Không phải lương, đây mới là sai lầm của lãnh đạo khiến nhân viên 'mất lửa'

author 07:52 20/09/2017

(VietQ.vn) - Sai lầm của lãnh đạo trong quản lý sẽ khiến nhân viên "mất lửa" làm việc, những nhân viên giỏi như những ngôi sao dần tắt.

Mất đi nhiệt huyết là một tình trạng đang xảy ra với không ít doanh nghiệp mà theo Barry Moltz - một tác giả và diễn giả về đề tài quản trị doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp - nguyên nhân chính là ở cách quản lý nhân sự của những nhà sáng lập và quản lý doanh nghiệp.

Theo một nghiên cứu của Gallup, chỉ có 30% nhân viên cảm thấy gắn bó với công việc, số còn lại đang làm việc một cách uể oải và thiếu cảm hứng. Những nhân viên này cảm thấy họ không được đánh giá cao, không được là một thành phần thật sự của tổ chức, nhanh chóng mất tập trung và động cơ làm việc. Kết quả là nhóm nhân viên này làm việc kém hiệu quả, từ đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Không phải lương, đây mới là sai lầm của lãnh đạo khiến nhân viên 'mất lửa'

“Mất lửa” làm việc, những nhân viên giỏi như những ngôi sao dần tắt. Ảnh: Zing

Còn Michael Kibler, người có nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu nhân sự, gọi hiện tượng này là “mất lửa” làm việc, những nhân viên giỏi như những ngôi sao dần tắt.

"Mất lửa rất khác với sự kiệt sức, bởi vì những nhân viên mắc phải “chứng” này không thực sự ở trong một cuộc khủng hoảng rõ ràng nào", Kibler nói, "họ vẫn làm việc nhiều giờ, đóng góp cho các đồng đội, họ đồng ý với mọi nội dung cuộc họp. Tuy nhiên, họ đang làm việc trong trạng thái bị ức chế một cách âm thầm. Và hậu quả cuối cùng là họ sẽ ra đi".

Những sai lầm từ nhà quản lý đẩy nhân viên giỏi của mình vào trạng thái này:

Đặt ra quá nhiều quy tắc ngớ ngẩn

Không phải lương, đây mới là sai lầm của lãnh đạo khiến nhân viên 'mất lửa'

Những nguyên tắc được tạo ra dựa trên sự cân nhắc của một lãnh đạo có tầm nhìn. Ảnh: Vietnamnet

Công ty nào cũng cần những nguyên tắc nhưng không phải nguyên tắc nào cũng được tạo ra dựa trên sự cân nhắc của một lãnh đạo có tầm nhìn. Những nhà lãnh đạo quá hăng hái lập nên những nguyên tắc để quản lý nhân viên sẽ khiến họ cảm thấy như đang bị giám sát như một đứa trẻ. Đến một lúc, nhân viên sẽ nổi cáu và muốn tìm một nơi làm việc khác.

Đối xử "cào bằng"

Trong khi công bằng là một nguyên tắc cần có trong một trường học thì ở nơi làm việc, đối xử với mọi nhân viên như nhau là một thảm họa. Những nhân tài, người siêng năng làm việc sẽ cảm thấy thật bất công khi họ không được đánh giá cao, và mọi nỗ lực, sự thể hiện của họ cũng chỉ làm họ ngang hàng với những người đi làm chờ hết giờ và nhận lương.

Dung túng cho những nhân viên có hiệu suất làm việc kém

Một ban nhạc Jazz bao gồm rất nhiều nghệ sĩ tài năng và một nhạc công kém cỏi thì đó vẫn là một ban nhạc tệ hại. Mọi người sẽ chỉ đánh giá trình độ ban nhạc Jazz thông qua nhạc công tệ nhất. Trong công ty cũng vậy, khi bạn cho phép một nhân viên lười biếng, kém cỏi tồn tại, nhân viên đó sẽ kéo tinh thần, hiệu suất và nỗ lực của những nhân viên giỏi xuống.

Không phải lương, đây mới là sai lầm của lãnh đạo khiến nhân viên 'mất lửa'

Chỉ một nhân viên kém cỏi tồn tại sẽ kéo cả tập thể xuống. Ảnh: LifeHack

Không nhận ra thành quả của nhân tài

Thật dễ dàng để đánh giá thấp nỗ lực của một nhân viên. Đó là sai lầm nghiêm trọng nhưng rất dễ mắc phải của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Mọi người đều thích được công nhận sự cố gắng, cống hiến và những thành tích họ đạt được. Vì thế việc công nhận thành tích của nhân viên, đặc biệt là những nhân viên hàng đầu thể hiện bạn quan tâm và theo dõi họ.

Việc nhà lãnh đạo tìm hiểu công việc và ghi nhận nỗ lực sẽ mang đến cảm xúc tốt cho nhân viên, sự động viên đó sẽ làm lợi cho công ty – nhân viên làm việc tích cực hơn và hiệu quả công việc theo đó cũng tăng lên.

Thiếu sự quan tâm 

Không phải lương, đây mới là sai lầm của lãnh đạo khiến nhân viên 'mất lửa'

Hơn một nửa số người bỏ việc là vì lý do mối quan hệ với sếp. Ảnh: 24H 

Hơn một nửa số người bỏ việc là vì lý do mối quan hệ với sếp. Những công ty khôn ngoan luôn đảm bảo rằng các nhà quản lý biết cách cân bằng giữa hai yếu tố công việc và cuộc sống. Đó là những vị sếp chúc mừng thành công của nhân viên, thông cảm với những người đang có những khó khăn trong cuộc sống, và đặt ra thử thách cho cấp dưới.

Những vị sếp thiếu sự quan tâm dễ để mất nhân viên giỏi, vì con người không thể làm việc suốt 8 tiếng mỗi ngày và không được quan tâm đến điều gì ngoài năng suất công việc.

Không để nhân viên theo đuổi đam mê

Google cho phép nhân viên dành 20% thời gian để tự do làm bất cứ việc gì cho rằng “mang lại lợi ích cho nhân viên”. Và Google đã cho ra đời những sản phẩm xuất phát từ niềm đam mê, sáng tạo của các nhân viên như Gmail hay AdSense.

Những nhân viên tài năng luôn ấp ủ niềm đam mê. Hãy tạo điều kiện, cơ hội cho họ được theo đuổi những đam mê đó và để họ được thỏa thích làm việc. Thế nhưng, nhiều nhà quản lý lại khiến nhân viên làm việc trong một sự bó hẹp, kiềm hãm bởi sợ những nhân viên giỏi sẽ làm việc kém hiệu quả hơn do phân tán sự tập trung vào những công việc mà họ đam mê, thích thú.

Không phải lương, đây mới là sai lầm của lãnh đạo khiến nhân viên 'mất lửa'

Những người có thể theo đuổi đam mê trong công việc sẽ năng suất cao hơn 5 lần tiêu chuẩn. Ảnh: DailyMail

Nỗi sợ đó là vô căn cứ. Bởi nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những người có thể theo đuổi niềm đam mê trong công việc sẽ làm việc trôi chảy hơn nhờ trạng thái tinh thần hưng phấn, năng suất lao động cao hơn 5 lần so với tiêu chuẩn.

Môi trường làm việc thiếu sự thú vị, không tạo ra say mê

Nhân viên không cảm thấy vui vẻ trong môi trường làm việc đồng nghĩa với việc sẽ không làm việc hết mình.

Những công ty có môi trường làm việc tốt nhất hiểu rõ tầm quan trọng của việc để cho nhân viên thoải mái một chút. Chẳng hạn, Google cung cấp cho nhân viên những bữa ăn miễn phí, làm mọi thứ để công sở và công việc trở nên thú vị hơn như có sân chơi bowling, lớp tập thể dục.. Logic rất đơn giản: nếu công sở thú vị, nhân viên không chỉ kết nối với môi trường làm việc tốt hơn, làm việc nhiều hơn, mà còn gắn bó với công ty lâu dài hơn.

5 Kiểu nhân viên dù giỏi cũng nên sa thải nhanh chóng(VietQ.vn) - Dưới sức ép của thị trường, các công ty không thể giữ lại những nhân viên có vấn đề như vậy, ngay cả khi đó là những nhân viên xuất sắc.

Dũng Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang