Hỗ trợ DN cơ khí nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh

author 15:08 20/08/2018

(VietQ.vn) - Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Đức đã đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo, tư vấn xây dựng và áp dụng HTQLCL ISO 9001 tích hợp với ISO 3834 cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Đẩy mạnh áp dụng HTQLCL 9001 tích hợp ISO 3834 vào doanh nghiệp

Theo Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Đức (Trung tâm) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, thời gian qua, Trung tâm đã hỗ trợ hơn 200 doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong cả nước xây dựng và áp dụng HTQLCL 9001 tích hợp ISO 3834.

Từ thực tiễn triển khai và thông qua các phiếu thăm dò, đánh giá khách quan của chính các doanh nghiệp cho thấy, việc thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, áp dụng ISO 9001 tích hợp với ISO 3834 là cần thiết và phù hợp với thực trạng của các doanh nghiệp cơ khí chế tạo tại Việt Nam. Thông qua đó giúp các doanh nghiệp cơ khí chế tạo đáp ứng được tổng thể các yêu cầu về quản lý chất lượng sản phẩm một cách hiệu quả nhất và là tiền đề nhân rộng kết quả nhiệm vụ cho các doanh nghiệp cơ khí khác trong cả nước.

 Đoàn chuyên gia thực tế tại doanh nghiệp

Theo Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Đức, việc áp dụng HTQLCL tích hợp đã góp phần giúp các doanh nghiệp cơ khí chế tạo nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan tới chất lượng, đặc biệt là chất lượng hàn, đồng thời giúp doanh nghiệp có một công cụ đắc lực trong việc quản lý chất lượng, cũng như giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của chủ đầu tư, các nhà thầu nước ngoài, tạo tiền đề nhằm tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo an toàn của sản phẩm, nâng cao khả năng xuất khẩu các sản phẩm cơ khí.

 
Trong những năm qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) tiên tiến ISO 9001 và đã có thể thiết kế, chế tạo, mua sắm, xây lắp cho một số dự án lớn như dầu khí, nhiệt điện, thuỷ điện,... đã đóng được tàu biển, xuất khẩu sản phẩm cơ khí và đang từng bước chuẩn bị lực lượng để hội nhập với khu vực và thế giới. Nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sản phẩm cơ khí mới chiếm được một ít thị phần trong nước, tham gia xuất khẩu còn nhỏ lẻ, giá trị gia tăng chiếm trong giá trị hàng hóa của sản phẩm cơ khí còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Nhìn chung, công nghiệp cơ khí nước ta hiện mới đạt trình độ gia công kết cấu thép, chế tạo các loại máy công cụ, chế biến nông nghiệp cỡ nhỏ hoặc làm thầu phụ cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo đến từ nước ngoài. Ngoài các yếu tố về cơ chế chính sách, nhiều doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam hiện vẫn chưa có cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến để đủ khả năng chế tạo thiết bị đạt tiêu chuẩn, chưa có đủ đội ngũ nhân sự quản lý, kỹ thuật đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, chưa áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến hoặc áp dụng chưa đầy đủ, chưa có sự tích hợp giữa nhiều hệ thống có liên quan mang tính đặc thù của ngành, lĩnh vực để thực sự mang lại kết quả như mong muốn.
 

Qua tìm hiểu được biết, ở Việt Nam, tiêu chuẩn ISO 3834 đã được dịch và chấp nhận làm tiêu chuẩn quốc gia từ năm 2005 với số hiệu là TCVN 7506:2005 và đến năm 2011 soát xét lần hai với số hiệu là TCVN 7506:2011 (hoàn toàn tương đương với ISO 3834:2005).

Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Liên đoàn hàn CHLB Đức (DVS), việc áp dụng ISO 3834 đối với các doanh nghiệp sản xuất cơ khí hàn là một sự bổ sung hoàn hảo cho các hoạt động quản lý chất lượng nhằm giúp các doanh nghiệp cơ khí chế tạo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn cho con người và công trình.

Hiện nay, ở các nước công nghiệp phát triển, bộ tiêu chuẩn ISO 3834 quy định những yêu cầu chất lượng cho hàn kim loại nóng chảy được áp dụng rộng rãi cho các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, chế tạo thiết bị nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn, giảm thiểu chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Với nhân tố con người là chìa khóa của sự thành công, tiêu chuẩn ISO 3834 đưa ra các quy định để kiểm soát các quá trình hàn khác nhau và các hoạt động liên quan nhằm mang lại chất lượng sản phẩm, công trình đáp ứng yêu cầu.

Một trong những yếu tố quan trọng của tiêu chuẩn ISO 3834 là yêu cầu đội ngũ nhân sự hàn, nhân sự kiểm tra chất lượng hàn (kiểm tra không phá hủy) phải có đủ trình độ theo tiêu chuẩn được đánh giá và chứng nhận năng lực (personnel qualification/certification) của đơn vị đánh giá độc lập. Trong những năm qua, do yêu cầu của các nhà thầu có yếu tố nước ngoài, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo tại Việt Nam đã áp dụng một vài yêu cầu quy định trong ISO 3834 (ví dụ: phê duyệt quy trình hàn, phê duyệt tay nghề thợ hàn, phê duyệt nhân sự kiểm tra không phá hủy,...), nhưng chưa đầy đủ, toàn diện và có hệ thống.

Tiêu chuẩn ISO 3834 có thể áp dụng độc lập nếu doanh nghiệp cơ khí chế tạo có khối lượng công việc liên quan đến hàn chiếm phần lớn, tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp cơ khí chế tạo, còn có nhiều công đoạn khác trong quá trình tạo sản phẩm thì việc áp dụng độc lập tiêu chuẩn ISO 3834 sẽ là chưa đầy đủ. Vì vậy phần lớn các doanh nghiệp cơ khí chế tạo ở các nước công nghiệp phát triển đã chọn ISO 3834 như là một công cụ bổ sung, làm rõ HTQLCL theo ISO 9001. Đồng thời, tiêu chuẩn ISO 3834 được xây dựng dựa trên nền tảng cơ bản của ISO 9001 nên hai tiêu chuẩn này hoàn toàn tương thích với nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau đối với HTQLCL áp dụng cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo có sử dụng hàn là một công đoạn trong quá trình sản xuất, vì vậy, hoàn toàn có thể tích hợp với nhau trong việc áp dụng HTQLCL. Việc xây dựng HTQLCL theo ISO 9001 có tích hợp với ISO 3834 áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất cơ khí hàn là một sự bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau cho các hoạt động quản lý chất lượng, sử dụng các ưu điểm của cả hai tiêu chuẩn, hạn chế các điểm chưa rõ, chưa đầy đủ của hai tiêu chuẩn này nhằm giúp các doanh nghiệp cơ khí chế tạo nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn. Ngoài ra, việc áp dụng ISO 9001 có tích hợp ISO 3834 có thể cung cấp một hành lang để đạt được sự chứng nhận toàn cầu về năng lực của doanh nghiệp cơ khí chế tạo có sử dụng hàn trong quá trình tạo sản phẩm.
Kết quả vượt trội ngoài sự mong đợi

Theo Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Đức, muốn tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt đó, mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành sản xuất phải có những biện pháp “Tự bảo hộ” một cách hiệu quả, phải thay đổi về nhiều mặt và nhất là phải thay đổi về phương pháp quản lý và tổ chức doanh nghiệp nhằm tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế chung của toàn doanh nghiệp. Cùng với những biện pháp đồng bộ, doanh nghiệp phải nghiên cứu nhanh chóng tiếp cận với những phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để tạo ra được những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, đáp ứng được những yêu cầu của quá trình hội nhập.

Theo đánh giá sơ bộ, đại đa số các doanh nghiệp đều ghi nhận được những thay đổi đáng kể. Cụ thể như về cơ cấu tổ chức: Các doanh nghiệp đã bổ nhiệm thêm đại diện lãnh đạo về chất lượng; điều phối viên hàn chịu trách nhiệm (điều phối viên hàn trưởng) đồng thời phân công trách nhiệm và quyền hạn theo thực tế của doanh nghiệp có chú ý đến các yêu cầu trong hai bộ tiêu chuẩn ISO 9001 và ISO 3834.

Các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng ISO 9001 có tích hợp ISO 3834 vào DN góp phần nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh
Các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng ISO 9001 có tích hợp ISO 3834 vào DN góp phần nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh

Về nhân sự, huấn luyện và đào tạo, nhân sự của doanh nghiệp được giáo dục, huấn luyện và đào tạo một cách thích hợp, đồng thời đáp ứng về số lượng và chất lượng phục vụ sản xuất kinh doanh. Thợ hàn được đào tạo, qua đánh giá, sát hạch tay nghề phù hợp với bộ tiêu chuẩn ISO 9606 hoặc TCVN 6700, được đánh giá và cấp chứng chỉ của các tổ chức có đủ năng lực và thẩm quyền.

Về hệ thống văn bản quản lý chất lượng tích hợp, cấu trúc của hệ thống văn bản quản lý chất lượng theo ISO 9001 tích hợp với ISO 3834 với những nội cơ bản: Sổ tay chất lượng, thủ tục/quy trình, hướng dẫn công việc, hồ sơ chất lượng được xây dựng một cách khoa học, cụ thể và nhất quán với yêu cầu của các tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 3834.

Về hiệu quả kinh tế, trình độ tay nghề của đội ngũ nhân sự hàn được nâng cao, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tỷ lệ sản phẩm phải sửa chữa lại giảm đáng kể, tiết kiệm được nguyên vật liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp đang thực hiện cơ chế khoán sản phẩm, sản lượng ta có thể đánh giá hiệu quả kinh tế thông qua năng suất lao động.

Những doanh nghiệp tham gia dự án từ những năm 2013 hiện vẫn đang duy trì áp dụng và liên tục cải tiến hệ thống tiêu chuẩn ISO 9001 tích hợp ISO 3834. Có thể kể đến các công ty như Công ty Cổ phần LISEMCO, Công ty Doosan, Công ty Cổ phần Cơ khí Và Xây lắp Công nghiệp (IMECO)... là những doanh nghiệp đã nhanh chóng áp dụng thành công HTQLCL ISO 9001 tích hợp với ISO 3834, đã có thể xuất khẩu sản phẩm cơ khí chế tạo ra các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Canada...

Việc áp dụng hệ thống này không chỉ giúp cho công ty nâng cao nhận thức về các vấn đề chất lượng mà quan trọng hơn cả là đã giúp các công ty này đáp ứng yêu cầu của các đối tác nước ngoài để ký được thêm các hợp đồng mang lại giá trị kinh tế lớn cho doanh nghiệp.

Cũng theo Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Đức, chương trình hỗ trợ đào tạo, tư vấn xây dựng và áp dụng HTQLCL ISO 9001 tích hợp với ISO 3834 cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn của sản phẩm, công trình tại các doanh nghiệp cơ khí chế tạo đồng thời nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp từng bước vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại của các quốc gia và khu vực kinh tế phát triển trên thế giới, từ đó nâng cao khả năng xuất khẩu các sản phẩm cơ khí chế tạo của Việt Nam.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang