Lực cản ứng dụng khoa học và công nghệ khiến năng suất bằng không

author 06:50 28/11/2014

(VietQ.vn) - Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) là con đường dẫn đến tăng năng suất bền vững nhất nhưng trên thực tế, có nhiều lực cản trở quá trình đó, làm cho năng suất lao động Việt Nam xuống thấp.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang đối diện với nghịch lý, cản trở quá trình ứng dụng tiến bộ KH&CN. Điểm mấu chốt là những doanh nghiệp có khả năng để ứng dụng công nghệ, hội tụ đủ khả năng về tài chính và nhân lực, cơ sở vật chất thì không có động lực đổi mới công nghệ.

Nghiên cứu của CIEM chỉ ra, đó là khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong khi đó, các doanh nghiệp cần đổi mới là khu vực tư nhân trong nước thì không có điều kiện về tài chính và nhân lực.

Tỷ trọng đóng góp TFP của các nền kinh tế khu vực

Tỷ trọng đóng góp TFP của các nền kinh tế khu vực. Ảnh: N. N

Theo TS Đặng Thị Thu Hoài - Phó Trưởng ban chính sách dịch vụ công thuộc CIEM, Khu vực doanh nghiệp nhà nước là nơi có tiềm lực, nhất là về vốn để tiến hành đầu tư đổi mới công nghệ thì lại chạy theo những đặc quyền, đặc lợi, không có động lực để ứng dụng, đổi mới công nghệ. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI thì đa số đầu tư theo các yếu tố dựa vào lợi thế nhân công tương đối, yếu tố thị trường trong nước và khu vực đang rộng mở, những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài của nhà nước.

Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích cũng như nhưng điều kiện về con người, cơ sở hạ tầng... chưa đủ hấp dẫn so với các nước khác để khu vực này hướng tới đầu tư đổi mới công nghệ ở Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu về đầu tư nước ngoài trong giai đoạn vừa qua cũng cho thấy, máy móc và trình độ công nghệ cao hơn so với khu vực tư nhân trong nước nhưng sự có mặt của đầu tư nước ngoài chưa đem lại tác động tràn đáng kể về công nghệ như mong đợi của Việt Nam.

Trong khi đó, khu vực tư nhân trong nước có thể có những động lực nhất định để đổi mới nhưng với quy mô nhỏ lẻ, khả ănng tiếp cận vốn hạn chế cùng với môi trường kinh doanh cạnh tranh chưa bình đẳng không thể thúc đẩy đầu tư đổi mới công nghệ của khu vực này.

Theo kết quả ddiều tra về năng lực cạnh tranh và công nghệ năm 2012 của CIEM, DOE, GSO, các doanh nghiệp này gặp nhiều cản trở mặc dù có mong muốn đổi mới công nghệ.

Cản trở lớn nhất của các doanh nghiệp là hạn chế về vốn và nguồn nhân lực đủ trình độ. Những doanh nghiệp tiến hành đổi mới công nghệ hiện nay chủ yếu dựa trên vốn chủ sở hữu (trên 75%) trong khi chỉ có khoảng 17% là từ vốn tính dụng.

Nhiều daonh nghiệp áp dụng dây truyền hiện đại mang lại hiệu quả năng suất cao nhưng không ít doanh nghiệp không có khả năng đầu tư công nghệ

Nhiều doanh nghiệp áp dụng dây truyền hiện đại mang lại hiệu quả năng suất cao nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được điều đó. Ảnh: N. N

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy, sự suy giảm tốc độ năng suất những năm gần đây là hệ quả tất yếu khi tốc độ tăng vốn trên lao động và ứng dụng tiến bộ KH&CN giảm mạnh. Các lý thuyết tăng trưởng cho thấy tăng năng suất lao động trong nền kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó có mức độ tích tụ vốn trên lao động và mức độ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Việc gia tăng vốn trên lao động, đầu tư thiết bị máy móc cùng với thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KH&CN giúp gia tăng năng suất lao động.

Vào giai đoạn 2001 - 2010, vốn đầu tư trong nền kinh tế tăng mạnh, trung bình ở mức 38 - 39%/GDP, có năm tăng hơn 40% đã gia tăng đáng kể mức độ tích tụ vốn trên lao động trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ tăng vốn đầu tư giảm rõ nét, chỉ còn khoảng 30%/GDP từ năm 2001 đến nay. Trong khi, tốc độ ứng dụng tiến bộ KH&CN trong phát triển kinh tế cũng có xu hướng giảm.

Giai đoạn 2003 - 2006, tốc độ tăng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), trong đó có phần gia tăng của ứng dụng tiến bộ KH&CN vào khoảng 2,13%/năm thì giai đoạn 2007 - 2010 giảm mạnh, chỉ còn khoảng 0,89%.

Một vấn đề cũng thu hút sự chú ý là tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng của các nước hiện cao hơn nhiều so với Việt Nam. Trong giai đoạn 2003 - 2010, Hàn Quốc đạt 51,3%, Thái Lan đạt 36,1%, Trung Quốc đạt 36%, Ấn Độ là 31%, Malaysia là 30,5%.

Nguyễn Nam


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang