Mỹ ‘siết’ quy định chất lượng, cá da trơn Việt Nam gặp khó

author 15:42 02/08/2017

(VietQ.vn) - Từ hôm nay (2/8), Mỹ sẽ chính thức áp dụng chương trình giám sát cá da trơn theo đạo Luật Nông trại đối với các sản phẩm cá da trơn từ Việt Nam.

Điểm đáng lưu ý nhất trong quyết định của Bộ Nông nghiệp Mỹ là từ ngày 2/8, 100% cá da trơn của Việt Nam trước khi đưa vào lưu thông tại Mỹ, phải đi qua các i-house (các kho bãi mà Bộ Nông nghiệp Mỹ chỉ định) để Bộ này tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm về an toàn thực phẩm, bao bì…

Lô hàng của doanh nghiệp nào vi phạm về an toàn thực phẩm, phía Mỹ sẽ lập tức bắt buộc 100% các lô hàng sau của doanh nghiệp đó phải lấy mẫu phân tích trên 85 chỉ tiêu về kháng sinh và 106 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật. Thực tế, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức thực hiện Chương trình giám sát cá da trơn, trong đó có cá tra của Việt Nam từ 1/3/2016. Tuy nhiên ban đầu, Bộ này đưa ra thời gian chuyển tiếp 18 tháng, kết thúc vào cuối tháng 8.

Trong giai đoạn chuyển tiếp 18 tháng đó, cá da trơn của Việt Nam xuất sang Mỹ đã phải chịu sự kiểm tra giám sát của Bộ Nông nghiệp nhưng chỉ là kiểm tra xác suất, không phải kiểm tra 100% và cũng không phải đưa toàn bộ hàng vào các kho bãi i-house để kiểm tra. Theo đánh giá của giới phân tích tại Mỹ, việc Bộ Nông nghiệp Mỹ đẩy thời gian kiểm tra toàn bộ cá da trơn từ Việt Nam lên sớm một tháng (từ ngày 2/8 thay vì 1/9) là do tác động và sức ép thông qua Quốc hội của ngành nuôi trồng đánh bắt các da trơn tại Mỹ.

Cuối tháng 7 vừa qua, một đoàn công tác của Việt Nam đã tới Mỹ làm việc với các cơ quan chức năng của nước này và thăm một số kho bãi i-house dự kiến Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ chỉ định làm nơi tiếp nhận và kiểm tra cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam.

Qua xem xét thực tế, đại điện đoàn cán bộ đã bày tỏ lo ngại rằng, với năng lực kho bãi và các nguồn lực hiện nay của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nếu Bộ này kiểm tra 100% các lô hàng từ 2/8 thì nguy cơ ùn tắc các lô hàng cá tra của Việt Nam vào Mỹ là khá cao, từ đó sẽ phát sinh nhiều chi phí như chi phí lưu kho bãi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo đánh giá, những rào cản đến từ chương trình giám sát cá da trơn có thể khiến Mỹ không còn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017.

Xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam gặp khó do quy định từ phía Mỹ có nhiều thay đổi. Ảnh minh họa

Liên quan tới vấn đề này, vào ngày 1/8, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết chưa ghi nhận việc ách tắc cá tra xuất sang Mỹ do chưa đến thời điểm quy định có hiệu lực.

Dù vậy, để phòng tránh tình huống này, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đã giãn việc đưa hàng sang Mỹ. Lo lắng lớn nhất của các DN là vấn đề kho chỉ định của Mỹ, nơi các lô cá tra được đưa đến bảo quản để kiểm tra trước khi thông quan không đáp ứng yêu cầu. Vấn đề này đang được các nhà nhập khẩu Mỹ cùng DN Việt Nam tìm cách giải quyết trong việc điều phối hàng.

Theo ông Hòe, những khó khăn của cá tra xuất khẩu sang Mỹ không phải mới đây mà đã có từ nhiều năm, từ khi bị áp thuế chống bán phá giá. Do vậy, hiện chỉ có 3 DN chịu mức thuế thấp hoặc 0% đối với mặt hàng chủ lực cá trá (phi lê đông lạnh) là đang xuất khẩu sang Mỹ.

Như vậy, phần lớn DN cá tra đã không có giao dịch với thị trường Mỹ dù Việt Nam có đến 62 DN được Bộ Nông nghiệp Mỹ công nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Những DN mới cũng không có khả năng tham gia thị trường này vì Mỹ đang tạm ngưng xem xét để đưa vào danh sách DN đủ điều kiện.

Còn ông Hoàng Văn, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp) cho rằng, những DN bị Mỹ áp mức thuế bán phá giá cao đã chuyển hướng sang các thị trường châu Âu, Trung Quốc, Nam Mỹ hoặc phá sản trong những năm qua.

Sự thay đổi của thị trường Mỹ gần đây chưa tác động lớn đến ngành cá tra. Cụ thể, giá cá tra nguyên liệu hiện tăng 1.000 đồng/kg so với tuần trước, đạt mức 23.500 đồng/kg.

PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Phó Chủ tịch VASEP, cho rằng quy định mới của Mỹ sẽ làm tăng chi phí cho DN, giảm sức cạnh tranh, làm mất nhiều cơ hội của cá tra tại thị trường này. Tuy nhiên, ông Dũng nhận định cá tra là sản phẩm tốt, giá rẻ nên khả năng cạnh tranh cao ở tất cả thị trường. Khó khăn mà ngành gặp phải là do những vấn đề nội tại khi các DN không hợp tác với nhau mà chủ yếu cạnh tranh giá rẻ, dẫn đến làm hại cả ngành.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi cá tra 7 tháng đầu năm 2017 ở ĐBSCL ước đạt 3.921,6 ha, giảm 5,4% so với cùng kỳ, sản lượng thu hoạch khoảng 729.700 tấn, tăng 1,2% với cùng kỳ. 

Phong Lâm (T/h)

Chương trình giám sát cá da trơn: Bộ NN&PTNT sẽ gửi thư kiến nghị Bộ Nông nghiệp Mỹ(VietQ.vn) - Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã thảo luận trực tiếp với Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ về chương trình giám sát cá da trơn mới nhằm tránh ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang