Mô hình trồng chuối cấy mô ở Đồng Nai cho thu nhập cao

author 18:14 02/06/2015

(VietQ.vn) - Chuối là loại cây dễ trồng, cho thu hoạch quanh năm, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cộng với ưu điểm là cho ra trái đồng loạt và phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Tại Đồng Nai, cây chuối rất dễ trồng, dễ chăm sóc, và cho thu hoạch quanh năm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thêm nữa, ưu điểm của loại cây này là cho ra trái đồng loạt và phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở nhiều vùng trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng hiện nay, nguồn sản phẩm này vẫn chưa đủ cung cấp cho thị trường, vì vậy trong mấy năm trở lại đây, nhiều hộ dân trên địa bàn ở các huyện Định Quán, Thống Nhất... đã mở rộng diện tích trồng chuối. Đặc biệt, tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán đã có nhiều hộ nông dân thành công trong việc nhân rộng diện tích trồng chuối cấy mô, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Trên địa bàn xã Thanh Sơn mấy năm trở lại đây, người dân trồng chuối có nguồn thu nhập rất ổn định. Người dân đã mạnh dạn loại bỏ hàng chục héc-ta trồng quýt bị bệnh thay thế bằng cây chuối. Đến nay, toàn xã Thanh Sơn đã có khoảng 100 ha chuối cấy mô với các loại chuối già, chà bột, cau xanh, cau trắng. Chuối hiện là loại cây tiềm năng của xã, bởi hiện tại có nguồn thu gom tại chỗ. Cây chuối được sản xuất theo hướng công nghiệp. Sau khi thu hoạch được tẩy rửa, đóng gói, hút khí chân để xuất khẩu. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Với quy trình sản xuất khép kín tại chỗ, sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi héc-ta chuối cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

 Mô hình trồng chuối cấy mô ở Đồng Nai cho thu nhập cao

Nhiều nông dân đổi đời nhờ cây chuối. Ảnh minh họa

Gia đình ông Phạm Văn Quý tại ấp 7 xã Thanh Sơn là người đầu tiên đưa mô hình chuối cấy mô vào trồng. Từ một vài ha ban đầu, đến nay diện tích trồng chuối của gia đình ông đã lên 12 ha. Do sản xuất theo chu kỳ khép kín từ tạo cây giống đến trồng trọt, chăm sóc và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài như Malaysia, Trung Quốc, hàng năm ông Quý thu lãi từ 3 đến 4 tỷ đồng. Không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, ông còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương và đứng ra thu mua chuối của các hộ trong vùng.

Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng chuối cấy mô và có đầu ra ổn định, trong khi nguồn chuối vẫn chưa đủ cung cấp nên nhiều hộ dân tại đây đã chuyển qua trồng loại cây này. Nhiều hộ trồng chuối ở xã Thanh Sơn cho biết, chuối là loại cây dễ trồng bởi nó không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư và chỉ trồng trong 10 tháng là cho trái. Chuối cấy mô lại có ưu điểm là ra trái đồng loạt, tạo thuận lợi cho người dân trong thu hoạch. Tuy nhiên, để đủ chất lượng xuất khẩu đòi hỏi trái chuối phải nhẵn, bóng, không bị trầy xước. Hơn nữa, mặc dù chuối là cây dễ trồng nhưng cũng gặp phải một số bệnh nên nông dân cần lưu ý để phòng ngừa.

Ông Quý, người có nhiều kinh nghiệm trong trồng chuối cấy mô cho biết, loại cây này có những loại bệnh có thể trị được và không thể trị được. Điển hình bệnh sùng đục gốc người ta có thể dùng phương pháp là chẻ đôi cây chuối rồi úp xuống đất và hôm sau có thể lật thân chuối để bắt sùng nhằm hạn chế lây lan các cây chuối khác. Còn những bệnh không thể trị được như bệnh tím thân và bệnh chùn đọt do virút gây ra. Vì vậy, khi người dân tham gia trồng chuối nên tìm đến những cơ sở sản xuất giống sạch, đã kiểm tra chất lượng. Việc chọn giống không đảm bảo khiến chúng mang nguồn dịch bệnh về vườn và ảnh hưởng đến năng suất cả vùng.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang