Luật sư bảo vệ cựu bộ trưởng Trần Xuân Giá trong đại án 'bầu Kiên' nói gì?

author 07:53 16/04/2014

Hôm nay (16/4), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thầm vụ án “bầu” Kiên (Nguyễn Đức Kiên, SN 1964, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch HĐ sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB). Trong số 9 bị cáo của đại án này có ông Trần Xuân Giá - nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT bị truy tố tội danh có khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù giam.

Sự kiện:

Trả lời phỏng vấn của PV trước phiên xét xử, Tiến sĩ - Luật sư Lưu Tiến Dũng (nguyên Thư ký Chánh án TAND tối cao) là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Xuân Giá cho biết: Chúng tôi sẽ đưa ra những bằng chứng để chứng minh ông Giá vô tội.
 
Ông Giá đang điều trị ung thư
 
Luật sư cho biết tình hình sức khỏe của ông Trần Xuân Giá trước phiên tòa ra sao? 

Tình hình sức khỏe của thân chủ tôi, ông Trần Xuân Giá không được tốt. Ông Giá năm nay đã 75 tuổi, đang trong quá trình điều trị ung thư và một số bệnh kinh niên khác. Chủ nhật vừa rồi tôi vừa gặp ông Giá thì thấy sức khỏe của ông giảm sút rất nhiều so với trước đây và hiện ông đang điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội)
Ông Trần Xuân Giá
 
Như ông nói, ông Trần Xuân Giá tuổi đã cao và đang bị trọng bệnh, vậy Tòa án sẽ chuẩn bị biện pháp chăm sóc y tế gì để đảm bảo sức khỏe cho bị cáo trong phiên xét xử dài ngày?

Cho đến thời điểm hiện tại, tôi chưa có thông tin gì về việc này. Tuy nhiên, tôi cho rằng đối với một vụ án lớn, diễn ra nhiều ngày (dự kiến hai tuần), có bị cáo nhiều tuổi và  trong tình trạng sức khỏe không tốt như ông Giá, có lẽ Tòa án sẽ có những biện pháp để đảm bảo sức khỏe cho bị cáo.
 
Ông Giá vô tội?

Trong vai trò luật sư bảo vệ, ông đánh giá như thế nào về phần kết tội trong cáo trạng của VKSNDTC đối với ông Trần Xuân Giá?

Sau 16 tháng là luật sư của ông Trần Xuân Giá và được tiếp cận hồ sơ vụ án, tôi cho rằng chưa đủ cơ sở để truy tố ông Giá phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự. 
Ông Trần Xuân Giá (SN 1939 tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ông tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế năm 1966 ở ĐH Kinh tế Quốc dân Plekhanov (Moskva) và lấy bằng Tiến sĩ kinh tế năm 1975. Ông tham gia giảng dạy ở trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội từ năm 1966. Năm 1981, ông giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước. Năm 1993 ông làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, sau đó là Thứ trưởng Bộ KH&ĐT. Ông giữ chức Bộ trưởng Bộ KH&ĐT từ tháng 11/1996 đến tháng 8/2002 và là đại biểu Quốc hội khóa X (1997 -2002). Sau khi về hưu, ông Trần Xuân Giá làm Cố vấn HĐQT Ngân hàng ACB (11/2006 - 5/2008) và Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB (2008 - 9/2012). 

Cụ thể, đối với hành vi “ra chủ trương ủy thác gửi tiền” thì thời điểm năm 2010, khi Thường trực HĐQT ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền tại các tổ chức tín dụng thì Luật Tổ chức tín dụng năm 1997 cho phép hoạt động này. Việc này đã được chính Cơ quan CSĐT và Viện Kiểm sát nhân dân (VKSNDTC)  thừa nhận tại một bản kết luận điều tra và một bản cáo trạng trước đây. Thời điểm đó, Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 chưa có hiệu lực thì làm sao có thể nói là vi phạm luật này? 

Tới năm 2011, Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 vẫn cho phép các ngân hàng được phép tiến hành hoạt động ủy thác, chỉ có điều là “theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”. Đến ngày 2/5/2012, Thông tư 04/2012/TT-NHNN hướng dẫn về hoạt động ủy thác cũng thừa nhận hiệu lực của các giao dịch ủy thác được ký kết trước ngày văn bản này có hiệu lực. 

Như vậy, chính Thông tư 04 cũng thừa nhận rằng các tổ chức tín dụng không có nghĩa vụ phải dừng hoạt động ủy thác từ ngày Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực. Do đó, việc truy tố của VKSNDTC đối với hành vi ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền vào các tổ chức tín dụng khác là không có căn cứ. 

Đối với hành vi “ra chủ trương mua cổ phiếu” mà VKSNDTC chỉ truy tố, ông Giá và Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB chỉ ban hành chủ trương: “Cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng đầu tư để mua một số ít cổ phiếu tốt, có tính thanh khoản cao”. Việc ban hành chủ trương này là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp chức năng nhiệm vụ của Thường trực HĐQT. Như vậy, có thể thấy với các hành vi của ông Giá không cấu thành tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” như cáo trạng của VKSNDTC. 
Qua kinh nghiệm trong ngành Tòa án và hành nghề luật sư, ông đánh giá ra sao về việc Tòa án xem xét các hành vi phạm tội của ông Giá (theo kết luận của VKSNDTC)  trong phiên xử tới?

Tôi hy vọng với tinh thần cải cách tư pháp thì Tòa án sẽ xét xử công khai, khách quan, độc lập dựa trên các chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa và ghi nhận các tranh luận của các bên tại phiên tòa.  

Tôi cũng lưu ý rằng theo quy định tại Điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự thì: “Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKSNDTC truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử”. Như tôi đã trình bày ở trên, các hành vi của ông Giá đang bị truy tố là không có sức thuyết phục và thiếu cơ sở pháp lý nên tôi rất hi vọng Tòa án sẽ xem xét công minh, khách quan và độc lập. 
 
Ông đánh giá ra sao về khả năng bác bỏ phần cáo trạng buộc tội ông Trần Xuân Giá, thưa luật sư?

Tôi cho rằng tóm tắt mấy điểm nêu trên đã cho thấy không có căn cứ truy tố ông Giá. Chúng tôi sẽ đưa ra những bằng chứng, cơ sở và căn cứ khác để chứng minh các hành vi của ông Giá đang bị truy tố là không cấu thành tội “Cố ý làm trái các quy định về quản lý Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo Báo Giaothong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang