiếp, không phải trực tiếp. Và các nhà khoa học phải làm việc với các nhà hoạch định chính sách và chỉ có thể có được nguồn đầu tư dài hạn hay hàng năm vào các dự án khoa học cơ bản nếu chứng minh được tầm quan trọng của chúng với xã hội.

Tuy nhiên, ở những nước này, quan điểm chung là sự phát triển của khoa học cơ bản là đầu tàu để có những đột phá trong công nghệ và đó là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tiến lên. Do đó, chính sách đầu tư vào đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản cùng với đầu tư vào phát triển công nghệ, cả ngắn hạn và dài hạn, luôn được ủng hộ bằng một nguồn tài chính tương đối ổn định từ ngân sách.

Một nước nghèo muốn tiến lên thành một nền kinh tế phát triển bền vững khó có thể đạt được điều đó mà không phát triển khoa học công nghệ. Nhưng muốn thế thì phải có một chính sách phát triển khoa học và công nghệ cân bằng và ổn định.

Những người trẻ tuổi khi tốt nghiệp phổ thông và chọn học ngành công nghệ sinh học chẳng hạn, phải biết rằng sau khi tốt nghiệp, họ sẽ tìm được công việc trong ngành đó. Tương tự, một sinh viên tốt nghiệp ngành toán lý thuyết phải biết rằng anh ta sẽ tiếp tục được nghiên cứu toán khi học xong.

Không thể chỉ đầu tư vào chương trình giáo dục mà bỏ bễ việc đầu tư vào nghiên cứu khoa học hay phát triển công nghệ, tức phát triển thị trường lao động để sử dụng các nhà khoa học, dù lý thuyết hay ứng dụng, khi họ tốt nghiệp. Bởi vì với sự toàn cầu hoá của kinh tế thế giới, những người được đào tạo không tìm thấy việc làm ở một nước sẽ dễ dàng chuyển đi nước khác. Và những nước có chính sách thu hút và khuyến khích những người có năng lực sẽ là kẻ thắng cuộc.

Có rất nhiều vấn đề cần phải được giải quyết trong việc thiết kế chính sách khoa học và quản lý khoa học ở Việt Nam. Một thực tế của Việt nam là không phải chỉ có những người nghiên cứu lý thuyết, mà cả những người nghiên cứu ứng dụng, trong đó có cả ứng dụng nông nghiệp hay dự báo thời tiết, cũng tìm được công việc ở nước ngoài.

Và lý do rõ ràng không phải vì họ “giỏi toán giỏi lý, nhưng lại lao vào nghiên cứu bổ đề cơ bản hay lý thuyết vũ trụ mà khi giải được sẽ chỉ được các nước giàu sử dụng”, như bài báo nêu. Có rất nhiều người Việt Nam giỏi toán, giỏi lý, không nghiên cứu toán hay vật lý lý thuyết, mà vẫn ra nước ngoài để làm việc. Tại sao lại như vậy?

Có thể nêu một trong những lý do chính dẫn đến tình huống này. Đó là sự thiếu vắng của một tầm nhìn xa, một bức tranh tổng thể, một chính sách dài hạn về tương lai của khoa học và mối tương quan giữa giáo dục, đào tạo với phát triển công nghệ; và giữa khoa học công nghệ với các ngành kinh tế khác; sự yếu kém trong hợp tác giữa các ngành v.v...

Những vấn đề này cần được giải quyết ở mức chính sách, khi các nhà hoạch định chính sách cùng làm việc với các nhà khoa học cơ bản và ứng dụng, những nhà hoạt động kinh tế... để đưa ra một chiến lược phát triển bền vững và dài hạn. Và khi chiến lược này được thông qua thì nguồn đầu tư cho nó phải ổn định.

Ổn định về chính trị chưa đủ để phát triển khoa học. Ít nhất phải có thêm sự ổn định về chính sách. Không thể hôm nay chú trọng ngành than, ngày mai tập trung vào công nghệ sinh học. Những bàn luận manh mún vào thời điểm này không thể dẫn đến một giải pháp hữu hiệu.

Một trong những điều chúng ta có thể làm ngay để thu hút nguồn lực khoa học từ nước ngoài trong thời điểm này là sử dụng các cơ quan khoa học đang hoạt động tốt như Viện von Neumann hoặc Viện Toán Cao cấp. Những Viện này đã có những chương trình hỗ trợ cho khoa học ứng dụng, ví dụ vào mùa hè vừa qua ở Viện Toán Cao cấp đã có một hoạt động về “học máy” (machine learning), thu hút được nhiều người tham gia, từ nước ngoài và trong nước. Theo tôi, đây là những hạt giống cho một chiến lược phát triển dài hạn.

GS Đàm Thanh Sơn sinh năm 1969 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức nhiều đời. Cha anh là giáo sư dược học Đàm Trung Bảo; mẹ là phó giáo sư, tiến sĩ sinh hoá Nguyễn Thị Hảo; chú ruột là giáo sư vật lý Đàm Trung Đồn.

Anh đoạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm 1984 tại Prague (CH Czech) với số điểm tuyệt đối 42/42 khi mới 15 tuổi, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Lomonosov (LB Nga) năm 25 tuổi. Đàm Thanh Sơn hiện là giáo sư Đại học Washington ở Seattle (Mỹ).

GS Đàm Thanh Sơn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang