Hàng giả tràn lan: Chính quyền địa phương ở đâu?

author 13:29 21/10/2013

Hệ lụy nạn hàng giả, hàng nhái mang lại cho xã hội rất lớn. Nhưng cơ quan chức năng chưa tìm được biện pháp kiểm soát. Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - đã có buổi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

* Ông có thể cho biết thực trạng cũng như mức độ ảnh hưởng của hàng giả, hàng nhái đối với doanh nghiệp (DN), đặc biệt là đối với người tiêu dùng?

- Có thể nói, hàng giả, hàng nhái đang bày bán tràn lan trên thị trường. Giả, nhái từ hàng thông thường đến cao cấp, từ hàng tiêu dùng đến vật tư sản xuất, từ sản phẩm hàng hóa đến sản phẩm dịch vụ. Đến cả vàng và tiền là lĩnh vực nhạy cảm cũng bị làm giả. Thậm chí, thực phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe tính mạng con người như: Thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng đều có hàng giả… Những mặt hàng càng bán chạy, càng nổi tiếng thì càng nhanh chóng bị làm giả.

Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận cũng như uy tín của những DN sản xuất, kinh doanh chân chính. Xét về mặt xã hội, hàng giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Mặc dù hàng giả xuất hiện ngày càng nhiều và có quy mô lớn nhưng hiện nay, chưa có một cơ quan chức năng nào đánh giá về tần suất sử dụng và mức độ tác động của hàng giả, hàng kém chất lượng đến đời sống xã hội.

* Nghị định xử phạt đã có, lực lượng kiểm tra, kiểm soát rải khắp từ nông thôn, miền núi đến các thành phố. Lý giải của ông về việc hàng giả, hàng nhái vẫn “sống khỏe"?

Có thể thấy rằng, luật của chúng ta còn khá nhiều kẽ hở để những đối tượng cơ hội, làm ăn chụp giựt, lách luật, thậm chí là “xé rào” để làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Ngoài ra, nguyên nhân quan trọng nhất là do cơ chế phối hợp và chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm còn nhẹ. Hiện nay, có nhiều cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát nhưng chưa có một cơ quan nào đứng ra làm “nhạc trưởng”. Bên cạnh đó, nhận thức hạn chế của người dân cũng tạo điều kiện để hàng giả phát triển. Nhiều người biết là hàng giả nhưng vẫn mua bởi phù hợp với túi tiền…

Mặt khác, công tác kiểm tra gặp không ít khó khăn. Muốn giám định hàng giả, hàng nhái, lực lượng quản lý phải có yêu cầu từ chủ thể quyền thương hiệu bị làm giả, làm nhái. Tuy nhiên, không ít DN lại e ngại thương hiệu bị ảnh hưởng vì liên quan đến việc làm giả nên khi được mời đến cơ quan chức năng để xác nhận hàng giả thì từ chối.

* Thực tế cho thấy, rất nhiều địa phương là địa điểm chuyên sản xuất hàng giả, nhưng chính quyền vẫn làm ngơ?

Đúng là hiện nay có rất nhiều địa phương là nơi sản xuất hàng giả nhưng chính quyền địa phương vẫn để tồn tại từ nhiều năm nay. Chẳng hạn như vùng Thổ Tang (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) công khai sản xuất mỳ chính, xà phòng, mỳ tôm, nước ngọt… giả. Chính quyền địa phương không hề có động thái triệt phá. Vậy chính quyền địa phương ở đâu, tại sao vẫn cứ để tồn tại những cơ sở sản xuất này cũng đang là một câu hỏi? Theo tôi, địa phương nào để xảy ra tình trạng sản xuất hàng giả thì chính quyền địa phương đó phải chịu tránh nhiệm. Bởi nếu chỉ có lực lượng QLTT thị trường không thể kiểm soát xuể.


*Trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế hàng công nghiệp Việt Nam đang diễn ra tại Hà Nội, Cục QLTT đã tổ chức một triển lãm hàng thật, hàng giả. Mục đích của hội chợ là gì?

Hội chợ nhằm giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức và hành động trong việc tham gia bài trừ nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt nâng cao nhận thức của các cơ sở bán lẻ, sản xuất cung cấp hàng hóa. Đồng thời, tạo điều kiện cho các DN triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm thật. Nâng cao uy tín và bảo vệ sản phẩm chính hiệu của các DN kinh doanh chân chính. Khuyến khích, hướng dẫn các DN chủ động tích cực tham gia công tác đấu tranh chống hàng giả…

Theo Báo Công thương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang