‘Lực lượng kinh doanh đa cấp hùng hậu thế, không lộng hành mới là lạ!’

author 11:31 09/04/2016

(VietQ.vn) - “Tôi không ngạc nhiên khi thống kê Bộ Công Thương cho thấy: Mạng lưới kinh doanh đa cấp ở VN hiện nay đã lên đến 1 triệu/ 90 triệu dân” – LS Út nói.

Khi nói tới loại hình kinh doanh đa cấp, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long luôn miệng nhắc đi nhắc lại 3 từ “trò lừa đảo”. Bởi với ông, trong nền kinh tế này, không bao giờ có công việc nào lại có lợi nhuận hấp dẫn với mức lãi cao đến như vậy và cũng không bao giờ có cảnh “ngồi mát ăn bát vàng”.

Còn ông Vũ Vinh Phú, nguyên đại biểu hội đồng nhân dân, nguyên Phó GĐ Sở thương mại, nguyên Phó ban chống buôn lậu Tp.Hà Nội từng quả quyết rằng: “Có tới 90% công ty đa cấp ở Việt Nam không chân chính”.

Có thể nói, nghìn lẻ các chiêu trò của các công ty “núp bóng đa cấp” đang giết chết sự chân chính của đa cấp quốc tế.Tại Việt Nam, sau vụ công ty Liên Kết Việt lừa 600.000 người dân Việt với tổng thiệt hại lên tới 1.900 tỷ đồng, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra các hoạt động liên quan đến việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp, trong đó thanh tra một số công ty đa cấp lớn như Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Unicity Maketing Việt Nam, Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam, Công ty Cổ phần Liên kết Tri thức, Công ty Cổ phần Liên Minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty TNHH Nhượng quyền Thăng Long.

Gần đây, Bộ Công Thương cũng liên tục rút giấy phép của nhiều công ty đa cấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đáng chú ý một vài công ty đa cấp cũng tự nguyện xin ngừng hoạt động bán hàng theo hình thức này.Việc hàng trăm nghìn người dân Việt bị rơi vào “vũng lầy” đa cấp đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với những ai đã và đang có ước mơ “làm giàu một cách nhanh chóng” từ hoạt động kinh doanh biến tướng trên.

Với mong muốn làm một cuộc “phẫu thuật” về loại hình kinh doanh đa cấp, đi tìm lời giải đáp cho nguyên nhân vì sao cả những người tri thức, có học như doanh nhân, bác sỹ, giáo sư, tiến sỹ cũng bị mê hoặc trong “mê cung” đa cấp, PV Chất lượng Việt Nam đã có buổi trao đổi với Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư Tp HCM) – người đã từng làm việc ở vị trí thẩm phán nhiều năm tại Tp HCM.

Một buổi trao giải của một công ty đa cấp để kích thích lòng tham của người dân.

- Thưa ông, vừa rồi, hàng loạt công ty đa cấp bị Bộ Công thương "sờ gáy" và vụ lừa đảo của công ty Liên Kết Việt khiến nhiều “con nghiện” đa cấp tỉnh ngộ. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người dân vẫn mụ mị đi theo tiếng gọi của đa cấp bất chính. Theo ông, tại sao đa cấp lại có thể gây u mê người Việt tới vậy?

Luật sư Phạm Công Út: Bán hàng đa cấp là một loại hình kinh doanh hiện đại được áp dụng thành công ở một số nước trên thế giới, nhưng khi du nhập vào Việt Nam thì một số công ty đã biến tướng từ hoạt động kinh doanh đa cấp thành tổ chức lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người tham gia làm thành viên. 

Đơn giản vì họ đã tổ chức các buổi tập huấn miễn phí để khơi gợi, kích thích lòng tham của người dân, hứa hẹn sẽ làm cho người tham gia làm thành viên vào tổ chức kinh doanh đa cấp sẽ có mức thu nhập cao, có thể từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng mà không phải làm thêm, chỉ tích lũy lợi nhuận, tiền thưởng tăng dần mà không thấy rủi ro nào cả. 

Với những người thuyết trình, những người bán hàng đa cấp ăn mặc sang trọng, sử dụng phương tiện cá nhân đắt tiền với lời khoe về mức thu nhập “khủng” hàng tháng đã làm mờ mắt những người đứng trước ngưỡng cửa lực chọn để quyết định tham gia hay không.

Từ đó, người dân Việt đã bị lóa mắt và sập bẫy vào tổ chức lừa đảo. Sau đó, người tham gia cũng trở thành người lừa đảo với những người thân của mình. 

- Điều đáng nói là không chỉ nông dân - những người chưa có đầy đủ nhận thức mà còn có cả doanh nhân, tri thức, cán bộ về hưu cũng tham gia vào “đường dây” kinh doanh đa cấp bất chính, xin ông cho biết, nguyên nhân từ đâu? 

Luật sư Phạm Công Út: Vì không phải ai cũng lường được những hậu quả khi họ bị hoa mắt bởi đồng tiền. Thêm vào đó, những người doanh nhân, trí thức, cán bộ về hưu… chính là những người có tầm ảnh hưởng nhất định với những nhân viên, những sinh viên, những thành viên trong gia đình và những người xung quanh khác.

Vì vậy, họ là đối tượng lừa đảo trong hoạt động kinh doanh đa cấp hướng đến mạnh mẽ hơn người nông dân. Lòng tham của con người và mơ ước làm giàu nhanh chóng thì không chỉ có thể ở những người nông dân mà còn ở bất kỳ ai, đơn giản vì người ta đã khá thì lại muốn khá hơn, đã giàu thì lại muốn giàu hơn. Đây chính là điểm yếu về tâm lý mà các nhóm lừa đảo trong hoạt động kinh doanh đa cấp muốn nhắm đến.

- Đa cấp bất chính không chỉ là mối nguy của người Việt mà còn là mối lo của cả Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam. Theo ông đánh giá, khi nào đa cấp biến tướng tại Việt Nam mới hết hoành hành?

Luật sư Phạm Công Út: Kinh doanh đa cấp không phải là xấu nhưng lợi dụng loại hình kinh doanh đa cấp để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới là xấu.

LS Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm.

Vì vậy nên khi nhà nước khởi tố vụ án lừa đảo của tổ chức Liên Kết Việt thì một số công ty đa cấp có hành vi tương tự đã biến tướng qua hoạt động khác như đầu tư vào tiền ảo, môi giới bất động sản theo loại hình kinh doanh đa cấp, cũng với chiêu bài để có thu nhập “khủng” mỗi tháng hàng trăm triệu đồng, hoặc sở hữu căn nhà triệu đo mà đầu tư ban đầu là không đáng kể, hoặc không làm gì trong một năm tài sản cũng tự động tăng lên gấp 6 lần… 

Do đó, theo tôi, chỉ khi nào nhà nước mạnh tay truy bắt, khởi tố những tổ chức kinh doanh hàng đa cấp theo hoạt động lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật của người dân nhận diện được dấu hiệu lừa đảo của loại hình kinh doanh đa cấp để người dân cẩn thận hơn, đồng thời nhà nước cần hoàn thiện hơn hành lang pháp lý để áp dụng đối với hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam để ngăn chận những loại hình đa cấp biến tướng. 

- Như ông đã nói: Bán hàng đa cấp là một loại hình kinh doanh hiện đại được áp dụng thành công ở một số nước trên thế giới, tuy nhiên khi vào Việt Nam, đa cấp lại bị biến tướng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Vậy ông có thể đánh giá lý do vì sao đa cấp biến tướng vẫn tồn tại và lộng hành tại Việt Nam? 

Luật sư Phạm Công Út: Theo tôi, thứ nhất là các quy định pháp luật về loại hình kinh doanh đa cấp của nhà nước ta vẫn còn không ít kẽ hở, sự quản lý nhà nước ở một số địa phương còn buông lỏng, trong khi đó, các hình thức tuyên truyền pháp luật về loại hình kinh doanh đa cấp của nhà nước còn chưa mạnh mẽ, phổ biến để phòng ngừa rủi ro sập bẫy lừa đảo của người dân.

Và trên hết, việc mong muốn đổi đời, muốn mau giàu thì rất nhiều người dân đều có sẵn trong tâm thức nên khi nghe lời chiêu dụ hào nhoáng là dễ dàng lao theo. Vì thế, tôi không ngạc nhiên khi con số thống kê mà Bộ Công thương đưa ra là mạng lưới kinh doanh đa cấp ở Việt Nam hiện nay đã lên đến 1 triệu/ 90 triệu dân. 

Điều đó có nghĩa là ve vãn bên cạnh 90 người, bao gồm trẻ sơ sinh và cụ già, người bệnh nằm liệt gường thì có một người đang mơ ước làm giàu bằng con đường kinh doanh đa cấp, luôn luôn chiêu dụ chúng ta đầu tư tiền vào túi họ mà không hy vọng sẽ có ngày quay lại đồng vốn của mình. Chính vì lực lượng thành viên kinh doanh đa cấp hùng hậu thế mà họ không lộng hành thì mới là lạ!

Xin trân trọng cảm ơn ông!

>>> 2 người chết, hơn 1.000 người ngộ độc vì thực phẩm trong quý I/2016

Dương Phương Ngọc


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang