“Khai tử” xăng A95 có thể coi là hành vi ép buộc người dùng

author 19:00 05/05/2018

(VietQ.vn) - Theo Luật sư Đỗ Bá Dương, việc khai tử xăng A95 có thể coi như hành vi ép buộc, bác bỏ đi quyền lựa chọn của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng sẽ “thiệt thòi”

Liên quan đến đề xuất bỏ xăng A95 do Saigon Petro đưa ra tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối ngày 3/5 vừa qua, có không ít người tiêu dùng cũng như các chuyên gia kinh tế tỏ ra lo ngại khi quyền lợi của hàng loạt người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, trước tình trạng nhà cung cấp ethanol để các doanh nghiệp phối trộn xăng E5 hiện tại chỉ có một doanh nghiệp duy nhất là Công ty TNHH Tùng Lâm, nhiều ý kiến phản ánh với một DN cung cấp, lấy yếu tố gì để đảm bảo sự cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng?

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, niềm tin của người tiêu dùng với xăng E5 hiện chưa cao, thay vào đó, việc can thiệp thị trường bằng việc loại bỏ xăng A95, bán toàn xăng E5 là bất hợp lý, thiếu sự tôn trọng người tiêu dùng nếu không nói là gây thiệt hại cho người tiêu dùng và đi ngược xu thế cạnh tranh của thị trường.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) về vấn đề này, Luật sư Đỗ Bá Dương (Công ty Luật TNHH Khoa Tín) cho hay, căn cứ theo khoản 3, Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, người tiêu dùng có quyền: “Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”.

Hiện nay, rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng dùng xăng RON 95, thậm chí có nhiều phương tiện được nhà sản xuất khuyến khích sử dụng xăng RON 95. Rõ ràng, người tiêu dùng theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình mà lựa chọn dùng xăng RON 95, thế nên việc khai tử xăng RON 95 đã bác bỏ đi quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ này của người tiêu dùng như pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng đã quy định rõ.

Luật sư Đỗ Bá Dương cho rằng việc khai tử xăng A95 sẽ khiến quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng. 

Ngoài ra, việc quyết định khai tử xăng RON 95 còn có thể bị coi là hành vi ép buộc người tiêu dùng, thuộc danh mục các hành vi bị cấm tại Điều 10, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010:

“Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ép buộc người tiêu dùng thông qua việc thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng;

b) Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch.”

Việc khai tử xăng RON 95 nhằm mục đích để người tiêu dùng dùng hoàn toàn xăng sinh học mặc dù người tiêu dùng không muốn, không có nhu cầu sử dụng mà mong muốn được lựa chọn, sử dụng sản phẩm khác có thể coi là một hành vi ép buộc giao dịch.

Hơn nữa, nếu việc sử dụng xăng sinh học gây ảnh hưởng tới những thiết bị được nhà sản xuất khuyến nghị sử dụng xăng RON 95 thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Khoản 1, Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã quy định rất rõ ràng: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này”.

Tuy nhiên, khi thiệt hại thực tế xảy ra đối với phương tiện xử dụng nhiên liệu không đúng với khuyến nghị của nhà sản xuất, liệu rằng tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng sinh học hoặc thậm chí tổ chức quyết định khai tử xăng RON 95 nhằm buộc người tiêu dùng chỉ có thể lựa chọn xăng sinh học có sẵn sàng bồi thường cho các thiệt hại này không?

Cần cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng

Về câu hỏi liệu việc khai tử xăng RON 95 có vi phạm về cạnh tranh thương mại hay không, Luật sư Đỗ Bá Dương cho rằng để phối trộn tạo thành xăng sinh học E5, cần có mặt hàng Ethanol. Tuy nhiên, hiện nay mặt hàng này do công ty TNHH Tùng Lâm độc quyền.

“Không thể khẳng định việc khai tử xăng RON 95 là vi phạm về cạnh tranh thương mại, tuy nhiên cần phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng, phải tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp. Liệu rằng khi chỉ có xăng sinh học, có xảy ra tình trạng tăng giá thành xăng E5RON92 và xăng E5RON95? Liệu rằng có xảy ra hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm quy định trong luật cạnh tranh 2004”, Luật sư Dương nêu vấn đề.

Cũng theo vị Luật sư này, trong Luật cạnh tranh 2004 có quy định rất rõ hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm như:

- Bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh;

- Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng;

- Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hoá, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng;

- Áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau nhằm tạo bất bình đẳng trong cạnh tranh;

- Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;

- Ngăn cản việc tham gia thị trường của những đối thủ cạnh tranh mới.

- Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng;

- Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng.

“Như vậy, việc khai tử xăng RON 95 là một vấn đề phức tạp và cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng”, Luật sư Dương kết luận.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa đạt khoảng 1.429.905 m3. Trong đó xăng E5 đạt khoảng 593.609 m3, chiếm tỷ trọng khoảng 42%; xăng RON 95 đạt khoảng 836.296 m3, chiếm tỷ trọng khoảng 58%.

"2 tháng đầu năm 2018, tổng lượng xăng E5 tiêu thụ nội địa tăng đáng kể, khoảng 33-34% so với năm 2017 là 8-9%. Đây là tín hiệu đáng mừng", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.

Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng tỉ trọng bán xăng E5 chưa đạt mức kỳ vọng. Theo ông Năm, người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng do dư luận vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, độ chênh giá giữa xăng sinh học E5 và xăng khoáng RON 95 chưa đủ lớn để hấp dẫn người dùng.

Phong Lâm

Đề xuất 'khai tử' xăng RON 95: Chuyên gia, doanh nghiệp nói gì?(VietQ.vn) - Chuyên gia và doanh nghiệp nói gì về đề xuất “khai tử xăng RON 95, chỉ kinh doanh xăng E5 và RON92” của một số doanh nghiệp đầu mối?
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang