Hà Nội xây dựng cơ chế, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

author 09:02 12/03/2021

(VietQ.vn) - Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển mạnh, nhiều quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa theo kịp thực tiễn, khiến quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm.

Để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh triển khai các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025; trong đó, tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.

Trong giai đoạn này, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật nhằm đưa Luật và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến với mọi đối tượng; tạo sự chuyển biến về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để nâng cao năng lực thực thi pháp luật.

Hà Nội sẽ tích cực thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng 

Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết, với các hình thức mua bán trực tuyến thông qua các website thương mại điện tử, mạng xã hội như Facebook, Zalo... nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới đã xuất hiện nhưng không có trong các quy định.

Trong khi đó, một số quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa rõ ràng hoặc không còn phù hợp với bối cảnh thương mại điện tử và mô hình kinh doanh trên mạng. Nhiều người bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phản ánh với cơ quan, tổ chức nào, không biết địa chỉ để khiếu nại. 

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, bảo vệ người tiêu dùng không chỉ bó hẹp trong phạm vi một loại hàng hóa cụ thể mà cần phải mở rộng hơn, sâu hơn về môi trường kinh doanh, môi trường sống ở các địa phương. Song song với đó, nhà nước cần bảo vệ và khuyến khích những doanh nghiệp làm ăn chân chính, kiến nghị, phê bình, xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm các nguyên tắc bình đẳng, công khai trong quan hệ mua bán và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 Đấu tranh với hàng giả, hàng nhái là một trong những biện pháp bảo vệ người tiêu dùng

"Ở thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bảo vệ quyền lợi không chỉ bằng các công văn, chỉ thị, các buổi lễ phát động hoành tráng mà phải bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, phải ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống dữ liệu tổng hợp (Big data) đánh giá nhận xét và đề ra giải pháp cho phù hợp với từng sự việc hiện tượng đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trên thị trường", ông Vũ Phú Vinh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phú, người tiêu dùng cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; hàng hóa phải niêm yết giá cả rõ ràng; đồng thời, lưu giữ hóa đơn, chứng từ để khi xảy ra trường hợp sản phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng hoặc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm người tiêu dùng thì có thể phản ánh và đưa đầy đủ chứng cứ đến các cơ quan quản lý nhà nước để xem xét, xử lý.

 Nguyễn Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang