Lấy ráy tai “phê” nhưng dễ bị HIV

author 06:53 01/05/2014

(VietQ.vn) – Lấy ráy tai có thể làm thủng màng nhĩ, viêm nhiễm, chảy máu... nguy hiểm hơn là có thể bị HIV khiến nhiều người lo sợ.

Dễ “tai nạn” lớn từ việc nhỏ

Ráy tai thường bị buộc tội là "rác rưởi" gây cản trở âm thanh, ngứa ngáy, khó chịu... Vì vậy, nhiều người thường xuyên lấy ráy tai như một thú tiêu khiển, cứ vài ngày lại đến hiệu cắt tóc lấy ráy tai thư giãn. Họ giao số phận của mình cho các chủ tiệm cắt tóc “vườn”, để rồi có thể bị lây nhiễm HIV do không vệ sinh dụng cụ hoặc lấy ráy tai không an toàn.

Lấy ráy tai thường xuyên không vệ sinh dụng cụ có thể lây nhiễm HIV

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, anh Trần Văn Trung (Hoàng Mai, Hà Nội) tỏ ra lo lắng: “Tôi “nghiền” cảm giác lấy ráy tai nên tuần nào cũng ra tiệm cắt tóc. Nhưng nghe người nhà nói, nếu dùng chung dụng cụ lấy ráy tai với người bị HIV thì rất dễ bị lây nhiễm khiến tôi thấy lo lo. Thời gian trước, tôi đã nhiều lần đi lấy ráy tai ở tiệm cắt tóc không kiểm tra dụng cụ trước khi làm, không biết có bị sao không nữa?”.

Cũng theo anh Trung cho biết, mỗi lần lấy ráy tai giá khoảng 10.000đ – 15.000đ trong khoảng thời gian 20 phút, làm cơ thể được thư giãn, thoải mái. Do đó, nhiều người không cắt tóc vẫn có thói quen lấy ráy tai đúng định kỳ.

Đặt câu hỏi về việc vệ sinh và an toàn khi lấy ráy tai, PV được anh Bùi Tuấn Anh (chủ tiệm cắt tóc X tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Do khách đông nên nhiều khi khâu vệ sinh cũng “lơ đãng”, mà khách hàng cũng không yêu cầu vệ sinh lại dụng cụ lấy ráy tai nên thôi bỏ qua”. 

Anh Mai Văn Hải (Từ Liêm, Hà Nội) tỏ rõ bức xúc: “Sau khi lấy ráy tai cho khách thì phải vệ sinh dụng cụ lấy ráy tai, nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho các vị khách tiếp theo là trách nhiệm của các tiệm cắt tóc nên làm. Để tình trạng lây bệnh từ các dụng cụ lấy ráy tai thì không thể chấp nhận được”.

Không chỉ trở thành “con nghiện” của dịch vụ lấy ráy tai ở các tiệm cắt tóc, mà những người lỡ cạo, ngoáy lỗ tai của mình mỗi khi hớt tóc còn đối mặt với nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Tiềm ẩn nhiều bệnh tật

Theo BS. Nguyễn Thành Lợi - Trưởng khoa Tai (Bệnh viện Tai - Mũi- Họng TPHCM) cho biết, lỗ tai con người có cơ chế tự bảo vệ và làm sạch nhờ nang lông và tuyến ráy tai ở phần ngoài của ống tai. Nang lông vừa giúp cản bụi bẩn lọt vào ống tai và vừa “quét” bụi bẩn ra ngoài, còn chất ráy tai được tiết ra, di chuyển chậm và liên tục mang theo bụi dơ hay biểu bì từ trong ra ngoài, tự động khô và rơi ra cửa tai. Vì vậy làm sạch lông tai để lấy ráy tai theo cách mà tiệm hớt tóc hay làm là điều hoàn toàn không nên. Ngoài ra, số lần lấy ráy tai càng tăng thì ráy tai càng nhiều, do tuyến ráy tai bị kích thích.

Theo các chuyên gia cho biết, các dụng cụ lấy ráy tai ngoài tiệm cắt tóc thường không vô trùng, bằng kim loại dễ gây tổn thương đến các bộ phận của tai, bởi người lấy ráy tai không rành chuyên môn, không biết cấu trúc của tai. Nếu lỡ tay làm trầy ống tai gây chảy máu, nhiễm trùng dẫn đến các bệnh về lây truyền như HIV, viêm tai ngoài, viêm tai giữa…

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên tự mình hoặc nhờ người khác ngoáy tai, móc tai, lấy ráy tai. Không cho nước vào tai, không tự nhỏ bất kỳ một loại thuốc nào vào tai, đặc biệt là những trường hợp đã thủng màng nhỉ. Ngay khi phát hiện có dấu hiệu bất thường, chảy máu ở tai cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để có hướng điều trị đúng và kịp thời.

Tuấn Kiệt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang