Nạn làm giả chứng nhận xuất xứ hàng hóa gia tăng, người tiêu dùng làm sao để tránh?

author 19:35 09/10/2017

(VietQ.vn) - Người tiêu dùng hiện đang phải đối mặt với vấn nạn làm giả chứng nhận xuất xứ hàng hóa và hàng hóa nhập khẩu kém chất lượng.

Nạn làm giả chứng nhận xuất xứ hàng hóa gia tăng

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Người Tiêu dùng và Khách hàng của Tập đoàn Tư vấn Boston (Mỹ), trong giai đoạn từ 2014-2020, tầng lớp trung lưu và giàu có của Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp đôi, lên tới 33 triệu người, tương đương khoảng 1/3 dân số.

Cùng với sự nâng cao chất lượng cuộc sống, người tiêu dùng Việt ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng, xuất xứ các mặt hàng khi mua. Đặc biệt, các mặt hàng nhập khẩu luôn được “ưu ái” bởi những sản phẩm này khiến người tiêu dùng yên tâm về chất lượng sản phẩm, tuổi thọ và đặc biệt là an toàn đối với sức khỏe. Tuy nhiên, bên cạnh đó người tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có xuất xứ rõ ràng…

Dù cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng làm giả chứng nhận xuất xứ hàng hóa vẫn xuất hiện. Ảnh: Báo Quảng Ninh 

Nhận thấy ngành hàng nhập khẩu đang là “miếng bánh béo bở” bởi nhu cầu dồi dào từ thị trường, một số đối tượng đã thực hiện “chiêu trò” làm giả, làm nhái sản phẩm của các thương hiệu lớn. Nguy hiểm hơn là chiêu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) và giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa (CQ) nhằm hợp pháp hoá những lô hàng không rõ nguồn gốc để tuồn ra thị trường tiêu thụ. Và tình trạng này ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng.

Một ví dụ điển hình được đưa ra là sản phẩm của hãng Bosch, Đức - một trong những thương hiệu lớn trên thế giới về thiết bị gia dụng cao cấp. Thời gian gần đây, các đại lý phân phối chính thức của Bosch đã phải đối mặt vấn đề là hàng nhập lậu, trôi nổi không rõ nguồn gốc ngày càng nhiều. Dạo một vòng trên các website thấy không ít các sản phẩm của hãng này được rao bán với mức giá khác nhau.

Thực trạng này đang gây hoang mang trong tâm lý người tiêu dùng và câu hỏi đặt ra là người tiêu dùng phải làm gì để bảo vệ mình trước nguy cơ mua phải hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ?

Làm sao để chọn hàng ‘chuẩn’?

Hiện nay, trên thị trường tràn ngập những sản phẩm thiết bị gia dụng như: bếp điện từ, máy rửa bát, máy giặt... trong đó nhiều mặt hàng được gán mác nhập khẩu.Tuy nhiên, việc làm sao để mua được món đồ đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ và đầy đủ chế độ bảo hành chính hãng luôn là câu hỏi khiến cho người tiêu dùng đau đầu.

Liên quan tới vấn đề này, ông M. Đ. Phúc –P. Giám đốc Công ty CP Thương mại HMH chia sẻ: “Những năm gần đây, sau khi chúng tôi được uỷ quyền làm nhà cung cấp chính thức của Bosch, doanh thu của chúng tôi đã tăng đáng kể. Chứng tỏ nhu cầu thật sự của người tiêu dùng là tìm được những nguồn hàng tin cậy và đảm bảo chứ không phải họ muốn tìm những mặt hàng rẻ”.

Người tiêu dùng nên chọn thương hiệu uy tín, sản phẩm có đầy đủ giấy CO/CQ để mua. Ảnh: Báo Đầu tư 

Cũng theo ông Phúc, lời khuyên cho người tiêu dùng thông minh là nên lựa chọn những phẩm có đầy đủ giấy CO/CQ, những sản phẩm được phân phối bởi các nhà phân phối đã được hãng ủy quyền và cấp phép cho bán các thiết bị điện gia dụng đó trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Thêm vào đó, người tiêu dùng cũng có thể nhận biết chứng xuất xứ giả thông qua các dấu hiệu như: Số CO không có trong hệ thống, CO đã cung cấp cho công ty khác, mặt hàng khác, tên của doanh nghiệp xuất khẩu không có trong hệ thống cung cấp CO; con dấu, chữ ký không đúng như đăng ký trong hệ thống.

“Tuy có mất công tìm hiểu hơn đôi chút nhưng chắc chắn người tiêu dùng sẽ hài lòng với món đồ mình mua được. Tránh trường hợp mua rẻ rồi hàng có hỏng hóc thì công đem đi sửa với tiền sửa nhiều”, ông Phúc đưa ra lời khuyên.

Căn cứ tại Khoản 3 Điều 63 Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa  đổi bổ sung một số Điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Theo đó, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: Tự chứng nhận sai xuất xứ hàng hóa khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Làm giả Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Cung cấp các tài liệu, chứng từ không đúng sự thật với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi đề nghị được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa hoặc xác minh chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; Biện pháp khắc phục hậu quả; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều 63; Buộc cải chính thông tin sai sự thật về xuất xứ hàng hóa đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 63.

Phong Lâm (T/h)

Lo lắng vì hàng nhập khẩu Trung QuốcViệc làm bị cắt giảm và nhà máy đóng cửa khắp thế giới do tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang