Không xóa tiền phạt nộp thuế chậm cho doanh nghiệp

author 06:49 04/11/2014

(VietQ.vn) - Đề xuất xóa nợ tiền phạt do chậm nộp thuế cho doanh nghiệp gặp khó khăn đã không nhận được sự đồng thuận của đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Chính phủ.

Tại báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế trình bày trước Quốc hội sáng 3/11, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết đa số ý kiến trong cơ quan này không nhất trí với đề xuất xóa tiền phạt chậm nộp thuế theo đề xuất của Chính phủ.

Đề nghị xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế cho doanh nghiệp

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Chính phủ trình Quốc hội cho phép xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 của doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp khoản nợ thuế gốc trước ngày 31/12/2014

Doanh nghiệp nộp thuế tại Cục thuế Hà Nội

Doanh nghiệp nộp thuế tại Cục thuế Hà Nội. Ảnh minh họa

Trong đó, doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan được xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế, tiền chậm nộp thuế phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn từ ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến phát sinh tiền phạt chậm nộp; Đối tác bị phá sản hoặc phá bỏ hợp đồng kinh tế dẫn đến người nộp thuế phát sinh các khoản nợ thuế và tiền phạt chậm nộp; Doanh nghiệp phải vay của các ngân hàng thương mại với lãi suất cao trên 20%/năm dẫn đến tổng tiền chậm nộp phát sinh bằng 100% số tiền thuế trở lên.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cân nhắc đề xuất trên vì bản chất tiền phạt chậm nộp thuế là khoản tiền phạt do vi phạm hành chính. Vì thế, việc xóa nợ sẽ tạo tiền lệ không tốt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và công bằng đối với doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định. Có ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, xóa nợ tiền phạt chậm nộp thuế trước thời điểm 1/7/2013 là quá rộng. Do đó, chỉ nên xoá nợ trước năm 2008.

Một số ý kiến khác trong Ủy ban Tài chính Ngân sách lại khẳng định hiện nay số lượng các doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động rất lớn nên nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, chỉ những doanh nghiệp nợ thuế do Ngân sách Nhà nước nợ doanh nghiệp mới được xóa nợ tiền phạt chậm nộp.

Đề xuất bổ sung ưu đãi thuế cho doanh nghiệp

Về đề xuất bổ sung ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị cần làm rõ hơn về tiêu chí công nghệ. Theo đó, Ủy ban cho rằng chỉ ưu đãi cho các dự án đáp ứng được tiêu chí về công nghệ theo quy định của Luật công nghệ cao, Luật Khoa học công nghệ mà tiêu chuẩn kỹ thuật thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển.

Ngoài ra, cơ quan này cũng cho rằng, việc áp dụng thuế suất và thời gian ưu đãi 30 năm đối với các dự án đặc biệt cần thu hút đầu tư là quá dài, cần nghiên cứu thu hẹp thời gian ưu đãi.

Về thuế thu nhập cá nhân đối với người trúng thưởng trong casino, đa số quan điểm trong Ủy ban nhất trí với đề xuất không thu thuế. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng không thu thuế với đối tượng này là không phù hợp với nguyên tắc của Luật thuế Thu nhập cá nhân, tạo sự bất bình đẳng với cá nhân khác. Do đó, các ý kiến này đề nghị giữ nguyên quy định đánh thuế đối với thu nhập từ trúng thưởng trong casino.

Các doanh nghiệp được đề nghị áp mức thuế ưu đãi là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và với các dự án quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12 nghìn tỉ đồng có phạm vi tác động sâu, rộng tới kinh tế - xã hội.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện KT - XH khó khăn và đặc biệt khó khăn. Từ ngày 1.1.2016, thu nhập của doanh nghiệp này được áp dụng thuế suất 17%.

Với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp được ưu tiên áp dụng thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và được giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội cho phép bỏ việc khống chế về chi phí tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị, chi phí liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.  

Thu Hoài 

 (tổng hợp từ Tiền Phong, Vnexpress, Đầu tư Chứng khoán) 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang