Máy đo ATTP, không vạn năng như quảng cáo

author 14:38 15/07/2016

(VietQ.vn) - Nhiều loại đo an toàn thực phẩm (ATTP) để kiểm tra thực phẩm, song tác dụng của chúng không như quảng cáo...

Một tính năng, ngỡ vạn năng

Nóng nhất trong vấn đề an toàn thực phẩm thời gian gần đây có lẽ là chất cấm trong chăn nuôi. Từ khi xuất hiện loại chất cấm chết người này, thị trường cũng cho ra thiết bị test (kiểm tra nhanh) loại chất tạo nạc salbutamol dưới dạng kit.

Máy đo ATTP được xem là thiết bị khá tiện dụng, người dùng chỉ cần lấy mẫu nước tiểu heo hay lớp dịch trong thịt cho vào một đầu que, sau đó quan sát đầu còn lại của que, nếu thấy hiện lên hai vạch đỏ là dấu hiệu cho thấy heo đã được cho ăn chất tạo nạc.

Tuy nhiên, theo phản ảnh của nhiều người tiêu dùng, việc mua và sử dụng thiết bị này chẳng khác nào đánh đố.

Lý do là mỗi que thử nhanh tuy chỉ có thể dùng một lần nhưng giá trung bình từ 77.000-80.000 đồng, gần bằng giá của 1kg thịt heo.

“Nếu mua nửa ký thịt mà cũng dùng một que thử này chẳng phải quá tốn kém hay sao…”, chị Linh, ngụ tại quận 9, cho hay.

Không những vậy, nhiều người từng dùng thiết bị kit còn chia sẻ loại thiết bị này kiểm tra tốt nhất với nước tiểu heo, nhưng thịt ra đến chợ, đến siêu thị đâu còn nước tiểu nữa mà test tại chỗ.

Một số nơi bán máy đo ATTP cho biết, có thể thịt để tủ lạnh một vài tiếng, sau đó lấy ra đợi thịt rã đông cho rỉ ra lớp dịch, dùng dịch này đưa vào thiết bị test cũng có thể biết được kết quả.

“Mua thịt về nhà rồi, kiểm tra thấy chất cấm liệu có người bán nào dám thừa nhận, mà giữ thịt đó ăn cũng không dám”, một khách hàng từng sử dụng kit kiểm tra bày tỏ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hình thức kit kiểm tra hiện khá phổ biến. Tuy nhiên mỗi loại kit chỉ có thể kiểm tra được một tính chất lý hóa nhất định có trong thực phẩm.

Chẳng hạn như kit kiểm tra hàn the, kit kiểm tra độ oxy hóa trong dầu mỡ, kit kiểm tra phẩm màu, formol, chất tẩy trắng (acid salicylic) hay methanol trong rượu…

Dù nhanh chóng cho kết quả, nhưng giá thành loại máy đo ATTP này khá cao và chỉ dùng được một lần và một loại chất nhất định, trong khi nhu cầu người tiêu dùng muốn nhiều hơn thế.

Với cả những máy đo ATTP cho phép dùng được một lần như loại máy kiểm tra nitrat (Nitrat Tester NUC 019-01 SOEKS) trong thực phẩm có xuất xứ từ Nga cũng không khá hơn.

Loại máy đo ATTP này có giá trung bình 5-7 triệu đồng/máy, thiết kế khá tiện dụng, phần thân máy có màn hình hiển thị thông số, gắn với một đầu kim đo, chỉ cần cắm kim này vào thực phẩm muốn kiểm tra sau khoảng 20 giây sẽ có kết quả trên màn hình.

Theo một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM, máy đo ATTP này chỉ kiểm tra được hàm lượng nitrat tồn dư, trong khi hầu hết người tiêu dùng muốn kiểm tra lượng thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng hay thuốc bảo quản… thì loại máy này không đám ứng được.

Trong khi đó hàm lượng nitrat trong thực phẩm trên thị trường hiện nay thì hầu hết kiểm tra là thấy vì thói quen sử dụng phân bón hóa học trong canh tác.

Chỉ có giá trị tham khảo

Không chỉ người tiêu dùng mà ngay cả bản thân các cơ quan chức năng cũng chỉ xem những máy đo ATTP như một phương tiện để… “tham khảo”.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM cho hay, với giá trung bình 80.000 đồng cho một máy đo ATTP nhưng trong trường hợp kit này cho kết quả dương tính với chất cấm thì cơ quan thú y cũng không thể lấy đó làm căn cứ để xử phạt chủ lô heo vi phạm, bởi đây chỉ là kết quả định tính, không thể xác định hàm lượng vượt ngưỡng là bao nhiêu để xử phạt.

Với những lô phát hiện bằng test nhanh dương tính, cơ quan thú y sẽ yêu cầu tạm giữ lô hàng để đem mẫu kiểm tra tại các phòng xét nghiệm để lấy kết quả định lượng.

Ông Phát cho rằng, nếu chỉ căn cứ vào loại kit test nhanh thì kết quả cuối cùng sẽ rất “hên xui”, vì nhiều trường hợp test dương tính nhưng kiểm tra tại phòng thí nghiệm lại âm tính, chi phí tạm giữ lô heo trong thời gian đợi kết quả định lượng cơ quan thu y phải chịu.

Đấy là chưa kể rủi ro heo bệnh, chết trong thời gian giữ đợi kết quả phải đền cho chủ hàng, nên theo các cán bộ thú y kết quả từ thiết bị máy đo ATTP test nhanh chỉ mang tính hỗ trợ, tham khảo.

Tương tự, ông Nguyễn Thành Danh, Chi cục phó chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho biết, những loại thiết bị test nhanh này chỉ hộ trợ người tiêu dùng giải tỏa phần nào nghi ngờ về chất lượng thực phẩm, còn tính năng và chi phí sử dụng không phải người tiêu dùng nào cũng có thể tiếp cận.

Hiện đơn vị này đã chuẩn bị sẵn một số thiết bị máy đo ATTP test nhanh để hỗ trợ người tiêu dùng khi mua phải những loại thực phẩm nghi ngờ nhiễm hàn the, formol… có thể mang đến Chi cục để được hỗ trợ kiểm tra.

Hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực kiểm nghiệm thực phẩm đều có chung nhận định những thiết bị phát hiện nhanh chất tồn dư trong thực phẩm chỉ mang tính chất tham khảo. muốn kiểm tra định lượng xem mức độ nguy hại cụ thể phải đến các phòng thí nghiệm.

Như vậy, với những sản phẩm máy đo ATTP dù được Bộ Y tế cấp phép, thì đó cũng như một sản phẩm hàng hóa thông thường chứ không phải một sản phẩm đa năng để có thể giúp người tiêu dùng khỏa lấp được nỗi bất an về mức độ an toàn thực phẩm của mình.

Thư Đặng

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang