"Ma trận" ngân hàng cần một lối thoát (Bài 1)

author 15:54 08/08/2012

(VietQ.vn) - Cả nước hiện có hơn 60 ngân hàng lớn nhỏ hoạt động dưới nhiều tư cách pháp nhân, đại diện... khác nhau. Tuy nhiên, làm thế nào để người tiêu dùng chọn được cho mình một ngân hàng phù hợp, "gửi gắm" niềm tin khi gửi tiền tiết kiệm, vay vốn làm ăn vẫn là vấn đề bức thiết.

Lời tòa soạn: Từ người tiêu dùng cá nhân đơn lẻ cho đến các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp lớn nhỏ... muốn có vốn hoạt động đều tìm đến ngân hàng như một tất yếu. Tuy nhiên, thời gian qua hàng loạt vụ tai tiếng của cán bộ ở hầu hết các ngân hàng đang làm giảm uy tín, thương hiệu của họ bao năm xây dựng. Liên quan vấn đề này, Chất lượng Việt Nam khởi đăng tuyến bài “Ma trận ngân hàng cần 1 lối thoát” của nhóm PV Nội Chính nhằm đánh giá, phân tích chất lượng dịch vụ các ngân hàng hiện nay cũng như những chính sách, kẽ hở pháp lý, tâm tư, nguyện vọng của người tiêu dùng, doanh nghiệp trong vấn đề tìm giải pháp nguồn vốn hợp lí.

Bài 1: Nhận "lót tay" và "nhắm mắt" ký


Con số thất thoát hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm do chính cán bộ trong ngành ngân hàng gây nên không chỉ làm tổn thất nặng nề cho chính ngân hàng họ làm việc, mà đó còn là một phần căn nguyên làm suy giảm nguồn lực kinh tế đất nước.

Cám dỗ

Nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây đang tồn tại hướng tập trung vốn đầu tư chủ yếu xuất phát từ ngân hàng. Có thể nói, hiện tại nền kinh tế của chúng ta đang trong cơn "bĩ cực". Nhiều doanh nghiệp tuyên bố phá sản. Tuy nhiên, thực tế phần lớn lợi nhuận vẫn rơi vào tay các ngân hàng. Một khi hệ thống ngân hàng siết lại các khoản vay, lập tức toàn bộ nền kinh tế bị giảm phát. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có bao nhiêu vụ lừa đảo liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng thì sẽ có bấy nhiêu nguy cơ góp phần đẩy tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng lên cao, làm mất khả năng thanh khoản của nhiều ngân hàng.

Viettinbank thời gian qua khiến dư luận bất an vì hàng loạt sai phạm của cán bộ ngân hàng này
Vietinbank thời gian qua khiến dư luận bất an vì hàng loạt sai phạm của cán bộ ngân hàng này

Đánh giá về các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến cán bộ ngân hàng từ trước đến nay, các chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp đều nói rằng, công tác quản lí tại các ngân hàng đang có vấn đề. Từ tuyển dụng nhân sự, sử dụng cán bộ cho đến việc điều tiết trong nội bộ ngân hàng.

Thực tế cho thấy, nhiều vụ án có sự "bắt tay" giữa giám đốc một số ngân hàng chi nhánh và các cán bộ chủ chốt. Hầu hết các vụ tham ô của các "quan" ngân hàng đều do nhận những khoản "lót tay" lên đến hàng tỉ đồng của các doanh nghiệp để "nhắm mắt" kí các khoản vay nợ.

Cuối năm 2011, Công an tỉnh Trà Vinh đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Ngô Công Bình (SN 1960) - Nguyên Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương (Vietinbank), Chi nhánh Trà Vinh về hành vi “tham ô tài sản”. Liên quan đến vụ án này, cơ quan công an đã bắt tạm giam bà Ngô Thị Thanh Vân (phó giám đốc Vietinbank Trà Vinh), Nguyễn Thị Hòa (phó phòng kho quỹ) và Trần Thị Hạnh Dung (phó phòng kế toán) về hành vi tham ô.

Theo điều tra của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Trà Vinh, Vietinbank Trà Vinh đã áp dụng chương trình khuyến mãi với lãi suất huy động cộng với số tiền khách hàng trúng thưởng vượt mức lãi suất tối đa sai với quy định. Chi nhánh này đã huy động lãi suất 14%/năm theo quy định, nhưng đã cộng giá trị thưởng thêm để khách hàng thực nhận lãi suất từ 17,38 - 43,03%/năm...

Hồ sơ chi hoa hồng môi giới cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tổng số chi phí hoa hồng môi giới huy động vốn phát sinh trên tài khoản chi hoa hồng môi giới đến thời điểm thanh tra (cuối tháng 9/2011) hơn 2 tỉ đồng. Bên cạnh đó, lãnh đạo Vietinbank Trà Vinh trích hơn nửa tỷ đồng từ quỹ lương để chi cho công tác huy động vốn nhưng không có chứng từ cung cấp cho đoàn kiểm tra.

Mới đây, ngày 24/4, BIDV Việt Nam cũng có quyết định cách chức Giám đốc BIDV Chi nhánh tỉnh Phú Yên đối với ông Nguyễn Công (SN 1956), cách chức Phó giám đốc Nguyễn Văn Tuyến và cảnh cáo Phó giám đốc Nguyễn Duy Sinh vì sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tài chính - tín dụng. Trước đó, Đoàn kiểm tra của BIDV Việt Nam phát hiện Chi nhánh BIDV Phú Yên có nhiều khoản cho vay thiếu minh bạch, dẫn đến khả năng mất vốn.

Điều này góp phần làm tình trạng nợ xấu tăng cao ở Chi nhánh BIDV Phú Yên trong thời gian ông Công làm giám đốc từ năm 2003 đến nay.  Hiện, cơ quan chức năng cũng đang tiến hành điều tra, làm rõ trách nhiệm của ông Công và một số thuộc cấp liên quan đến việc vợ chồng Hồ Minh Hậu - Phạm Thị Ái Loan - hiện đang bị Interpol truy nã quốc tế, bởi hành vi lừa đảo các ngân hàng với số tiền lên đến hơn 400 tỷ đồng rồi bỏ trốn.

Ảnh hưởng thương hiệu


Đánh giá về thực trạng phạm tội của cán bộ ngân hàng hiện nay trong vòng xoáy đồng tiền, cơ chế thị trường, một luật gia có tiếng ở Hà Nội nói rằng, càng làm sếp to ở ngân hàng càng dễ bị cám dỗ vây quanh. Lãnh đạo ngân hàng hiện nay đang được nhiều doanh nghiệp săn đón. Càng săn đón thực tế càng được lợi song không phải lúc nào điều này cũng diễn ra đúng nguyên tắc đó. Ông nói rằng, sở dĩ sếp ngân hàng dễ giàu và cũng dễ đi tù vì cái lợi mà chức danh này mang lại là quá lớn.

Luật gia này chỉ ra hàng loạt các vụ tham ô, tham nhũng mà nhà chức trách khởi tố. Số lượng nhiều đến nỗi PV không thể nhớ nổi. Mỗi vụ án lại có những phương thức, thủ đoạn và cách thức ‘làm tiền” khác nhau của cán bộ ngân hàng. Nhân viên rút tiền theo kiểu nhân viên, lãnh đạo rút tiền theo kiểu của lãnh đạo. Chung quy chịu thiệt chỉ là… Nhà nước mà thôi!

Agribank cũng nối tiếp trong chuỗi ngân hàng có cán bộ đứng dưới vành móng ngựa
Agribank cũng nối tiếp trong chuỗi ngân hàng có cán bộ đứng dưới vành móng ngựa

Ngày 18/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Đức Hưng (SN 1956, nguyên Giám đốc chi nhánh Hồng Hà, thuộc ngân hàng Agribank) về hành vi lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Theo thông tin ban đầu, lợi dụng quyền hạn của mình, ông Hưng đã ký 8 bảo lãnh thanh toán không có hồ sơ, không hạch toán, không thu phí bảo lãnh cho một số công ty, với tổng số tiền hơn 345 tỷ đồng.

Hiện số tiền các công ty còn nợ ngân hàng này là hơn 180 tỷ đồng. Hai cán bộ khác thuộc chi nhánh Agribank Hồng Hà là Đỗ Thị Minh Hiền (SN 1968, nguyên Trưởng phòng tín dụng) và Trương Đăng Dần (SN 1974, nguyên Phó phòng tín dụng) cũng bị khởi tố, bắt giam vì có liên quan đến vụ án.

Điều đáng nói là thời gian gần đây, thương hiệu Agibank bị người dân cả nước nhớ đến với hàng loạt vụ vi phạm pháp luật. Nhiều đến nỗi người nông dân vốn là bạn đồng hành chủ yếu của ngân hàng này thấy bất an.

Ngày 27/7, cựu Giám đốc ngân hàng Eximbank, ông Đào Thanh Trường cũng bị truy nã vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian làm Giám đốc Chi nhánh Eximbank Bình Dương. Liều lĩnh hơn, vị giám đốc này đã tạo ra hàng loạt hồ sơ "ma" nhằm vay vốn ngân hàng đầu tư vào bất động sản. Để có tiền “đầu cơ” Trường đứng ra “nhờ” hơn 40 hộ dân đứng tên trong các hồ sơ đem tài sản thế chấp vay tại chính ngân hàng do mình làm giám đốc để lấy hàng tỉ đồng đổ vào thị trường bất động sản.

Quá trình lập hồ sơ khống để vay tiền, với vai trò là người đứng đầu Ngân hàng Eximbank Bình Dương, ông Trường đã chỉ đạo các thuộc cấp là Lê Phước Sang, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Ngọc Anh, Trần Trọng Thuận làm hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay và các hợp đồng uỷ thác việc thực hiện thủ tục chuyển nhượng bất động sản. Việc thẩm định do đích thân ông Trường và “bộ sậu” của mình duyệt.

Tài sản thế chấp cho các khoản vay này phần lớn là đất đô thị được Eximbank Bình Dương định giá thế chấp khoảng 200 tỷ đồng. Khi thị trường bất động sản ở Bình Dương lao dốc khiến hàng loạt đất nền, nhà ở đô thị do Trường đầu cơ không bán kịp.  Để có tiền đáo nợ ngân hàng, Trường vay mượn của nhiều người để trả nợ, thậm chí huy động cả nhân viên cấp dưới của mình đứng ra vay nóng hơn 5,5 tỷ đồng của nhiều người khác.

Trên thực tế, rất nhiều lãnh đạo ngân hàng ngày ngày vẫn sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để kiếm lợi cho bản thân. Chỉ có điều họ chưa bị phát hiện. Chính điều này đang là mối nguy hại tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngân hàng họ đang làm việc nói riêng và tác động trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế hiện nay.

(Còn nữa)

(Mọi thắc mắc, khiếu tố của bạn đọc có thể gửi về Email: [email protected] hoặc liên hệ qua đường dây nóng 0904.065.256 & 0913.96.57.58 để được tư vấn, hỗ trợ)

Nhóm PV Nội Chính

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang