Phát hiện nhiều vi phạm đo lường mang tính công nghệ cao

authorThanh Uyên 11:47 30/07/2015

(VietQ.vn) - Qua 5 năm Luật Đo lường đi vào cuộc sống, điểm nổi bật nhất là nhận thức về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, người dân trong hoạt động đo lường đã được có chuyển biến rõ rệt.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Luật Đo lường được ban hành và có hiệu lực được coi là bước tiến mới nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh và công bằng trong hoạt động giao thương. Đánh giá về những kết quả sau gần 5 năm luật đi vào cuộc sống, ông Nguyễn Hùng Điệp, Vụ trưởng Vụ Đo lường  - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã có cuộc trao đổi với Chất lượng Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, gần 5  năm Luật Đo lường chính thức có hiệu lực, điểm nổi bật nhất ghi nhận được từ khi Luật này đi vào cuộc sống là gì?

Ông Nguyễn Hùng Điệp: Sau gần 5 năm Luật Đo lường chính thức có hiệu lực, một số điểm nổi bật đã đạt được từ khi Luật Đo lường này đi vào cuộc sống đó là:

Hoàn thiện, đổi mới hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đo lường, giảm số lượng văn bản (từ 12 văn bản xuống còn 7 văn bản); tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về đo lường;

Tăng cường quản lý trong các lĩnh vực quản lý của các Bộ, ngành (như trong kinh doanh xăng dầu, điện, nước, vàng trang sức mỹ nghệ, khí dầu mỏ hóa lỏng, vận tải bằng taxi, trang thiết bị y tế; hoạt động quan trắc môi trường; trong công tác thanh tra, kiểm tra của Thanh tra giao thông vận tải, Công an, quản lý thị trường...);

Năng lực kỹ thuật, nhân lực về đo lường của các cơ quan nhà nước về đo lường địa phương đã được tăng cường, nâng cao thông qua thực hiện Quyết định 317/QĐ-TTg ngày 15/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án nâng cao năng lực của trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường đặc biệt là hình thức kiểm tra đặc thù đã bước đầu phát huy tác dụng giúp cho cơ quan quản lý đo lường ở địa phương phát hiện được nhiều hành vi vi phạm pháp luật về đo lường mang tính công nghệ cao.

Hình thức xử lý vi phạm pháp luật về đo lường áp dụng phạt tiền với mức  bằng từ 01 đến 05 lần số tiền thu lợi bất chính do vi phạm pháp luật về đo lường mà có đã có tác dụng răn đe các đối tượng vi phạm pháp luật về đo lường.

Điểm nổi bật nhất là nhận thức về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, người dân trong hoạt động đo lường đã được có chuyển biến rõ rệt.

PV: Hoạt động quản lý về đo lường được Tổng cục TCĐLCL, cơ quan trực thuộc, chi cục  TCĐLCL địa phương nỗ lực thực hiện nhằm giảm thiểu các sai phạm về đo lường. Những kết quả đạt được trong thời gian qua như thế nào?

Ông Nguyễn Hùng Điệp: Thời gian qua, Tổng cục TCĐLCL, cơ quan trực thuộc, chi cục TCĐLCL địa phương đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các mặt công tác quản lý nhà nước nhằm giảm thiểu các sai phạm về đo lường, góp phần bảo vệ công bằng trong xã hội, góp phần vào việc đáp ứng được ngày càng nhiều hơn nhu cầu về đo lường của doanh nghiệp, của người dân. Có thể lấy một số ví dụ như sau:

Năm 2014 của Sở KH&CN Nghệ An đã chủ trì, phát hiện và xử lý 11 cơ sở kinh doanh xăng dầu có hành vi sử dụng cột đo xăng dầu có chương trình điều khiển bí mật để thu lợi bất chính đồng thời đã phối hợp, điều tra, phát hiện và xử lý cơ sở sản xuất, lắp đặt IC chương trình có chứa chương trình điều khiển sai phạm, 6 tháng đầu năm 2015, Sở KH&CN Đồng Nai đã kiểm tra phát hiện 58 trạm kinh doanh xăng dầu gian lận về đo lường và chất lượng, xử phạt 5,6 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với năm 2014, tăng hơn 7 lần với cả giai đoạn 2010 – 2014. 

Ngoài ra, đã tạo nên một hiệu ứng rất mạnh lan tỏa đến các doanh nghiệp là đồng loạt trong một thời gian ngắn, có trên 200 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chủ động cho dừng hoạt động các trụ bơm có sai số đo lường để xin sữa chữa, thay trụ mới và xin kiểm định lại các phương tiện đo xăng dầu. Góp phần xóa bỏ quan hệ bao che, bảo kê cho các doanh nghiệp gian lận trong kinh doanh xăng dầu.   

5 năm luật đo lường đi vào cuộc sống

Kiểm tra sử dụng bộ ca đong, bình đong và kiểm tra đối chứng tại Yên Bái

PV: Người tiêu dùng cần cảnh giác với những chiêu "móc túi" nào của gian thương xăng dầu?

Ông Nguyễn Hùng Điệp: Do tâm lý của người tiêu dùng thường chú ý vào thao tác mở nắp bình xăng và không để ý đến điểm không của cột đo xăng dầu hoặc do một số nguyên nhân khác như vội,... nên gian thương thường lợi dụng sự mất cảnh giác này mà không chuyển số chỉ thị về “0” trước khi thao tác bán xăng dầu cho khách hàng tiếp theo, tức là thực hiện bơm nối.

Ví dụ như: một xe máy trước mua 50.000 đồng, không đưa về “0” mà thực hiện bơm nối cho khách tiếp theo 500.000 đồng chẳn hạn. Nhìn chỉ thị là 500.000 đồng nhưng thực chất người tiêu dùng chỉ nhận được 450.000 đ (tức là gian thương đã lấy 50.000 đồng). 

Do vậy, lời khuyên đối với người tiêu dùng là cần cảnh giác với chiêu "bơm nối" của gian thương xăng dầu.

PV: Ông ghi nhận thế nào về kết quả phát hiện và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu tại địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian qua?

Ông Nguyễn Hùng Điệp: Kết quả phát hiện và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu tại địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian qua đã cho chúng ta thấy rằng: tăng cường thanh tra, kiểm tra (trong đó chú trọng hình thức kiểm tra đặc thù trong hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường theo Thông tư số 28/2014/TT-BKHCN ngày tháng năm 2014 của Bộ KH&CN) sẽ giúp cho Sở KH&CN, Chi cục TCĐLCL địa phương nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý đo lường ở địa phương, hạn chế vi phạm pháp luật về đo lường trong kinh doanh mua bán xăng dầu. 

5 năm luật đo lường đi vào cuộc sốngHoạt động thanh kiểm tra về đo lường luôn được chú trọng nhằm góp phần lành mạnh và công bằng hoạt động giao thương

PV: Trước tình hình vi phạm khá phổ biến về đo lường, theo ông cần phải có những giải pháp gì để ngăn ngừa và xử lý đồng bộ và đủ mạnh, đủ sức răn đe?

Ông Nguyễn Hùng Điệp: Theo tôi, giải pháp tổng quan để ngăn ngừa và xử lý đồng bộ và đủ mạnh, đủ sức răn đe đó là phải  hình thành chức năng thanh tra chuyên ngành TCĐLCL ở các Chi cục TCĐLCL địa phương; Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đo lường; Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra nhà nước về đo lường theo Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN chú trọng thực hiện biện pháp kiểm tra đặc thù. Đồng thời, tiếp tục đầu tư và nâng cao năng lực quản lý, kỹ thuật cho Chi cục TCĐLCL và Trung tâm kỹ thuật TCĐLCL thuộc Chi cục.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giải pháp kỹ thuật để ngăn ngừa và xử lý vi phạm đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, cụ thể là nghiên cứu chế tạo thiết bị nhận dạng IC chính hãng sản xuất, nghiên cứu chế tạo hộp đen, máy in và phương thức gắn hộp đen, máy in vào cột đo xăng dầu. 

Với sự quyết tâm hành động một cách đồng bộ, quyết liệt và thường xuyên, tôi hy vọng rằng tình trạng vi phạm về đo lường trong thời gian tới sẽ được ngăn chặn.

Xin cảm ơn ông!

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang