Lãng phí tiền tỷ tại Hà Nội: Do tầm nhìn hạn chế hay tư duy nhiệm kỳ?

author 07:40 29/04/2013

(VietQ.vn) - Có những dự án mặc dù dư luận kịch liệt phản đối vì không có tính khả thi, nhưng Sở GTVT Hà Nội vẫn”cố” làm cho bằng được, để rồi hàng chục tỷ đồng “bốc hơi” cùng năm tháng như dự án phân làn đường dành cho ô tô và xe máy…

Trong một vài năm qua, ngành giao thông Hà Nội đề xuất hàng loạt dự án nhằm cải thiện tình hình giao thông trong địa bàn nội đô. Tuy nhiên, những dự án này sau khi đi vào sử dụng chưa được bao lâu thì phải phá bỏ.

Tiền Nhà nước “xài” không thương tiếc?
 
Dự án gây lãng phí hàng chục tỷ đồng được Sở GTVT Hà Nội tổ chức thực hiện một cách rầm rộ dưới sự phản ứng quyết liệt của dư luận, nhưng ngành giao thông Thủ đô vẫn cố gắng “bảo thủ” quan điểm của mình bằng việc xin phép UBND TP Hà Nội được đầu tư dự án phân làn ô tô xe máy bằng các giải phân cách cứng, với hy vọng, sẽ có thể “đả thông” được ý thức của người tham gia giao thông, hơn nữa có thể tạo ra một bước đột phá cho giao thông Thủ đô vốn dĩ được xem là một “cơn ác mộng” từ nhiều năm nay.
Dự án cầu đi bộ lãng phí
Dự án cầu đi bộ lãng phí
 
Các tuyến phố được thì điểm phân làn là Bà Triệu, Phố Huế- Hàng Bài, Trần Khát Chân- Đại Cồ Việt- Xã Đàn, Giải Phóng, những ngày đầu triển khai phân làn có sự phối hợp của các lực lượng chức năng TP Hà Nội thì giao thông có phần quy củ, nhưng chỉ sau một vài ngày thì đâu lại vào đấy. Bởi lẽ nó xuất hiện quá nhiều bất cập như tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông, và thực tế chính những giải phân cách cứng này đã cướp đi tính mạng của vài người khi đâm vào giải phân cách, còn tai nạn do va quệt thì không đếm xuể.
 
Hơn nữa, những người đề xuất làm nên dự án này lại không tính đến việc mỗi tuyến phố Hà Nội chỉ dài có vài km, hoặc vài trăm mét, trong khi đầy rẫy các ngã rẽ, thì bắt buộc người tham gia giao thông muốn sang đường thì phải đi vào phần dành cho ô tô, và như vậy, mặc dù biết phạm luật nhưng họ vẫn phải đi.
 
Chính vì vậy mà sau hơn 2 năm áp dụng (bắt đầu từ 2011) dự án tiêu tốn hàng chục tỷ đồng của Nhà nước đã không phát huy hiệu quả, và ngành giao thông chấp nhận cho công trình phơi nắng, phơi sương mà không giám đề xuất với thành phố để tháo dỡ các giải phân cách này. Bởi họ không dám một lần nữa phải đối mặt với “búa rìu” của dư luận.
 
Dự án phân làn giao thông tạm thời lắng xuống thì bước sang năm 2012, Sở GTVT Hà Nội lại bắt đầu “khởi động” lại một loạt dự án mới như cầu vượt dành cho người đi bộ, và một loạt cầu vượt khác bắc qua các ngã ba, ngã tư. Những dự án này tiêu tốn lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng dù sao cũng nhận được sự ủng hộ của dư luận, bởi nó cho thấy phần nào phát huy hiệu quả, giao thông Thủ đô trong năm 2012 giảm tình trạng ùn tắc giao thông một cách rõ rệt, và như vậy, chính trong năm này, Sở GTVT Hà Nội đã “ghi điểm” được với UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT và dư luận.
 
Nhưng bước sang năm 2013, Sở GTVT Hà Nội lại đột ngột đề xuất được phá bỏ, sữa chưa và điều chỉnh lại những dự án dù chỉ mới đưa vào sử dụng được một vài năm như: Cầu vượt dành cho người đi bộ tại nút giao thông Trần Khát Chân- Đại Cồ Việt, Phố Huế, Bạch Mai, để thay vào đó là cầu vượt dài hơn 350m, rộng 11m tuyến Đại Cồ Việt- Trần Khát Chân được khởi công rầm rộ vào tháng 2-2013.
 
Cùng chung số phận là cầu vượt dành cho người đi bộ tại phố Nguyễn Chí Thanh, tại ngõ 25,27 được “khai sinh” dưới sự phản ứng quyết liệt của người dân phường Ngọc Khánh, nhưng các ngành chức năng TP Hà Nội vẫn quyết thực hiện để đòn chào dịp lễ ký niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Sau một năm đưa vào sử dụng, cây cầu hầu như vắng bóng người qua lại. Để rồi sắp tới đây, cây cầu này bắt đầu bị “khai tử” để nhường chỗ cho cầu vượt Nguyễn Chí Thanh-Liễu Giai dài 276m, rộng 17m.
 
Không chỉ có các cầu vượt bộ hành bị dỡ bỏ, mà ngay cả cầu vượt tại ngã tư Láng Hạ- Huỳnh Thúc Kháng mới đưa vào sử dụng trong năm 2012 với tổng mức lên tới 67 tỷ đồng từ tiền ngân sách thành phố, thì bước sang năm 2013, Sở GTVT Hà Nội lại đề xuất được điều chỉnh lại cây cầu để phục vụ cho tuyến buýt nhanh với kinh phí dự kiến lên tới cả chục tỷ đồng, khiến cho dư luận hết sức bất bình vì sự lãng phí tiền của do nhân nhân dân đóng thuế. Nhiều người đã đặt câu hỏi, phải chăng ngành giao thông Hà Nội do thiếu tầm nhìn hay do tư duy nhiệm kỳ, và cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí nói trên?
 
“Các ý kiến tâm huyết bị “xếp xó””?
 
Trao đổi với PV, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay: ‘Việc ngành giao thông Hà Nội xây cầu vượt đoạn Láng Hạ- Huỳnh Thúc Kháng lên tới 67 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng được 1 năm lại phải bỏ cả chục tỷ đồng để gia cố cho tuyến xe buýt nhanh đi qua, là một điều lãng phí, thể hiện công tác chuẩn bị và tầm nhìn hạn chế. Mặc dù trước đó, vào năm 2004, Sở GTVT Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng hạ tầng tuyến xe buýt nhanh sẽ đi qua các tuyến phố này”.
 
Còn theo một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, trước đây công tác tại Vụ Pháp chế- Bộ GTVT cho hay: Việc Sở GTVT Hà Nội đề xuất xây cầu bộ hành đoạn Đại Cồ Việt- Trần Khát Chân trước đây, những giáo sư, tiến sĩ trong lĩnh vực giao thông vận tải đã phản ứng quyết liệt, đồng thời còn để nghị với ngành giao thông Thủ đô không nên xây dựng cây cầu này, vì nó quá lãng phí và không hiệu quả. Tuy nhiên, những lời góp ý chân thành và tâm huyết vẫn bị “xếp xó” để rồi, đến nay, cây cầu mới đưa vào sử dụng được vài năm thì bị dỡ bỏ.
Dải phân cách vô tác dụng sau thời gian triển khai ở Hà Nội
Dải phân cách vô tác dụng sau thời gian triển khai ở Hà Nội
 
Cũng theo chuyên gia này:  Việc đặt cầu đi bộ ở những vị trí vắng người qua lại là không phù hợp, không tương xứng với con số gần chục tỉ đồng bỏ ra cho một cây cầu như vậy. Hơn nữa, đây là tiền mồ hôi nước mắt của dân, cho nên một đồng cũng quý, không phải cứ nghĩ ra việc gì là đề xuất để làm cho bằng được, mà không có tầm nhìn dài hạn. Không biết những người “xài” tiền Nhà nước có khi nào nghĩ đến  các cháu ở vùng sâu, vùng xa phải đi chân trần, mặc quần áo rách đi học, thậm chí phải đu dây qua các con sông đến trường?
 
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho hay: Việc Sở GTVT đề xuất với UBND TP Hà Nội cho phép bỏ các cầu bộ hành, để xây dựng cầu mới thể hiện tầm nhìn và sự phân tích không được đầy đủ, chu đáo. Bởi lẽ, khi đầu tư một cây cầu, kể cả cầu tạm thì số tiền bỏ ra cũng lên tới hàng chục tỷ đồng, bây giờ lại phá đi để xây lại sẽ rất lãng phí và tốn kém. Nếu ngành giao thông cứ làm như vậy thì không biết trong tương lai có bao nhiêu công trình kiểu như thế này phải dỡ bỏ đi; hơn nữa, nó cũng phần nào ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
 
Giao sư Thuyết cho biết thêm: Trước hết, UBND TP Hà Nội nên yêu cầu Sở GTVT phải báo cáo và phân tích thật kỹ những chi phí tốn kém, nếu đầu tư xây dựng cầu mới. Nếu kinh phí để chỉnh trang cầu mới mà ít so với cầu cũ thì làm được, mà chắc chắn là không có thực tế. Việc phá bỏ cầu cũ để xây cầu mới là do tính toán không kỹ, và sẽ không bảo đảm được giao thông thông suốt, nếu tình trạng này cứ diễn ra thì quả thật rất đáng lo ngại. UBND TP Hà Nội cần chấn chỉnh các sở, ban ngành thuộc thành phố để làm sao, các kế hoạch đưa ra phải có tầm nhìn, tránh lãng phí tiền của cho thành phố cũng như đất nước.
 
Về trách nhiệm đối với những cá nhân, tập thể khi trình các phương án gây lãng phí cho tiền ngân sách, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm: “Cần phải xử lý trách nhiệm của cán bộ công chức, việc này đều có trong quy định. Vì nếu một kế hoạch được trình lên không chính đáng sẽ gây ra tốn kém và không giải quyết được thực tế. Các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm cần có biện pháp xử lý những người đã tham mưu, ban hành những văn bản và duyệt các dự án phi thực tế, gây tốn kém, không tạo được sự đồng thuận của xã hội!
 
Nhóm PVXH
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang