Cứu bé trai bị móc dây kéo lọt vào vị trí nhạy cảm suốt 2 tháng

author 06:16 24/04/2021

(VietQ.vn) - Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng 1- TP. HCM, đơn vị này vừa thực hiện mở lồng ngực bé trai 5 tuổi để lấy ra một chiếc móc dây kéo lọt vào phế quản.

Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), bệnh nhân là bé trai T.T.P., 5 tuổi (ngụ tại Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng ho, khò khè, khó thở kéo dài hơn 2 tháng. Mặc dù, đã đi nhiều nơi, điều trị bằng thuốc nhưng không thuyên giảm. Tuy bé không có "hội chứng xâm nhập", tức các dấu hiệu của trẻ nuốt phải dị vật, nhưng các bác sĩ vẫn nghi rằng trong cơ thể bé có thể chứa dị vật "bỏ quên".

 Hình ảnh chiếc móc kim loại lấy ra từ phế quản của bé trai. Ảnh: BV Nhi Đồng 1

Kết quả X-quang và nội soi đã xác định phế quản bên phải có mô viêm, bên dưới mô viêm là một dị vật nhỏ, cứng, dùng kềm không gắp ra được.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), đây là một dị vật đã nằm lâu, khi rút ra cảm thấy nó bị mắc kẹt, nên các bác sĩ đã nghi ngờ dị vật nằm ở một vị trí nhạy cảm.

Các bác sĩ nhận định do dị vật nằm đã lâu gây viêm, dính chặt vào mô của đường thở, thậm chí ăn thủng. Hiện tại dị vật đang nằm bít lỗ thủng, nhưng nếu cố gắp ra có thể gây vỡ mạch máu, tràn khí, nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy các bác sĩ đã quyết định hội chẩn toàn viện và chọn phương án mổ hở, mở lồng ngực em bé ra để xác định và theo dõi dị vật trong khi bác sĩ tai mũi họng nội soi gắp dị vật ra theo đường thở. Rất may đường tiếp cận này đã thành công. Cháu bé phục hồi nhanh chóng.

Cảnh báo tình trạng trẻ nhỏ ngộ độc chì từ thuốc bôi cai sữa đông y(VietQ.vn) - Thời gian qua, có rất nhiều trẻ bị ngộ độc chì do cha mẹ tự điều trị bằng thuốc đông y được quảng cáo tràn lan trên mạng, truyền tai nhau, không có cơ sở khoa học có chứa kim loại chì.

Theo các bác sĩ, có khá nhiều trường hợp bị dị vật vào đường thở ở trẻ nhỏ nhưng đây là ca bệnh khá nguy hiểm. Rất may đã phát hiện và lấy ra khỏi lồng ngực nếu không sẽ nguy hiểm tính mạng của trẻ.

Cũng theo các bác sĩ, dị vật đường thở là một tai nạn nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi, do vật lạ rơi vào đường thở gây hẹp hoặc tắc hoàn toàn đường thở. Đây là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến các hậu quả nặng nề như tổn thương não không hồi phục, thậm chí gây tử vong. 

Do đó, cha mẹ cần để xa tầm với của trẻ nhỏ tất cả các vật dụng nhỏ có thể gây nguy hiểm cho trẻ, nhất là những vật dụng tròn và trơn dễ rơi vào đường thở. Không ép trẻ ăn, uống khi đang khóc hoặc không nên nô đùa khi có thức ăn trong miệng. Luyện cho trẻ thói quen không cho các vật và đồ chơi vào miệng ngậm mút. Không cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như lạc, thạch, nhãn ...Trong trường hợp khi thấy có dấu hiệu ho, sặc sụa, tím tái thì nên đưa trẻ tới khám ở cơ sở gần nhất để kịp thời xử lý. 

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang