Tình tiết giảm nhẹ cho tài xế taxi "điên" đâm hàng loạt xe máy trên cầu vượt

author 16:07 09/11/2015

(VietQ.vn) - Luật sư Trương Quốc Hòe cho rằng, tài xế taxi bị rượt đuổi rồi gây tai nạn trong trạng thái hoảng sợ, nhưng đây chỉ là tình tiết giảm nhẹ.

Công an Hà Nội cho biết, lúc 3g sáng ngày 9/11, các nạn nhân trong vụ tai nạn liên hoàn trên cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc đang được chăm sóc y tế tích cực. Một nạn nhân tên Hoàng đã tử vong.

Thông tin từ nhiều nhân chứng đã xác định được cơ bản tình tiết của vụ tai nạn. Cụ thể, trước khi xảy ra tai nạn, lái xe taxi bị hai thanh niên đi trên một chiếc xe bán tải chặn lại vì chèn nhau từ trước.

tai nạn cầu vượt Thái Hà Chùa Bộc

Hiện trường vụ tai nạn

Khi hai thanh niên xuống chặn đầu xe, lái xe taxi sợ bị đánh nên đã rồ ga phóng đi, hất một thanh niên lên ca-pô xe. Thanh niên còn lại liền lên xe bán tải đuổi theo.

Cả hai xe đều chạy tốc độ cao theo hướng từ Ngã Tư Sở về Ô Chợ Dừa. Khi lên đoạn giữa cầu vượt, lái xe taxi đã tông vào hai xe máy đầu tiên khiến thanh niên trên nắp ca-pô rơi xuống và các nạn nhân trên xe máy rớt gục xuống đường.

Tiếp đó, lái xe lao thêm khoảng 30m rồi tông vào nhiều xe máy ở làn đường ngược chiều làm nhiều người bị thương nặng.

Sau đó, chiếc xe đâm ngang đường về hướng lan can bên trái của cầu vượt. Lái xe do quá hoảng sợ nên đã mở cửa xe, lao ra và nhảy từ trên cầu vượt xuống đường với độ cao gần 5m.

Sáng 9/11, trao đổi với phóng viên, Trung tá Lê Tú, Đội trưởng CSGT 3, Công an TP. Hà Nội cho biết, tài xế taxi là Đặng Ngọc Cương (41 tuổi ở Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau khi đâm 7 xe máy đã nhảy xuống cầu tự tử và bất tỉnh, được đưa vào Bệnh viện Đại học Y cấp cứu trong tình trạng chấn thương sọ não.

Trong 7 nạn nhân nhập viện, một người đàn ông đã tử vong, nhiều người khác nguy kịch. "Tạm thời chưa thấy biểu hiện bất thường của tài xế cũng như việc có sử dụng bia rượu khi lái xe", trung tá Lê Tú cho biết thêm.

Liên quan đến vụ tai nạn nghiêm trọng trên, hiện trên nhiều diễn đàn đang xảy ra tranh luận sôi nổi về trách nhiệm của tài xế taxi và nhóm thanh niên trong xe bán tải?

Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam, luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, cho rằng vụ việc này rất nghiêm trọng và đủ mức để có thể khởi tố vụ án.

Theo luật sư Hòe, cho dù tài xế taxi gây tai nạn trong trạng thái hoảng sợ nhưng vẫn cấu thành tội.

luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla

Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla

“Khi đã tham gia chạy taxi thì người đó phải được đào tạo về nghiệp vụ, đảm bảo an toàn giao thông là trách nhiệm hàng đầu. Trong trường hợp này, khi tài xế bị nhóm thanh niên rượt đuổi dọa đánh có thể gây nguy hại đến tính mạng, tài sản thì cũng chỉ là tình tiết giảm nhẹ. Tài xế taxi có thể xử lí bằng cách dừng xe lại cố thủ trong xe, nhờ sự hỗ trợ của người dân và lực lượng chức năng. Không thể có chuyện anh thấy người ta rượt đuổi rồi cũng cố chạy, rất nguy hiểm cho những người khác. Người lái taxi lựa chọn phương án bỏ chạy là không đúng”, luật sư Hòe đánh giá.

Về trách nhiệm của nhóm người trong xe bán tải, luật sư Hòe cho rằng rõ ràng hai thanh niên này đã vi phạm các quy định về trật tự an toàn gia thông.  

“Hậu quả của vụ việc là một loạt tai nạn liên hoàn trên cầu vượt. Tuy nhiên, người gây tai nạn là tài xế taxi chứ không phải là xe bán tải. Do đó, nhóm người trong xe bán tải chỉ có thể bị khởi tố với tội danh khác như gây rối trật tự nơi công cộng”, Luật sư Hòe nói.

Vị luật sư nhấn mạnh, hành vi của nhóm thanh niên trong xe bán tải là hành vi côn đồ. Chi tiết dọa nạt tài xế có thể là tình tiết tăng nặng.

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương xảy ra nhiều “cuộc chiến đẫm máu” gây hậu quả nghiêm trọng chỉ vì những vụ va chạm giao thông rất nhỏ trên đường. Điều đó khiến chúng ta không thể không nhìn lại văn hóa giao thông của người Việt.

Tại một hội thảo bàn về giải pháp xây dựng văn hóa giao thông diễn ra tại TPHCM, các chuyên gia tâm lý tham dự hội thảo đều nhận định, nguyên nhân chính của các vụ va chạm, ùn tắc là do ý thức của người tham gia giao thông, mà chủ yếu là do tâm lý tranh giành, không ai nhường nhịn ai.

Thạc sĩ Nguyễn Hải Nguyên (ĐH KHXH&NV TPHCM) cho rằng: “Một bộ phận người tham gia giao thông có suy nghĩ phải vượt qua điểm ùn tắc bằng mọi cách, bất chấp các quy định cua luật lệ giao thông, thậm chí coi thường sự an toàn của người khác. Đây chính là hậu quả của tâm lý ích kỷ ở mỗi cá nhân”.

Chính vì ở những đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội ùn tắc diễn ra quá thường xuyên, khiến nảy sinh tâm lý tranh giành, chi phối hành vi ứng xử của nhiều người khi đi đường. Ngoài ra, cũng vì thường xuyên chịu ùn tắc, khó chịu vì bụi khói… khiến họ mang nặng tâm lý bực bội, ức chế nên dễ mất bình tĩnh khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, điều cốt lõi mà ai cũng phải công nhận là: Văn hóa giao thông chỉ là một phần nhỏ của văn hóa con người, mà cụ thể là văn hóa ứng xử, giao tiếp. Do đó, chúng ta không chỉ cần nhìn lại văn hóa giao thông mà còn cần nhìn lại văn hóa ứng xử của chính mình và người thân xung quanh để điều chỉnh tốt đẹp hơn.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang