Làm sao để "biến" nghiên cứu khoa học thành tiền?

author 13:43 08/08/2012

(VietQ.vn) – Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, nhiều nhà khoa học vẫn chưa thương mại hóa được kết quả nghiên cứu, còn nhà nước chưa hỗ trợ việc đó nhiều.

Ngày 3-6/8 tại Tp. Hồ Chí Minh và Tp. Vũng Tàu, Bộ KH&CN tổ chức tọa đàm “Xã hội hóa chương trình Thương mại hóa giá trị công nghệ quốc gia”.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: HP
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: HP

Đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đa số hoạt động theo mô hình quy mô vừa và nhỏ, kinh phí hạn hẹp và không có đủ cơ sở hạ tầng nghiên cứu, đặc biệt là không có sức sáng tạo mang tầm cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh đó các DN còn bị hạn chế về kết nối quốc tế, cơ chế chính sách vẫn còn bất cập nên họ chưa thực sự yên tâm để có thể đầu tư dài hạn cho công nghệ. Một ví dụ điển hình được đưa ra tại toạ đàm là mô hình thung lũng Silicon tại Mỹ. Với mô hình thương mại hóa công nghệ cao, thung lũng Sillicon đã đóng góp 21% GDP và 11% vào việc làm, góp phần tăng trưởng vào 20% việc làm và 500 tỷ USD sở hữu tư nhân đầu tư vào dự án.

Từ đây đã nhân bản ra các mô hình thành công khác ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaisia, Ấn Độ, Trung Quốc. Nhưng để Việt Nam làm được điều này, đại diện các DN đưa ra kiến nghị nhà nước cần đưa ra chủ trương, ủng hộ mạnh mẽ chương trình xã hội hoá; cho phép một tổ chức phi chính phủ thực hiện chương trình; cho phép hình thành Quỹ xã hội hoá để đồng hành cùng chương trình, cùng với kế hoạch triển khai. Trước mắt, chương trình sẽ tập trung vào chiến lược công nghiệp hóa nông nghiệp, đây là vấn đề nóng đang được toàn xã hội quan tâm.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, hiện nay nhận thức xã hội về vai trò của KH&CN còn thấp, sự quan tâm của lãnh đạo, quản lý còn khiêm tốn; nhà khoa học có tinh thần doan nghiệp và doanh nghiệp có tinh thần khoa học là không nhiều. Nguyên nhân, theo Bộ trưởng, là các nhà khoa học không thương mại hóa được kết quả nghiên cứu, DN chưa biết xã hội hóa đầu tư, thị trường hoá đầu ra sản phẩm.

Trong khi đó, Nhà nước chưa có hỗ trợ gì để giúp thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Bộ trưởng cũng ủng hộ thành lập Quỹ để đồng hành cùng chương trình. Nếu Quỹ này thành công sẽ là cơ sở để có nhiều quỹ khác thiết lập với cơ chế chi tiêu chủ động, thuận lợi và có vai trò vị trí rất quan trọng trong toàn bộ hệ thống KH&CN của Việt Nam. Bộ trưởng cũng giao cho Văn phòng Phối hợp Phát triển môi trường KH&CN chủ trì, phối hợp với Viện nghiên cứu Công nghệ - Phát triển SENA và các đối tác tiếp tục nghiên cứu và đề xuất kế hoạch cụ thể triển khai chương trình. Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ mọi việc có thể để đưa ý tưởng này trở thành hiện thực.

Hoàn Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang