Hà Nội: Tăng cường lấy mẫu, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc

author 09:30 10/02/2018

(VietQ.vn) - Chi cục QLTT Hà Nội vừa yêu cầu các Đội QLTT tăng cường việc lấy mẫu giám định, xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc.

Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội vừa yêu cầu các Đội QLTT trên địa bàn thành phố nắm chắc diễn biến thị trường, điều tra cơ bản và thường xuyên tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở chuyên kinh doanh rượu, các cơ sở dịch vụ ăn uống có kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, không rõ chất lượng…Lưu ý lấy mẫu giám định chất lượng rượu để làm cơ sở xử lý nếu có vi phạm.

Đồng thời tăng cường phối hợp kiểm tra, tái kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đã bị xử lý vi phạm để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh các mặt hàng rượu trong đó rượu thủ công không rõ nguồn gốc trên địa bàn…Đặc biệt cần đấu tranh quyết liệt với việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển rượu thủ công, nguyên liệu pha chế từ các tỉnh biên giới, các tỉnh giáp ranh đưa về tiêu thụ tại Hà Nội.

Lực lượng quản lý thị trường cũng sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu vi phạm để giáo dục, ngăn chặn, phòng ngừa từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh đối với cộng đồng. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhận thức phòng tránh tác hại do lạm dụng, sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn gây ngộ độc rượu cho người tiêu dùng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Nguyễn Đắc Lộc cho biết, địa bàn nào để xảy ra tình trạng bày bán công khai rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không dán tem rượu… gây ngộ độc mà không được kiểm tra, kiểm soát thì Đội trưởng Đội QLTT địa bàn đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Ảnh: Thời báo doanh nhân

Trước đó, theo thống kê của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2013 - 2017, cả nước có 28 vụ ngộ độc rượu làm 193 người mắc, 179 người nhập viện và 34 người tử vong. Riêng năm 2017 ghi nhận số lượng mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có pha methanol, với 10 vụ và 119 người mắc, 115 người đi viện.

Tại Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay, 40 bệnh nhân tại 12 quận/huyện ngộ độc methanol. Hiện tại, 28 bệnh nhân ổn định, 12 bệnh nhân nặng xin ra viện tử vong tại nhà. Đa số bệnh nhân uống rượu ở các địa chỉ khác nhau không rõ nguồn gốc, nhãn mác, được bán tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.

Thông tin từ Bộ Y tế cũng cho biết, rượu, bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh. Thế nhưng, lượng rượu được sản xuất và tiêu thụ trong nước hàng năm vẫn cao ngất.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ, đến năm 2025, sản lượng rượu của cả nước sẽ đạt khoảng 440.000 lít với hàng nghìn cơ sở sản xuất rượu. Việc lạm dụng rượu, bia gây nhiều tác hại cho sức khỏe, tăng nguy cơ tai nạn giao thông, bất lợi về an ninh trật tự.

Đáng chú ý, việc lạm dụng rượu về số lượng, chủng loại rượu, đặc biệt trong số đó có nhiều loạirượu giả, rượu lậu, rượu tự pha chế, không có nguồn gốc xuất xứ, rượu không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, không nhãn mác và đặc biệt là rượu giả được sản xuất từ những nguyên liệu độc hại, bị cấm (cồn methanol) do gian lận thương mại đang gây ngộ độc cấp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng và an sinh xã hội.

Bộ trưởng Y tế nhận định hiện nay tỷ lệ ngộ độc rượu khoảng 1-2%/năm, nhưng tỷ lệ chết chiếm khoảng 7%/năm. Do đó, rượu bia là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán và lễ hội sắp tới.

Nhằm đảm bảo chất lượng rượu, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới để hạn chế các vụ ngộ độc rượu, Bộ Y tế sẽ thanh, kiểm tra thường xuyên nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, nhất là tăng cường hệ thống để giám sát và phòng chống các ca ngộ độc rượu.

Về giải pháp lâu dài để hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ đang biên soạn và dự kiến sẽ trình Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật phòng chống tác hại rượu bia trong tháng 6/2018 tới đây, sau đó sẽ trình ra Quốc hội. Đồng thời, tới đây Bộ cũng sẽ đề xuất tăng thuế rượu bia.

Bộ Y tế cũng đề nghị ngành Công Thương tăng cường quản lý tận gốc mặt hàng rượu, nguyên liệu cồn công nghiệp; khẩn trương có các quy định đưa chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp để ngăn chặn việc pha cồn công nghiệp methanol vào rượu.

Với người dân, để phòng tránh ngộ độc rượu trong dịp Tết, Bộ Y tế khuyến cáo chỉ nên sử dụng các loại rượu bia có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uống rượu vừa phải; không vì ham rẻ mà mua các loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản xuất ở các cơ sở không đảm bảo an toàn.

Hán Hiển

Uống rượu bia ngày Tết, ngưỡng nào là an toàn?(VietQ.vn) - Uống rượu bia chính là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang