Lễ hội đặc sắc trong tháng 8 âm lịch

author 07:42 05/09/2014

(VietQ.vn) – Phong phú, sâu sắc với nhiều hoạt động phần lễ, sôi động ở phần hội, đến hẹn lại lên các lễ hội truyền thống vào tháng Tám âm lịch lại diễn ra sôi nổi.

Những tiếng trống hội hùng vang sông núi, những nghi thức tâm linh mang hồn thiêng dân tộc hay những điệu múa, lời ca hào hùng chính là tâm điểm du lịch lễ hội trong tháng Tám âm lịch ở nhiều địa phương trên cả nước như Lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa), Lễ hội đền Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương), hội đền Đồng Bằng (Thái Bình), lễ hội Lăng Tứ Kiệt (Tiền Giang),  hội Nghinh Ông (Bình Thuận).

Lễ hội Lam Kinh (Thọ Xuân – Thanh Hóa)

Lễ hội Lam Kinh Thanh Hóa. Ảnh minh họa

Lễ hội Lam Kinh Thanh Hóa. Ảnh minh họa

Lễ Hội Lam Kinh được tổ chức tại khu di tích Lam Kinh, Thọ Xuân, Thanh Hóa, đây là một trong những lễ hội diễn ra vào ngày 22/8 âm lịch hàng năm với quy mô hoành tráng để tưởng nhớ công ơn của anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vị vua Lê, các tướng sỹ và nhân dân có công trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Phần đại lễ được tổ chức theo nghi thức cổ truyền, chủ tế đọc chúc văn để ca ngợi công lao của các vị anh hùng dân tộc, sau đó tổ chức rước kiệu về đền thờ vua Lê Thái Tổ và Lê Lai để làm lễ yên vị. Phần hội tiếp nối là những chương trình tái hiện sự kiện như “Hội thề Lũng Nhai”, “Dòng suối”, “Lê Lai cứu chúa”… rồi đến các trò múa hát dân gian mang đặc sắc xứ Thanh, đó là nét đẹp truyền thống văn hóa tâm linh của lễ hội được duy trì trong suốt lịch sử dân tộc.

Lễ hội đền Côn Sơn – Kiếp Bạc (Chí Linh – Hải Dương)

Lễ hội đền Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). Ảnh minh họa

Lễ hội đền Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). Ảnh minh họa

Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vị anh hùng Nguyễn Trãi, là chốn tổ của thiền phái Phật giáo trúc lâm thời Trần, trở thành lễ hội không thể thiếu trong đời sống tâm linh Việt diễn ra từ ngày 15-20/8 âm lịch hàng năm.

Mở hội bằng Lễ Cáo yết diễn ra vào ngày 10/8 âm lịch, tiếp nối lễ hội là lễ Khai ấn diễn ra vào ngày 16/8 và điểm nhấn là lễ hội quân trên sông Lục Đầu nhằm làm sáng lại hào khí Đông A của dân tộc ta. Và kết thúc lễ hội là lễ giỗ Đức Thánh Trần diễn ra vào ngày 20/8 tại núi Mâm Xôi và đền Kiếp Bạc thu hút khách du lịch tâm linh đến tham dự.

Hội đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ - Thái Bình)

Hội đền Đồng Bằng (Thái Bình). Ảnh minh họa

Hội đền Đồng Bằng (Thái Bình). Ảnh minh họa

Cứ đến ngày 20/8 âm lịch hàng năm, hàng nghìn du khách thập phương lại về đền Đồng Bằng để dâng hương đức vua cha Bát Hải Động Đình và tưởng nhớ ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nhằm khơi dậy cho thế hệ trẻ hướng về cội nguồn và lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Phần lễ có các nghi lễ tế thần, dâng hương, diễn lại tích xưa vua cha đi đánh giặc, phần hội sôi động với những trò chơi mang đậm tính dân gian như hát văn , kéo co, chọi gà, cờ tướng. Đến với lễ hội, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều đồ tế khí có giá trị, các bài vị từ thời Nguyễn, những công trình kiến trúc đồ gỗ độc đáo như cuốn thư, câu đối, đại vị từ thời Khải Định, Bảo Đại.

Hội Nghinh Ông (Phan Thiết – Bình Thuận)

Hội Nghinh ông (Bình Thuận). Ảnh minh họa

Hội Nghinh Ông (Bình Thuận). Ảnh minh họa

Tái hiện hình ảnh các nhân vật trong truyền thuyết văn hóa , lễ hội Nghinh Ông diễn ra vào Rằm tháng Tám âm lịch hàng năm ở Phan Thiết, Bình Thuận mang đầy đủ phong tục, tập quán, tín ngưỡng của người Hoa ở Phan Thiết.

Vào mùa lễ hội, người dân thắp nhanh cúng kiếng để cung chúc quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa và cuộc sống sung túc bao gồm các hoạt động lễ Nghinh Ông, lễ cúng tiền vãng, lễ cúng chánh tế, xây chầu đại bội và thả đèn hoa đăng.  Cùng với thuyền cái rước Ông Nam Hải có trang bị dàn nhạc ngũ âm, múa lân, trống, nhạc, trang trí cờ hoa, hàng chục thuyền lớn nhỏ cũng trang hoàng lộng lẫy, cờ hoa rực rỡ tháp tùng ra biển.

Lễ hội Lăng Tứ Kiệt ( Cai Lậy – Tiền Giang)

Lễ hội Lăng Tứ Kiệt (Tiền Giang). Ảnh minh họa

Lễ hội Lăng Tứ Kiệt (Tiền Giang). Ảnh minh họa

Diễn ra từ 15-16/8 âm lịch, lễ hội Lăng Tứ Kiệt được tổ chức để tưởng nhớ bốn bị anh hùng của quê hương Tiền Giang: Ngô Tấn Đước,Nguyễn Thanh Long,  Trương Văn Rộng và Trần Công Thận, các ông đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên quê hương Tiền Giang.

Đến với lễ hội Lăng Tứ Kiệt du khách sẽ hiểu thêm về tấm lòng của người dân địa phương với bốn ông – những người góp phần tô điểm cho bốn chữ vàng “Địa linh nhân kiệt” luôn ngời sáng ở đất Tiền Giang.

Cao Huyền


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang