Năm 2017, thách thức đối với ngành nông nghiệp còn gay gắt hơn

author 17:23 29/12/2016

(VietQ.vn) - Chính sách bảo hộ sản phẩm nông nghiệp của các nước ảnh hưởng tới XNK nông sản; biến đổi khí hậu ngày càng khó lường; nguy cơ dịch bệnh trong chăn nuôi.

Trong hai ngày 28-29/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2016.

Phát biểu tại Hội nghị sáng nay 29/12, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, năm 2016 là năm có nhiều khó khăn thách thức lớn nhất đối với sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm qua (băng giá, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt, sự cố môi trường biển ở miền Trung), tổng thiệt hại sản xuất nông nghiệp trong năm lên tới gần 2 tỷ USD - đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh VGP.

“Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; lãnh đạo các địa phương, bà con nông dân... nhiều hoạt hỗ trợ nông nghiệp đã được triển khai; nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư vào nông nghiệp; nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được triển khai... nhờ đó chúng ta đã giảm thiểu được mức độ thấp nhất tác động của thiên tai, từng bước lấy lại đà tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, năm 2017 nhiều thách thức đối với ngành nông nghiệp có phần gay gắt hơn như: Chính sách bảo hộ sản phẩm của các nước sẽ ảnh hưởng tới cả xuất khẩu, nhập khẩu nông sản; biến đổi khí hậu ngày càng khó lường (gió mùa đông bắc có xu hướng lệch đông gây mưa lớn, lũ lụt ở miền Trung, miền Nam); nguy cơ dịch bệnh trong chăn nuôi... Bộ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm, lường trước khó khăn để có giải pháp quản lý tích cực, hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, năm 2017 phải tập trung tháo gỡ bằng được 4 nút thắt sản xuất nông nghiệp gồm: Tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp; chuyển 500.000 - 700.000 ha đất lúa sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản; chính sách huy động doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp, triển khai hiệu quả gói tín dụng 60.000 tỷ phát triển nông nghiệp công nghệ cao;...

Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, biến bất lợi thành lợi thế; đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; xây dựng các công trình ngăn mặn, giữ ngọt; triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới...

H.NGUYÊN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang