Hơn 90.000 tấn nông sản tại Hải Dương chưa tiêu thụ được

author 06:23 23/02/2021

(VietQ.vn) - Tổng lượng nông sản của Hải Dương là 90.760 tấn chưa tiêu thụ được; vẫn còn 4.080 ha rau đang đến kỳ thu hoạch với 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá.

Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương đang bị ảnh hưởng nặng nề. Tính đến ngày 15/2, toàn tỉnh Hải Dương đã thu hoạch được 19.500 ha rau màu, còn 2.802 ha đang đến kỳ thu hoạch. Sản lượng thu hoạch dự kiến là 46.000 tấn hành, 30.700 tấn cà rốt, 8.000 tấn cải bắp, su hào, su lơ, rau ăn lá, 1.000 tấn lợn sữa (trong đó 80% số nông sản trên để phục vụ xuất khẩu); nhu cầu vật tư, thức ăn đầu vào cho nuôi trồng cũng thiếu…

Tổng lượng nông sản của Hải Dương là 90.760 tấn chưa tiêu thụ được; vẫn còn 4.080 ha rau đang đến kỳ thu hoạch với 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá.

Theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, nguyên nhân của việc nông sản Hải Dương bị ùn ứ, không tiêu thụ được chủ yếu là do việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp, như chỉ phục vụ xét nghiệm dịch vụ. Hơn nữa, năng lực xét nghiệm của các địa phương có dịch chưa đáp ứng đủ, kịp thời. Kết quả xét nghiệm không thể hiện rõ thời hạn hiệu lực của phiếu xét nghiệm… khiến nhiều doanh nghiệp, lái xe phải tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa chấp nhận kết quả xét nghiệm tại các cơ sở y tế tư nhân (TP. Hải Phòng chỉ tiếp nhận kết quả xét nghiệm từ CDC Hải Dương). Một số doanh nghiệp phản ánh, khi làm xét nghiệm tại một số cơ sở y tế tư nhân (Medlactec…) đã không được công nhận...

Các địa phương cũng chưa có quy trình hướng dẫn thống nhất bảo đảm an toàn phòng chống COVID-19 trong sản xuất, thu hoạch, bao gói, vận chuyển nông, lâm thủy sản tươi sống từ vùng dịch ra ngoài, hiện các địa phương áp dụng quy trình khác nhau, có nơi cấm hoàn toàn, TP. Hà Nội không cấm người và hàng hóa của tỉnh Hải Dương… nên cả bên mua và bên bán đều gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh nông sản…

Thông tin về an toàn y tế của các sản phẩm được sản xuất tại các tỉnh đang có dịch của chính quyền và các cơ quan chuyên môn có liên quan (ngành nông nghiệp và ngành y tế) chưa được đưa ra chính thức, tạo tâm lý e dè của nhà thu mua và người tiêu dùng...

Ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của tỉnh Hải Dương, những khó khăn vướng mắc nêu trên gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các địa phương khác vì Hải Dương nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh- Hải Dương. Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác.

Bộ Công Thương nhận định: Nếu không giải quyết được các khó khăn vướng mắc này thì chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng thậm chí bị đứt gãy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương.

Hơn 90.000 tấn nông sản tại Hải Dương chưa tiêu thụ được

 Người dân Hà Nội vẫn đang tích cực giải cứu nông sản cho Hải Dương.

Tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn tiêu thụ nông sản vùng dịch hôm 22/2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản yêu cầu các địa phương và hệ thống phân phối thực hiện việc đảm bảo lưu thông hàng hoá và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

Song song với đó, Bộ Công Thương làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn trong nước về việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương (thông qua Sở Công Thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường.

Đặc biệt, ngay sau khi tỉnh Hải Dương thực hiện giãn cách xã hội từ 0 giờ ngày 16/2, Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn tại phía Bắc để thu mua nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh hiện đang vào mùa thu hoạch từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương.

Đến thời điểm hiện nay, Central Group đã thu mua lượng lớn rau, củ, quả của tỉnh Hải Dương tiêu thụ trong hệ thống, khoảng 100 tấn/tuần, dự kiến tăng lên 200 tấn/tuần; MM Mega Market (Việt Nam) cũng cam kết hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương, đã đặt mua 24,3 tấn rau quả/ngày từ Hải Dương (bao gồm su hào, cải bắp và ổi) và sẽ tiếp tục tăng sản lượng trong những ngày tới để phân phối về các trung tâm của MM tại miền Trung và miền Nam; Hệ thống Vinmart cũng đã liên hệ và đặt hàng một số loại nông sản an toàn.

Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Y tế cần có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng.

Chỉ đạo và huy động các đơn vị có năng lực xét nghiệm COVID-19 hỗ trợ các tỉnh có dịch bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ lái xe, áp tải hàng trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài.

Bộ Y tế là đầu mối, phối hợp với Bộ NN&PTNT chỉ đạo thống nhất các đơn vị chuyên ngành tại địa phương có dịch COVID-19 trong việc xác nhận hàng hóa, nông sản an toàn dịch bệnh; đầu mối chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT có hướng dẫn thống nhất và quy định rõ các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hóa để lưu thông hàng hóa qua các địa bàn có và không có dịch bệnh.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn quy trình sản xuất nông lâm thủy sản bảo đảm phòng chống dịch bệnh, đủ điều kiện lưu thông phân phối tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sản xuất, nuôi trồng các loại nông lâm thủy sản phù hợp với nhu cầu và khả năng tiêu thụ trong bối cảnh dịch bệnh để hạn chế tối đa việc tồn ứ nông lâm thủy sản. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin cho ngành Công Thương về hàng hóa nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh để kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Về phía các địa phương, Bộ Công Thương đề nghị thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg năm 2020, Chỉ thị số 05/CT-TTg năm 2021 quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt, cam kết không để tình trạng “ngăn sông cấm chợ” diễn ra trên địa bàn.

 Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang