GS Đàm Thanh Sơn nói về 2 viện hàn lâm sắp hình thành

author 13:57 18/02/2013

(VietQ.vn) - "Viện Hàn lâm khoa học Pháp do vua Louis XIV thành lập năm 1666 và Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ do tổng thống Lincoln thành lập năm 1863 đều là những tổ chức rất có uy tín. Tôi luôn hy vọng ở Việt Nam sẽ có một tổ chức có uy tín như thế".

Hai viện hàn lâm đầu tiên của Việt Nam

Nghị định 108 và 109 của Chính phủ về việc thành lập hai viện hàn lâm của Việt Nam (Viện Khoa học công nghệ và Viện Khoa học xã hội) chính thức có hiệu lực từ ngày mai, 19/2.

Theo đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao theo quy định của pháp luật.

Người dân mong muốn, những sáng chế của hai viện hàn lâm sẽ không "hàn lâm", mà đem lại ứng dụng thực tế.
Người dân mong muốn những sáng chế của hai viện hàn lâm sẽ không "hàn lâm", mà đem lại ứng dụng thực tế

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực: Toán học; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ sinh học; Công nghệ thông tin; Điện tử, Tự động hoá; Công nghệ vũ trụ; Khoa học vật liệu; đa dạng sinh học và các chất có hoạt tính sinh học; khoa học trái đất; khoa học và công nghệ biển; môi trường và năng lượng; dự báo, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai...

Viện còn đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao; tổ chức đào tạo sau đại học về khoa học tự nhiên và công nghệ theo quy định của pháp luật; báo cáo và cung cấp thông tin động đất, cảnh báo sóng thần với cơ quan có thẩm quyền theo quy định; tham gia thẩm định trình độ công nghệ, xét duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật các công trình trọng điểm, quan trọng của Nhà nước và của các địa phương theo sự phân công của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...

Còn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện tư vấn về chính sách phát triển; đào tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về khoa học xã hội như đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; nghiên cứu, điều tra cơ bản, liên ngành về khoa học xã hội, phân tích và dự báo kinh tế - xã hội phục vụ nhu cầu phát triển đất nước, chú trọng những lĩnh vực kinh tế - xã hội chủ yếu, những ngành, vùng kinh tế trọng điểm và các liên kết vùng; nghiên cứu, tổ chức biên soạn những công trình khoa học tiêu biểu, những bộ sách lớn, thể hiện tinh hoa của trí tuệ Việt Nam và thế giới phục vụ công tác nghiên cứu và truyền bá tri thức về khoa học xã hội.

Viện có nhiệm vụ tư vấn và phản biện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

GS Đàm Thanh Sơn nói gì?

“Ngôi sao” của nền Vật lý Việt
Nam tại Đại học Chicago, Mỹ cho rằng: “Cụm từ “Viện Hàn lâm” vẫn được dùng trong tiếng Việt  để dịch tên các tổ chức khoa học uy tín nhất, quy tụ các nhà khoa học lớn nhất ở các nước phát triển. Viện Hàn lâm khoa học Nga được hoàng đế Piotr I thành lập năm 1724, trong những thành viên đầu tiên có anh em Bernoulli và Euler. Viện Hàn lâm khoa học Pháp do vua Louis XIV thành lập năm 1666 và Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ do tổng thống Lincoln thành lập năm 1863 đều là những tổ chức rất có uy tín. Tôi luôn hy vọng ở Việt Nam sẽ có một tổ chức có uy tín như thế”.

“Đọc Nghị định thì có thể đoán là Chính phủ chưa định lập ra một tổ chức như vậy. Điều 1, khoản 1 của Nghị định quy định “Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ”, không giống ở các nước trên, nơi Viện Hàn lâm là tổ chức độc lập. Ví dụ sắc lệnh năm 1991 của tổng thống Nga Yelsin quy định “Viện Hàn Lâm khoa học Nga là tổ chức tự quản lý (самоуправляемая), hoạt động trên cơ sở pháp luật Liên bang Nga và điều lệ của bản thân Viện”, GS Đàm Thanh Sơn nhận định.

Trước đó, Chất lượng Việt Nam đã đưa tin, Bộ Khoa học và Công nghệ dự định xây các viện nghiên cứu tiên tiến và trung tâm nghiên cứu xuất sắc để tạo môi trường hoạt động cho các nhà khoa học đầu ngành

Thành lập mới hoặc nâng cấp một số tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ hiện có để đến năm 2020 hình thành 25 viện nghiên cứu tiên tiến, trung tâm nghiên cứu xuất sắc theo tiêu chuẩn quốc tế trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, do các nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam ở trong nước hoặc nước ngoài giữ vị trí lãnh đạo khoa học, để tạo môi trường cho các nhà khoa học đầu ngành phát huy khả năng sáng tạo.

Kinh phí thực hiện dự án gồm 2 phần: từ nguồn kinh phí đầu tư phát triển là 3.500 tỷ đồng và từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học cho hoạt động thường xuyên là 700 tỷ đồng/năm.

Với việc nâng cấp và đầu tư vào khoa học công nghệ như vậy, nhiều người hy vọng các nhà khoa học sẽ làm việc xứng đáng với tiền thuế mà dân đóng góp, để cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, ứng dụng được vào thực tế, đem lại lợi nhuận cho đất nước...

Bích Diệp

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang