Hệ thống tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội SA8000

author 12:00 30/09/2014

(VietQ.vn) – Nếu như trước đây, kinh tế luôn đặt mục tiêu phát triển lên hàng đầu thì hiện nay môi trường này còn khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp quan tâm đến những tác động toàn diện về mặt đạo đức và xã hội.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Một tổ chức doanh nghiệp nếu chứng tỏ được tinh thần trách nhiệm xã hội và đạo đức càng nhiều thì càng dễ dàng chiếm được ưu thế cạnh tranh và niềm tin của đối tác, khách hàng, cộng đồng địa phương và người tiêu dùng. Khi nền kinh tế đã có bước phát triển nhảy vọt, người ta dần quan tâm hơn đến yếu tố con người và xã hội.

Hiện nay, các vấn đề xã hội đang được quan tâm như lao động trẻ em, lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử,… đòi hỏi các tổ chức doanh nghiệp không những lưu ý đến pham vi ảnh hưởng trực tiếp của riêng doanh nghiệp mà còn cả phạm vi ảnh hưởng gián tiếp thông qua cả chuỗi nhà cung ứng của họ.

Phát triển kinh tế cần gắn liền với trách nhiệm xã hội. Ảnh minh họa

Phát triển kinh tế cần gắn liền với trách nhiệm xã hội. Ảnh minh họa

SA8000 là tiêu chuẩn đầu tiên được áp dụng để đánh giá các vấn đề trách nhiệm xã hội. Tiêu chuẩn này được xây dựng theo cấu trúc tiêu chuẩn ISO 9001/ISO 14001, các Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tuyên bố Liên Hiệp Quốc về Quyền Con Người và Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em. Chứng nhận theo tiêu chuẩn SA8000 được công nhận trên toàn thế giới gồm quá trình triển khai và đánh giá hệ thống quản lý nhằm đề cao những mô hình lao động được xã hội chấp nhận và mang lại hiệu quả cho chuỗi nhà cung ứng.

SA8000 là một hệ thống các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội để xây dựng và hoàn thiện các điều kiện làm việc cho người lao động tại các doanh nghiệp, trang trại hay văn phòng, do Social Accountability International (SAI) phát triển và giám sát. SAI cũng đưa ra chương trình tập huấn SA8000 và các tiêu chuẩn làm việc cho các nhà quản lý, công nhân và các nhà kiểm tra tiêu chuẩn xã hội. Tổ chức này cũng hoạt động trong vai trò của nhà môi giới trung gian để cấp phép và giám sát các tổ chức kiểm tra chính sách xã hội nhằm cấp chứng chỉ cho các người (doanh nghiệp) sử dụng lao động đạt tiêu chuẩn SA8000 cũng như hướng dẫn để các doanh nghiệp đó phát triển phù hợp với các tiêu chuẩn tương tác đã đưa ra.

Lợi ích khi áp dụng SA8000:

Đối với doanh nghiệp: Cơ hội để đạt được lợi thế cạnh tranh, thu hút nhiều khách hàng hơn và xâm nhập được vào thị trường mới có yêu cầu cao; Nâng cao hình ảnh công ty, tạo niềm tin cho các bên trong "Sự yên tâm về mặt trách nhiệm xã hội"; Giảm chi phí quản lý các yêu cầu xã hội khác nhau; Có vị thế tốt hơn trong thị trường lao động và thể hiện cam kết rõ ràng về các chuẩn mực đạo đức và xã hội giúp cho công ty dễ dàng thu hút được các nhân viên giỏi, có kỹ năng. Đây là yếu tố được xem là "Chìa khoá cho sự thành công" trong thời đại mới; Tăng lòng trung thành và cam kết của người lao động đối với công ty; Tăng năng suất, tối ưu hiệu quả quản lý

Đối với người lao động, các tổ chức công đoàn và tổ chức phi chính phủ: Tạo cơ hội để thành lập tổ chức công đoàn và thương lượng tập thể. Là công cụ đào tạo cho người lao động về quyền lao động. Nhận thức của công ty về cam kết đảm bảo cho người lao động được làm việc trong môi trường lành mạnh về an toàn, sức khoẻ và môi trường. Lợi ích đứng trên quan điểm của khách hàng: · Có niềm tin về sản phẩm được tạo ra trong một môi trường làm việc an toàn và công bằng· Giảm thiểu chi phí giám sát · Các hành động cải tiến liên tục và đánh giá định kỳ của bên Thứ Ba là cơ sở để chứng tỏ uy tín của công ty.

SA8000 đề cao yếu tố con người. Ảnh minh họa

SA8000 đề cao yếu tố con người. Ảnh minh họa

SA8000 dựa trên Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên hợp quốc và một loạt các công ước khác của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). SA8000 bao gồm các lĩnh vực sau của trách nhiệm giải trình:

Lao động trẻ em: Bao gồm các vấn đề liên quan đến lao động của trẻ em dưới 14 (hoặc 15 tuổi tùy theo từng quốc gia) và trẻ vị thành niên 14 (15)-18.

Lao động cưỡng bức: Bao gồm các vấn đề liên quan đến lao động tù tội, lao động để trả nợ cho người khác v.v

An toàn và sức khỏe tại nơi làm việc: Các quy định về vận hành, sử dụng máy móc thiết bị, các điều kiện về môi trường như độ chiếu sáng, độ ồn, độ ô nhiễm không khí, nước và đất, nhiệt độ nơi làm việc hay độ thông thoáng không khí, các theo dõi-chăm sóc y tế thường kỳ và định kỳ (đặc biệt các chế độ cho lao động nữ), các trang thiết bị bảo hộ lao động mà người lao động cần phải được có để sử dụng tùy theo nơi làm việc, các phương tiện thiết bị phòng cháy-chữa cháy cũng như hướng dẫn, thời hạn sử dụng, các vấn đề về phương án di tản và thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ, an toàn hóa chất (MSDS).

Quyền tham gia các hiệp hội: Công đoàn, nghiệp đoàn

Phân biệt đối xử: Các vấn đề về phân biệt đối xử theo các tiêu chuẩn tôn giáo-tín ngưỡng, dân tộc thiểu số, người nước ngoài, tuổi tác, giới tính. Tiêu chuẩn SA8000 không cho phép có sự phân biệt đối xử.

Kỷ luật lao động: Các vấn đề liên quan đến các hình thức kỷ luật được phép và không được phép (đánh đập, roi vọt, xỉ nhục, đuổi việc, hạ bậc lương, quấy rối tình dục v.v…)

Thời gian làm việc: Được đưa ra nhằm tương thích với các tiêu chuẩn trong bộ Luật lao động của từng quốc gia cũng như các tiêu chuẩn của ILO về thời gian làm việc thông thường, lao động thêm giờ, các ưu đãi về thời gian làm việc đối với lao động nữ (trong hay ngoài thời kỳ thai sản và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi).

Lương và các phúc lợi xã hội khác (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế v.v)

Quản lý doanh nghiệp: Các vấn đề về quản lý của người sử dụng lao động, bao gồm các vấn đề liên quan đến quyền được khiếu nại của người lao động và nghĩa vụ phải trả lời hay giải đáp khiếu nại của người sử dụng lao động.

Quan hệ cộng đồng: Bao gồm quan hệ với các tổ chức, cơ quan khác hay dân cư trong khu vực.

Duy Trung

 

 


 
    

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang