Du khách còn có thể nhận ấn quý niên đại 700 năm khi đến Hoàng Thành?

authorHòa Lê 13:39 27/02/2016

(VietQ.vn) - Có nên tổ chức khai ấn, phát ấn thường xuyên vào đầu xuân tại Hoàng thành Thăng Long? Nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong buổi tọa đàm mới đây.

Chiều 26/2, UBND TP Hà Nội và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Tọa đàm khoa học: Ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” - Phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long năm 2012 - 2014. Tọa đàm do GS Phan Huy Lê (chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN) và GS Lưu Trần Tiêu (chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN) chủ trì, với sự tham dự của đông đảo các nhà nghiên cứu sử học, khảo cổ học và ấn chương học. 

Buổi tọa đàm có sự hiện diện và đóng góp ý kiến của đông đảo các nhà khoa học, các nhà khảo cổ học, cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Theo đề nghị của ông Lưu Trần Tiêu, tọa đàm tập trung vào hai vấn đề chính: đánh giá về niên đại, chất liệu, chức năng và giá trị của ấn Sắc mệnh chi bảo được phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long; có nên tổ chức khai ấn, phát ấn ở Hoàng thành Thăng Long hằng năm hay không?

Hoàng thành Thăng Long sẽ tổ chức lễ hội khai ấn?GS Phan Huy Lê (người chống cằm) phản đối khai ấn và phát ấn tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Tiền Phong

Các nhà khoa học chủ đích không bàn chuyện nên hay không tái hiện lễ khai ấn, phát ấn tại Hoàng thành, nhưng đây vẫn là vấn đề được nhắc xuyên suốt các phát biểu. Một số ý kiến phát biểu bày tỏ sự không đồng thuận với việc tổ chức khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long hàng năm mà hãy coi ấn "Sắc mệnh chi bảo" như một cổ vật cần bảo tồn và trân trọng.

TS Phạm Quốc Quân cho rằng nếu tiến hành khai ấn thì nên thận trọng nghiên cứu về kịch bản, thời gian, cách làm ra sao. “Hiện nay, chúng ta đang bị phản ánh sai lệch từ chuyện khai ấn ở một số di tích làm méo mó ý nghĩa đích thực của nghi thức này” - ông Quân bày tỏ.

Đồng tình với ý đó, TS Nguyễn Quốc Tuấn (viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo) cho rằng: “Nếu làm được tốt thì phát ấn cũng được, nhưng phải tuyệt đối không để dẫn đến việc tạo ra hình ảnh hỗn loạn đến mức không thể chấp nhận được như các lễ phát ấn, khai ấn mà nhiều nơi đang làm hiện nay. Nếu Hoàng thành Thăng Long tiến hành khai ấn mà không chuẩn bị thật tốt thì có thể sẽ tạo ra cuộc “cạnh tranh khai ấn, phát ấn”, làm mất đi ý nghĩa của di sản Hoàng thành Thăng Long” - ông Tuấn lo ngại.

Hoàng thành Thăng Long sẽ tổ chức lễ hội khai ấn?Chiếc ấn “Sắc mệnh chi bảo” bằng gỗ, cổ nhất hiện nay được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Dân Trí

Trước đó, trong lễ dâng hương khai xuân Hoàng thành Thăng Long (16/2 - tức ngày 9 tháng Giêng Tết Bính Thân), Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội lần đầu tiên tổ chức thử nghiệm lễ khai ấn tại khu vực Điện Kính Thiên. Phát biểu kết luận tọa đàm GS Phan Huy Lê cho rằng, có đủ cơ sở để kết luận ấn "Sắc mệnh chi bảo" có niên đại từ thời Trần.

Thứ nhất, ấn này được phát hiện tại tầng văn hóa thời Trần không bị xáo trộn. Tầng văn hóa đó nằm sau thời Lý và trước thời Lê Sơ, cùng với các di vật của thời nhà Trần. Có thể kết luận hai điều theo cơ sở khoa học. Một là, đây là vật thật, đào được trong khi khảo cổ chứ không phải ngụy tạo. Hai là, không thể nói là hiện vật gỗ không bị mục mà có thể tồn tại, bởi trước đời Trần, còn rất nhiều hiện vật gỗ cũng đã được tìm thấy ngay trong Hoàng thành Thăng Long suốt từ thời Lý, Đại La...

Hoàng thành Thăng Long sẽ tổ chức lễ hội khai ấn?Bộ trưởng Trần Đại Quang cùng lãnh đạo các ban ngành và nhiều người dân dâng hương tại Hoàng Thành Thăng Long sáng 16/2. Ảnh: Tiền Phong

Thứ hai là cần phải bảo quản ấn thật tốt. Cần tổ chức nghiên cứu, giám định, xác minh niên đại, đồng thời khảo cứu kỹ hơn nữa về ấn "Sắc mệnh chi bảo" này. "Tuy chưa đi đến kết luận cuối cùng về ấn "Sắc mệnh chi bảo", nhưng với những gì chúng ta đã nhận thức được, thì đây là một di vật rất quý nên cần phải phát huy giá trị, có thể theo hai xu hướng, thứ nhất là tổ chức khai ấn, phát ấn, thứ hai là coi ấn như một cổ vật cần gìn giữ", GS Phan Huy Lê nói.

GS Phan Huy Lê cũng bày tỏ ý kiến cá nhân là không nên tổ chức khai ấn, phát ấn như Đền Trần (Nam Định). Ấn Đền Trần không phải "Sắc mệnh chi bảo" mà là ấn thờ. Còn "Sắc mệnh chi bảo" là ấn của vương triều, không thể làm giống như thế. Thời Nguyễn đã chép rất rõ về lễ khai ấn và phong ấn.

Đó là một nghi thức chứ không phải lễ hội, và chỉ được thực hiện trong phạm vi nhất định. "Tổ chức phát ấn để cầu may, cầu quan, cầu tước nên rút kinh nghiệm từ Đền Trần, theo tôi không nên làm. Nếu làm phải nghiên cứu rất cẩn thận", GS Phan Huy Lê nói.

Hòa Lê (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang