Kiểm toán Nhà nước: Không có vùng cấm trong phát hiện, xử lý sai phạm

author 06:45 27/07/2013

Tại cuộc họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách 2011 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán 2011 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có rất nhiều thông tin được đưa ra. Đáng chú ý, báo cáo cho thấy, phát hiện sai phạm cả ở cơ quan thuộc Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và một số cơ quan Đảng. Rõ ràng, không có vùng cấm trong phát hiện và xử lý sai phạm.

Tại cuộc họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách 2011 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán 2011 của KTNN  ngày 25.7, đã có rất nhiều thông tin được đưa ra. Đáng chú ý, báo cáo cho thấy, phát hiện sai phạm cả ở cơ quan thuộc Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và một số cơ quan Đảng. Rõ ràng, không có vùng cấm trong phát hiện và xử lý sai phạm.   

Nhiều cơ quan nhà nước vi phạm chế độ chính sách

Theo thống kê của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), dư nợ nước ngoài của quốc gia đến 31.12.2011 đã lên đến 1.052.416 tỉ đồng. Như vậy, nếu chia bình quân cho số dân thì mỗi người Việt Nam phải gánh món nợ nước ngoài vào khoảng hơn 13 triệu đồng/người - tương đương với 600USD. 

Cũng theo báo cáo kiểm toán năm 2011, việc sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức tại các bộ, ngành có chiều hướng gia tăng, KTNN đã kiến nghị thu hồi nộp NSNN tại 14 bộ, ngành được kiểm toán 9,7 tỉ đồng (năm 2010, số chi sai chế độ phải thu hồi của 20 bộ, ngành chỉ là 4,1 tỉ đồng). 21 địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí lên tới 1.840 tỉ đồng. Đặc biệt, một số cơ quan như VPCP, VPQH, thành ủy một số địa phương cũng đã để xảy ra sai phạm trong việc sử dụng nguồn kinh phí từ NSNN.

Cũng theo KTNN, tổng đầu tư tài chính của các tập đoàn, TCty được kiểm toán đến hết năm 2011 là 25.750 tỉ đồng, nhưng hiệu quả đầu tư của một số đơn vị còn rất thấp. Nhiều Cty liên doanh, liên kết kinh doanh thua lỗ, mất vốn, đặc biệt các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán đều thua lỗ. 

Cụ thể như TCty Xây lắp dầu khí (PVC) lỗ 85,8 tỉ đồng do đầu tư vào Công ty liên kết PVC - SG, PVC Land lỗ 66,4 tỉ đồng; Cty CP ximăng Hạ Long lỗ lũy kế đến hết 2011 là 1.090 tỉ đồng, vượt vốn điều lệ 982 tỉ đồng... Vinafood 2 đầu tư chứng khoán của Cty CP vận tải biển VN 59,5 tỉ đồng, phải trích lập dự phòng 47,7 tỉ đồng và mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (VCB) 52,57 tỉ đồng, nhưng giá niêm yết chỉ còn 16,64 tỉ đồng. 

Cũng theo KTNN, nguồn vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, TCty là 65.241 tỉ đồng (chiếm 24,7% tổng nguồn vốn), nợ phải trả chiếm 69,94% tổng nguồn vốn cho thấy, các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng. Cụ thể, TCty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc VN (VEC) nợ phải trả/tổng nguồn vốn lên tới 97,9%; Vinaconex là 81,7% (lãi tiền vay phải trả của các đơn vị được kiểm toán trong năm 2011 là 1.523 tỉ đồng, chiếm 47,5% vốn điều lệ), Vinafood 1 là 68%, PVC là 67%, Vinafood 2 là 65%...

 

Một số dự án đất đai tại Đà Nẵng - theo kết luận của Thanh tra Chính phủ - là có sai phạm.

Phát hiện thêm sai phạm đất đai ở Đà Nẵng

Dư luận trong thời gian qua cũng đã nóng lên về việc Thanh tra Chính phủ công bố sai phạm lên tới 3.400 tỉ đồng khi thanh tra 16 dự án đất đai ở Đà Nẵng. Tại cuộc họp báo, KTNN cũng đã khẳng định, qua quá trình kiểm toán đã phát hiện nhiều vi phạm về đất đai ở các địa phương, trong đó có Đà Nẵng. KTNN cũng đã kiến nghị UBND TP.Đà Nẵng xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân sai phạm trong công tác quản lý điều hành dự án hạ tầng kỹ thuật khu E - khu dân cư nam cầu Cẩm Lệ. 

Xử lý theo pháp luật đối với những tập thể, cá nhân liên quan đến việc kê khai khống, lập dự toán vượt khối lượng, sai đơn giá, lập hồ sơ khống trong dự án này. KTNN cũng đề nghị UBND TP.Đà Nẵng làm rõ trách nhiệm tại BQLDA hạ tầng giao thông đô thị Đà Nẵng trong việc thay đổi nội dung sử dụng đất; xử lý sai phạm tại Sở Xây dựng trong việc buông lỏng quản lý khi thực hiện chức năng là chủ đầu tư một số dự án xây dựng tại Đà Nẵng.

Tại cuộc họp báo, khi được hỏi có bình luận gì về việc KTNN công bố cả những sai phạm của VPQH, VPCP, cơ quan đảng, ông Bùi Đức Thụ - Uỷ viên thường trực UB Tài chính và Ngân sách của QH, đồng chủ trì họp báo - cho biết: “Bất kỳ cơ quan nào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam cũng phải tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam, việc VPQH, VPCP hay cơ quan nào cũng có thể xảy ra sai phạm, sai phạm này có thể là vô tình, có thể là cố ý, nhưng đã sai phạm thì phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật”. 

Về vấn đề Chính phủ bảo lãnh cho DN vay quá nhiều dẫn đến tăng nợ công, ông Thụ cũng cho rằng: “Theo quy định thì vốn chủ sở hữu của DN vay bảo lãnh phải đảm bảo ít nhất 20%, thế nhưng có nhiều trường hợp không đảm bảo 20% nhưng vẫn cứ bảo lãnh cho vay, như thế là rất sai, cần phải xử lý”. 

Năm 2012, KTNN đã chuyển hồ sơ sang CQĐT Bộ CA 5 vụ có dấu hiệu tham nhũng, đó là những vụ việc: Sở NNPTNT Hưng Yên với 2 công trình cấp nước quyết toán khống hơn 3 tỉ đồng; Cty cổ phần lương thực Thanh Nghệ Tĩnh (thuộc Vinafood 1) ký hợp đồng mua gạo, tiền trả trước 153 tỉ nhưng không nhận được hàng, đến nay phát sinh thêm gần 10 tỉ tiền lãi; Cty tài chính 2 của BHXH cho vay không đúng đối tượng hơn 1.000 tỉ, vụ này cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án; Cty bêtông Xuân Mai (thuộc Vinaconex) mua đất nông nghiệp trong diện quy hoạch ở các tỉnh phía nam không xây dựng công trình được, gây thất thoát số tiền và chục tỉ đồng và Cty tài chính Sông Đà có những hoạt động và sử dụng vốn bất thường.
 
“Tổng số dư nợ công năm 2011 là 1.392.020 tỉ đồng- bằng 54,9% GDP (GDP năm 2011 là 2.535.008 tỉ đồng), bao gồm: Nợ Chính phủ 1.092.761 tỉ đồng- chiếm 78,5% tổng nợ công (nợ nước ngoài 666.327 tỉ đồng, chiếm 20,7% tổng nợ công; nợ trong nước 426.389 tỉ đồng); nợ Chính phủ bảo lãnh 285.357 tỉ đồng- chiếm 20,7% tổng nợ công; nợ chính quyền địa phương 10.884 tỉ đồng” - con số do Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 25.7
 
Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Sáng 25.7, tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”. Tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào nhấn mạnh: “Mục tiêu chung đề ra là thiết lập cơ chế và thực hiện kiểm soát có hiệu quả thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn với các phương thức kiểm soát đồng bộ, khả thi nhằm giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý tập trung, thống nhất mọi thông tin về thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, phát hiện và xử lý kịp thời thu nhập có nguồn gốc bất hợp pháp”. 
 
Một khảo sát gần đây của Thanh tra Chính phủ cho thấy, 79% số cán bộ công chức hiện nay có thu nhập ngoài lương; trong đó, số người có thu nhập ngoài lương cao gấp 10 lần tiền lương- chiếm tỉ lệ 0,2% trong tổng số 79% của 2.000 người được khảo sát có thu nhập ngoài lương.    

Theo LD

 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang