Hướng đi nào cho nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam?

author 06:30 23/02/2018

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, việc phát triển nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam có nhiều thách thức nhưng cũng không ít cơ hội.

Những ‘hạt mầm’ đầu tiên

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) đã và đang tác động đến nhiều lĩnh vực của toàn cầu, thúc đẩy các lĩnh vực này có bước chuyển tương ứng, trong đó có nông nghiệp. Cũng kể từ đó mà khái niệm nông nghiệp 4.0 được đưa ra chỉ quá trình sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano…

Tại Việt Nam đến thời điểm này, không khó để có thể bắt gặp những nông dân ứng dụng thiết bị cảm biến nhằm số hóa các yếu tố: như nước, phân, thuốc, độ ẩm, ánh sáng và chuyển nó vào các thiết bị kết nối Intenet như máy tính, điện thoại để theo dõi, điều khiển tình hình sản xuất tại trang trại. Thậm chí, như mô hình mà Tập đoàn FPT đang phối hợp triển khai tại Viện rau quả thì chuyên gia sống tại Nhật cũng có thể kết nối và điều khiển được các yếu tố của trang trại rau tại Việt Nam.

Mô hình trồng chuối theo phương pháp hiện đại ở Hưng Yên đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: ĐSPL 

Ở một điển hình khác, mô hình trồng chuối xuất khẩu, thương hiệu chuối 3T (Khoái Châu - Hưng Yên) với quy mô 200ha chuối tiêu hồng, chuối tây; hoặc 600ha chuối của Công ty Huy Long An cũng áp dụng thành công nghệ cao. Hiện tại, chuối 3T và chuối của ông Huy Long An đã vào siêu thị, xuất sang Trung Quốc và các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu. Trung bình mỗi năm, Công ty 3T đạt doanh thu gần 30 tỷ đồng, tạo việc làm cho 40 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Nhằm giúp quản lý tốt hơn trong các trang trại cây trồng, nuôi nấm hoặc nuôi trồng thủy sản (tôm, cá ...), chăn nuôi (bò, gà...) và nuôi chim, ong, Công ty Demeter Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh đang trợ giúp các giải pháp tự động trong hệ thống tưới nước, điều khiển tự động, thu thập, quản lý và giám sát dữ liệu thông qua kết nối vạn vật (IoT), với thiết bị chế tạo sản xuất nội địa.

Những tiêu chí của nông nghiệp 4.0 đã và đang được Công ty VIFARM áp dụng khá đầy đủ các thành phần trong sản xuất rau sạch ứng dụng công nghệ thủy canh hồi lưu - Hydroponic (tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng). Đó là các công nghệ tưới tiêu nhỏ giọt, công nghệ đèn LED; thiết bị kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thông số môi trường. Nhờ đó, năng suất rau gấp 3 lần và giá thành bằng nửa so với sản xuất truyền thống.

Làm sao để tiếp cận sâu rộng nông nghiệp 4.0?

Rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cùng Internet kết nối vạn vật đã mở đường cho những hoạt động quản lý nông nghiệp hoàn toàn mới. Con người không cần có mặt trực tiếp, thậm chí ở một số khâu robot sẽ thay thế con người, từ đây sẽ hình thành một nền nông nghiệp chính xác và tự động. Trong điều kiện công nghệ ngày càng rẻ, có khá nhiều doanh nghiệp, nông dân quan tâm đến lĩnh vực này.

Như vậy, có thể thấy nông nghiệp 4.0 sẽ là một quy trình khép kín bằng công nghệ như giống chất lượng cao, phân bón thông minh, thuốc trừ sâu thảo dược; canh tác chính xác, giảm hao hụt giống và giảm khí thải nhà kính; tự động hóa từ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến; ứng dụng điện toán đám mây để truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chưa có một mô hình nào hoàn chỉnh. Trong khi đó, nền nông nghiệp của Việt Nam lại có tiềm năng lớn để áp dụng tiến bộ của cách mạng công nghiệp 4.0.

Đối với ngành chăn nuôi bò sữa, lợn, gà; nuôi tôm, cá da trơn quy mô công nghiệp đòi hỏi quy mô diện tích không lớn, đang có những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu, nên dễ dàng ứng dụng công nghệ của nông nghiệp 4.0 như tự động hóa, sử dụng rô bốt… Trong thủy sản có thể ứng dụng hệ thống canh tác kết hợp thủy sản và rau/hoa (Aquaponic).

Sản xuất hoa và quả là những ngành hàng có công nghệ cho tự động hóa khâu sản xuất cây giống (gồm cả bầu ươm), cơ giới hóa làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch; phân bón và tưới nước kết hợp (fertigaton); chế phẩm giúp sản xuất trái vụ; công nghệ bảo quản tiên tiến (khí hậu điều khiển, sấy lạnh…). Với hoa cần thêm công nghệ giữ hoa tươi lâu. Tất nhiên cũng phải lựa chọn những cây ăn quả với sản xuất quy mô tập trung, có công nghệ và thị trường như thanh long, cam, dứa.

Với các ngành sản xuất nấm ăn, nấm/cây dược dược liệu có thể ưu tiên công nghệ chiết tách các hoạt chất mang dược tính cao như nano cucumin hoặc tinh dầu gấc, nhân sâm… tiến tới tìm kiếm hoạt chất có chức năng chữa bệnh và làm đẹp. Trong sản xuất lúa gạo, có thể áp dụng các công nghệ đã được kiểm chứng ở nước ngoài như ứng dụng viễn thám trong quản lý sản xuất và sâu bệnh, công cụ quản lý cây trồng trên điện thoại thông minh.

Tiếp cận nông nghiệp 4.0 cần nỗ lực cao từ nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan. Ảnh: KH&PT 

Theo TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, để nông nghiệp 4.0 phát triển hiệu quả phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân huy động các nguồn lực nhằm tạo đột phá nông nghiệp thông minh với lộ trình và nguồn lực hợp lý.

Các cơ quan trung ương, địa phương, các doanh nghiệp và bà con nông dân cần bám vào Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để làm cơ sở tiếp cận và triển khai sát điều kiện cụ thể của ngành, của địa phương, của doanh nghiệp và trạng trại của mình; tiếp tục làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệc là nguồn nhân lực có chất lượng cao để chủ động trong quá trình tiếp cận nông nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ và cách quản trị của họ để tiếp thu trình độ công nghệ thế giới nhằm rút ngắn thời gian, song hiệu quả sản xuất mang lại bất ngờ; tăng cường khả năng dự báo thị trường làm cơ sở định hướng sản xuất; tiếp tục xây dựng và quảng bá các thương hiệu nông sản trở thành thương hiệu quốc gia có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước.

Một vấn đề mang tính cốt lõi được TS Phạm S đề cập đến đó là Chính phủ cần tiếp tục ban hành những chính sách sát thực tiễn sản xuất, có “tính sống cao” nhằm huy động các nguồn lực để phục vụ tiếp cận sâu rộng cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0.

Từ đó, chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới Việt Nam có những mô hình nông nghiệp 4.0 có quy mô lớn, tạo ra nông sản độc đáo, an toàn thực phẩm, sức cạnh tranh cao vào năm 2020.

Bảo Bình

Nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đẩy mạnh triển khai nông nghiệp 4.0(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng thời gian tới cần đẩy mạnh triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp (nông nghiệp 4.0).
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang