Loạn cảnh báo ung thư, người Việt đang tự hù dọa mình!

author 05:54 25/04/2016

(VietQ.vn) - Loạn cảnh báo ung thư, người dùng hoang mang nhưng theo các chuyên gia: Đừng tự hù dọa mình về những nguyên nhân chưa được kiểm chứng.

Không phải ai cũng biết rõ về ung thư

Mỗi năm căn bệnh thế kỷ HIV có hơn 2.200 người chết, còn ung thư là 75.000 người chết, trong số 150.000 người mắc mới.

Có thể nói, tỉ lệ ung thư ngày càng gia tăng ở Việt Nam là có thật, tỉ lệ người tử vong về ung thư đang ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới cũng là thật, dự đoán 5 năm nữa, ung thư sẽ thành đại dịch ở Việt Nam cũng là thật.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn với nhau rằng: Không phải ai cũng biết rõ về ung thư, hiện tỷ lệ hiểu biết cơ bản đúng của người dân về ung thư còn rất thấp. Kết quả nghiên cứu gần đây của Hội Ung thư Việt Nam tại 12 tỉnh thành cho thấy 67,2% số người được hỏi cho rằng ung thư là bệnh nan y, việc phát hiện sớm muộn gì cũng thế. 35,8% người nghĩ ung thư nếu đụng dao kéo vào sẽ di căn sớm và chóng chết…

Không ít người dân Việt Nam tin rằng Việt Nam đang “nhất thế giới” về tỷ lệ người mắc ung thư. Tuy nhiên, thống kê của các tổ chức quốc tế uy tín cho thấy Việt Nam không nằm trong top đầu những quốc gia có tỷ lệ dân số tử vong và mắc ung thư cao nhất.

Trong xếp hạng 172 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ chết vì bệnh ung thư do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tháng 5/2014, Việt Nam đứng ở vị trí 78. Tỷ lệ chết vì ung thư ở Việt Nam còn thấp hơn ở một số nước láng giềng trong khu vực như Lào và Myanmar.

Việt Nam không nằm trong top đầu những nước mắc ung thư cao nhất.

Thời gian gần đây, nhiều người dân Việt “đổ lỗi” cho sự đầu độc của thực phẩm bẩn là nguyên nhân chính khiến Việt Nam có nhiều người mắc bệnh ung thư. Người dân càng trở nên sợ hãi hơn khi ĐBQH Trần Đại Vinh đã phải thốt lên: “Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế!”.

Nhưng trên thực tế, theo các nhà nghiên cứu ung thư học, chế độ dinh dưỡng, thói quen ăn uống chỉ đóng vai trò khoảng 30-35% trong các nguyên nhân gây bệnh ung thư, 65% còn lại là từ các nguyên nhân khác. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng phải trấn an rằng: Việc mắc bệnh ung thư không dễ và ung thư do nhiều nguyên nhân di truyền, ô nhiễm môi trường chứ không phải chỉ do chất cấm, thức ăn bẩn.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nêu ra một số yếu tố nguy cơ cao gây ung thư trong đó có: Khói thuốc lá, thiếu vận động thân thể, uống rượu nhiều, nhiễm virut, các ung thư nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường thành thị, khói bụi trong nhà do nấu nướng với nhiên liệu rắn…

Loạn cảnh báo nguy cơ ung thư

Cũng vì không có nhiều thông tin đầy đủ về ung thư nên đã từ lâu, các bà nội trợ luôn phải loay hoay “tối nay ăn gì” khi cứ sau mỗi bài báo, họ lại phải âm thầm loại bỏ một vài món ra khỏi thực đơn. Hầu như mỗi ngày họ đều đọc được những bài viết cảnh báo về ung thư khiến con người ta phải rùng mình sợ hãi.

Ăn nhiều bánh mỳ trắng, bỏng ngô gây ung thư phổi, ăn cơm nguội gây ung thư dạ dày, ăn thịt, ăn bún phở, ăn nhiều đường, uống nước trong chai nhựa… cũng gây ung thư, thậm chí có cả tin đồn thất thiệt ăn bưởi cũng gây… ung thư vú.

Trong một cuộc trò chuyện với PV Chất lượng Việt Nam, Ths.Bs. Lê Thị Hải – Nguyên Giám Đốc Trung tâm Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc Gia đã phải than thở: “Cứ nói cơm nguội gây ung thư nhưng hàng ngày, tôi vẫn ăn cơm nguội thường xuyên”, thậm chí, “có người cả tuần nấu cơm đúng 1 lần, để cơm hộp trong tủ lạnh, mỗi lần đi làm về cho cơm vào lò vi sóng, hâm nóng lên ăn. Tôi thấy có sao đâu!” – BS.Hải nói.

Những ngày qua, người tiêu dùng Việt cũng hết sức hoang mang trước thông tin hàu nuôi vùng đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) bị nhiễm chất độc từ lốp cao su có thể gây bệnh đường ruột, ung thư. Bởi lẽ gần 10 năm trở lại đây, người dân đã sáng kiến ra cách sử dụng những chiếc lốp xe cũ, kết từng chuỗi dài giăng cách mặt nước chừng 30cm để nuôi hàu thay vì dùng cọc gỗ đóng xuống đầm.

Tuy nhiên, trấn an hơn 320 hộ dân ở Lăng Cô đang sống dựa vào việc nuôi hàu, TS. Hoàng Thái Long, Trưởng Khoa hóa, Trường ĐHKH Huế nói: “Để xác định các chất nhả ra từ lốp cao su được sử dụng trong nuôi hàu có gây hại sức khỏe con người đến mức đáng sợ hay không thì các nhà chuyên môn cần phải nghiên cứu, đánh giá một cách thận trọng và có căn cứ chứ không thể nói theo đám đông, nói một cách cảm tính rồi cấm là không được vì đây là câu chuyện liên quan đến hàng ngàn lao động”.

Gần đây nhất, “nạn nhân” của tình trạng loạn cảnh báo này là đậu nành, tinh chất mầm đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành. Hàng loạt các bài báo đưa tin về đậu nành với những cái “tít” giật gân như: “tác hại không ngờ của đậu nành”, “đậu nành: Thần dược hay độc dược”, “đậu nành gây ung thư”... khiến dư luận khá hoang mang.

Tinh chất mầm đậu nành bị "oan" khi mới đây bị gắn mác "gây ung thư". Ảnh minh họa: Internet.

Những sản phẩm như đậu tương (đậu nành) vốn là món ăn truyền thống không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác trên thế giới, như Nhật Bản. Trong khi đó, Nhật Bản lại là quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới và tỷ lệ mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư ở đây cũng thuộc hàng thấp nhất toàn cầu.

Giáo sư người Anh nổi tiếng Jane Plant - sau 27 năm chiến đấu thành công với căn bệnh ung thư vú, bà đã viết một cuốn sách đưa ra 10 bước để giảm nguy cơ ung thư cũng như chiến thắng căn bệnh quái ác này. Trong 10 nhóm thực phẩm mà Giáo sư Jane Plant khuyên người dùng nên sử dụng để “đánh bại” ung thư có tên của một món ăn rất quen thuộc của người Việt đó là đậu phụ.

Theo khảo sát của phóng viên, tại Việt Nam, bản thân một số nữ y bác sỹ ở Viện Dinh dưỡng Quốc gia vẫn uống các chế phẩm chiết xuất từ tinh chất mầm đậu tương và dùng thường xuyên sữa đậu nành uống, họ coi đó là một “bí quyết” để trẻ lâu và đẹp da, ngăn ngừa sự lão hóa...

Kết quả từ thực tế cũng cho thấy: Những người ăn chay, sử dụng nhiều đậu phụ trong bữa ăn hàng ngày, họ vẫn sống rất khỏe mạnh. Và điều quan trọng là: Cho tới thời điểm này, Bộ Y tế vẫn chưa có cảnh báo chính thức nào về mầm đậu nành gây ung thư.

GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội phòng chống ung thư Việt Nam cũng khẳng định: “Không có cơ sở khoa học khẳng định mầm đậu nành gây ung thư”.

Đối với ung thư và đặc biệt là ung thư vú, nhiều người cẩn thận vẫn đề nghị bệnh nhân nên cẩn trọng hoặc dùng hạn chế các sản phẩm từ đậu nành, mầm đậu nành do có chứa estrogen.

Tuy nhiên, thực chất, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cũng đã nói: Người bị ung thư dùng ở mức bình thường thì không sao hết và cũng chưa có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định vấn đề này. Thậm chí nhiều nhóm ý kiến cho rằng: Tinh chất mầm đậu nành còn làm giảm khả năng bị ung thư. 

Có lẽ vì có quá nhiều những tin đồn thất thiệt mà trên thế giới, một tổ chức kiểm soát ung thư độc lập của Australia với tên gọi Hội đồng Ung thư Australia đã thành lập hẳn một trang mạng để phản bác những thông tin khiến mọi người lo ngại. Theo trang này, những yếu tố gây ung thư đang được đồn đại như mặc áo ngực khi ngủ, đặt laptop lên đùi đều không có cơ sở và bạn có thể thôi lo ngại về chúng.

Tại Việt Nam, thiết nghĩ, người Việt Nam cũng không nên quá lo lắng trước những luồng thông tin thiếu kiểm chứng. Sự nhiễu loạn thông tin có thể làm người dùng ngày càng hoang mang nhưng là một “người tiêu dùng thông minh”, chúng ta nên tỉnh táo và có “một cái đầu” đủ “lạnh” để đừng lâm vào tình trạng tự hù dọa mình!

>> Bia Heineken tẩy xóa hạn sử dụng: 'Muốn xóa dấu vết vì hành vi gian dối'?

Dương Phương Ngọc


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang