IAEA khuyến cáo gì về điện hạt nhân của Việt Nam?

author 06:30 01/01/2015

(VietQ.vn) - Các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tham gia vào đánh giá cơ sở hạ tầng hạt nhân tích hợp (INIR) tại Việt Nam, góp phần hỗ trợ phát triển điện hạt nhân an toàn, vì mục đích hòa bình.

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Đoàn công tác của IAEA do ông Park Jong Kyun, Giám đốc Phòng Điện hạt nhân thuộc Vụ Năng lượng hạt nhân của IAEA làm Trưởng đoàn cùng với 06 chuyên gia IAEA thuộc các Vụ Năng lượng hạt nhân, Pháp chế và các chuyên gia Anh và Tây Ban Nha do IAEA mời đã tới Việt Nam. Đoàn lần này sẽ làm việc trong các ngày từ 10 -14/11/2014 tại Hà Nội.

Mục đích của Đoàn công tác là đánh giá các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân mà Việt Nam đã triển khai theo các khuyến cáo của Đoàn Công tác INIR năm 2012. Xác định các lĩnh vực cần tập trung trong thời gian tới cho phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân tại Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam lập kế hoạch các hoạt động tiếp theo (bao gồm cả những hoạt động hợp tác với IAEA). 

Phát triển điện hạt nhân vì mục đích hòa bình

Việt Nam đang thúc đẩy phát triển điện hạt nhân vì mục đích hòa bình. Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu và kịp thời của IAEA cũng như từ cộng đồng quốc tế đối với chương trình điện hạt nhân ở Việt Nam. Theo Thứ trưởng Thanh: “Bộ KH&CN với vai trò là cơ quan điều phối, chủ trì về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân sẽ cố gắng thúc đẩy các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân theo các khuyến cáo của IAEA để đáp ứng các yêu cầu triển khai Dự án Điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam an toàn, an ninh và hiệu quả. Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hỗ trợ và ủng hộ các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và IAEA trong việc sử dụng hòa bình năng lượng nguyên tử ở Việt Nam”.

Theo hướng dẫn của IAEA, cơ sở hạ tầng điện hạt nhân bao gồm 19 nội dung chủ yếu thể hiện tất cả các hoạt động và công tác chuẩn bị về mọi mặt từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, địa điểm, công trình phụ trợ, văn bản quy phạm pháp luật đến các nguồn lực kinh tế và con người nhằm phục vụ cho chương trình phát triển điện hạt nhân. Đối với quốc gia mới bắt đầu chương trình điện hạt nhân đầu tiên như Việt Nam, quá trình phát triển cơ sở hạ tầng phải trải qua 3 giai đoạn được đánh dấu bằng 3 cột mốc tương ứng.

Các giai đoạn và cột mốc tương ứng như sau:

Giai đoạn 1 – Chuẩn bị để đưa ra quyết định khởi động chương trình điện hạt nhân, được đánh dấu bằng Cột mốc số 1 – Sẵn sàng đưa ra quyết định chủ trương triển khai dự án điện hạt nhân đầu tiên;

Giai đoạn 2 – Chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, được đánh dấu bằng Cột mốc số 2 – Sẵn sàng mời thầu dự án đầu tiên;

Giai đoạn 3 – Xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, được đánh dấu bằng Cột mốc số 3 – Sẵn sàng đưa vào vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Được biết, công tác phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân ở Việt Nam đã được tiến hành từ rất sớm và đã đạt được nhiều tiến bộ, điều này đã được IAEA đánh giá qua 02 Đoàn công tác đánh giá tích hợp cơ sở hạ tầng hạt nhân: Đoàn công tác INIR lần thứ nhất (tháng 12/2009) và Đoàn INIR lần thứ hai (tháng 12/2012).

Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Tháng 12/2009, Đoàn Công tác IAEA INIR lần thứ nhất về đánh giá tích hợp cơ sở hạ tầng hạt nhân đã sang Việt Nam làm việc và theo kết luận của Đoàn Công tác, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành Cột mốc số 1 trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân ở Việt Nam và bắt đầu triển khai các hoạt động của Pha 2.

Đoàn công tác INIR lần thứ 2, từ ngày 4-14/12/2012, đã kết luận rằng Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong phát triển CSHT ĐHN kể từ Đoàn công tác INIR năm 2009, tuy nhiên Việt Nam cần phải triển khai một khối lượng công việc đáng kể để đạt được Cột mốc số 2.

Đoàn công tác INIR lần thứ 2 đã xác định 7 vấn đề trọng tâm, đưa ra 42 khuyến cáo và 14 đề xuất để giúp Việt Nam giải quyết các điểm còn thiếu sót, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia. 

Hồng Anh 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang