Dịch bệnh MERS-CoV 'hạ nhiệt' không có nghĩa là đã an toàn

author 06:17 18/07/2015

(VietQ.vn) - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa tổ chức họp đánh giá công tác phòng chống dịch MERS-CoV trước tình hình mới.

Tại buổi họp, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh MERS-CoV trên thế giới tính đến sáng ngày 18/6/2015. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, có 1368 trường hợp nhiễm MERS-CoV tại 26 nước, trong đó có 490 ca tử vong. Như vậy, tính từ ngày 07 đến 16/7/2015 thế giới không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới trong vòng 9 ngày.

Từ ngày 20/5-16/7, Hàn Quốc đã ghi nhận 186 trường hợp mắc bao gồm 39 nhân viên y tế, 36 trường hợp tử vong. Trong 11 ngày gần đây Hàn Quốc không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm nào. Thái Lan và Philippines cũng kiểm soát dịch MERS-CoV tốt, không tăng thêm trường hợp nhiễm bệnh mới. Tuy vậy, tại khu vực Trung Đông ổ dịch vẫn lưu hành vì dịch lây từ lạc đà sang người khó khống chế.

MERS-CoV hạ nhiệt không có nghĩa là đã an toàn

MERS-CoV hạ nhiệt không có nghĩa là đã an toàn   

Hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV nào. Tuy nhiên, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định: “Dù tình hình dịch bệnh đã giảm nhiệt trên thế giới, kịch bản MERS-CoV vào Việt Nam vẫn có thể xảy ra, nếu kiểm soát tốt sẽ không để dịch lây lan như ở Thái Lan, Philippines, nếu không có thể gặp tình huống nguy hiểm như tại Hàn Quốc. Do đó Việt Nam không thể chủ quan mà vẫn cần tích cực duy trì các hoạt động phòng, chống dịch bệnh”.

Bộ Y tế tiếp tục triển khai mạnh mẽ và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch MERS-CoV trên các phương diện: Kiểm tra, giám sát; tập huấn, diễn tập; điều trị; xét nghiệm; truyền thông…

Đến nay, Bộ Y tế đã tổ chức các lớp đào tạo giảng viên (TOT) cho các bệnh viện, đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh của 63 tỉnh/thành phố. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang phối hợp với các tổ chức quốc tế WHO, US CDC xây dựng kế hoạch và kịch bản diễn tập tình huống giả định ứng phó với dịch MERS-CoV tại Việt Nam.

Công tác giám sát được chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng giám sát ca bệnh đầu tiên (nếu có) tại Cửa khẩu quốc tế cũng như tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt là giám sát tại cơ sở khám chữa bệnh do thời gian ủ bệnh của MERS-CoV là 2-14 ngày, trong thời gian này, khách qua cửa khẩu chưa có biểu hiện lâm sàng, khó nhận biết và theo dõi.

Ngoài ra, hoạt động đường dây nóng 24/24 tiếp tục được duy trì để người dân có thể liên lạc và được tư vấn về phòng chống dịch bệnh. Người dân cần chủ động thường xuyên theo dõi thông tin, cùng các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe chính mình và cả gia đình. Cục Y tế dự phòng sẽ kịp thời cung cấp các thông tin cập nhật về dịch bệnh, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp đưa tin thất thiệt, không đúng về tình hình dịch bệnh, hướng đến mục tiêu cao nhất: ngăn chặn sự xâm nhập của MERS-CoV vào Việt Nam và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang