Khuyến nghị trả lại kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp

author 09:16 28/09/2013

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trong nước không phải là định chế tài chính nên không có vốn tiền và vàng đủ lớn để thao túng thị trường.

Khuyến nghị trả lại kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trong nước không phải là định chế tài chính nên không có vốn tiền và vàng đủ lớn để thao túng thị trường.

Tại diễn đàn Kinh tế mùa thu (26 - 27/9 ở Huế) của uỷ ban Kinh tế Quốc hội, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến quản lý thị trường vàng.

Kinh doanh vang mieng

Khuyến nghị trả lại kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Theo TS Tô Ánh Dương, thị trường vàng Việt Nam hiện nay có quy mô khoảng 40 tỉ USD, trong khi thị trường vàng thế giới đang phát triển nhanh chóng với các hình thái đầu tư hiện đại, cho phép các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng với chi phí thấp hơn nhiều so với đầu tư vàng vật chất, thì thị trường vàng Việt Nam lại giới hạn ở các giao dịch vàng vật chất. Những khác biệt này đã tác động không nhỏ tới vấn đề quản lý tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và huy động nội lực phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng liên quan đến thị trường vàng, ở tham luận của mình, TS Ngô Trí Long đặt câu hỏi, việc ngân hàng Nhà nước độc quyền thị trường vàng miếng và tăng cường mua vàng của dân có phải là một phương sách hữu hiệu để chống vàng hoá? Việc các tổ chức mua vàng của dân để trả lại cho dân khi hết kỳ huy động đã thể hiện không hề có sự chuyển đổi vàng thành tiền đưa vào phát triển kinh tế, tham luận nêu rõ.

Sau khi so sánh với thế giới, tác giả tham luận khuyến nghị rằng "hãy trả lại việc kinh doanh vàng miếng cho doanh nghiệp". Cụ thể hơn, ông Long cho rằng các doanh nghiệp cần được tiếp tục huy động và cho vay vàng, bởi đây là nhu cầu tất yếu của doanh nghiệp, vì "các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trong nước không phải là định chế tài chính nên không có vốn tiền và vàng đủ lớn để thao túng thị trường như các tổ chức tín dụng". Để hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh vàng có điều kiện tham gia tích cực hơn nữa vào việc thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường vàng của ngân hàng Nhà nước, tác giả tham luận cho rằng việc cho phép các tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp vay vốn mua vàng qua đấu thầu và mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện tín dụng là cần thiết.

Khuyến nghị tiếp theo được nêu ra là phải chuyển hướng từ giao dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ vàng, vàng tài khoản…) trên một trung tâm giao dịch.

Hiện thị trường vàng vẫn đang bị nhìn nhận một cách tiêu cực, phiến diện luôn gây sự bất ổn cho kinh tế vĩ mô. Để hoàn thiện cơ chế quản lý cần nhìn nhận rõ những bất cập, hạn chế trong nghị định 24/CP về "Quản lý hoạt động kinh doanh vàng" để sửa đổi và cần phải thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng, ông Long đề nghị.

TS Nguyễn Minh Phong nhận định vàng đã, đang và vẫn sẽ được coi là một công cụ tích trữ và hình thức tài sản, thậm chí, một công cụ để rửa tiền được ưa chuộng ở Việt Nam… Tất cả các phiên đấu thầu, ngân hàng Nhà nước chỉ bán ra chứ không mua vào được, từ đó làm cho túi vàng trong dân ngày càng phình lên. Vấn đề gốc rễ không giải quyết được mà làm cho tình trạng vàng hoá ngày càng trầm trọng thêm, ông Phong đưa quan điểm gần gũi với TS Ngô Trí Long.

Một điểm được tác giả này nhấn mạnh trong các giải pháp để bình ổn thị trường vàng là không thể dùng quyền độc quyền vàng như một loại máy in tiền, không thể biến việc chống "vàng hoá" thành việc "tiền tệ hoá" vàng, nếu không muốn biến một quốc gia từ chỉ có một đồng bản tệ duy nhất thành có hai đồng tiền cùng lưu hành chính thức và độc quyền như nhau.

Theo SGTT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang