Nâng giá trị cá ngừ đại dương nhờ công nghệ Nhật Bản

author 11:51 20/09/2014

(VietQ.vn) - Công cụ câu của Nhật Bản có chức năng chủ yếu là làm cho cá ngừ giữ được độ tươi sống đảm bảo chất lượng tốt. Mỗi hệ thống câu này trị giá 200 triệu đồng.

Sự kiện: Khám phá đại dương

Sản lượng xuất khẩu Cá ngừ đại dương giảm mạnh

Là nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu (XK) cao nhất trong các nhóm hải sản XK của Việt Nam, nhưng trong 2 năm trở lại đây, XK cá ngừ của Việt Nam đang ngày càng sụt giảm mặc cho các doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng thị trường.

5 tháng đầu năm 2014, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất sang được 86 thị trường, thêm 16 thị trường mới so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, tổng giá trị XK các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam giảm tới hơn 19% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 203,8 triệu USD.

Việt Nam vốn là nước có trữ lượng lớn về cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, đây là loài di cư xa, tốc độ di chuyển nhanh, nằm ở độ sâu lớn nên để khai thác được cá ngừ đại dương, cần phải có trình độ khoa học công nghệ nhất định mới có thể khai thác hiệu quả. Ở Việt Nam, tàu thuyền, ngư lưới cụ và công nghệ khai thác còn hạn chế. Cùng với đó, công tác dự báo ngư trường để hỗ trợ cho ngư dân chưa mang lại nhiều hiệu quả. Điều này đã làm cho sản lượng khai thác của chúng ta còn ở mức thấp và không bền vững.

 

Câu cá ngừ đại dương công nghệ Nhật Bản cho năng suất lớn

Cá ngừ đại dương là mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng lớn. Ảnh minh họa

Thêm vào đó, thời gian qua đã cho thấy chất lượng cá ngừ nguyên liệu khai thác trong nước có xu hướng giảm và không ổn định chất lượng, số nguyên liệu làm hàng chất lượng cao ngày càng ít, khiến các doanh nghiệp phải chuyển sang làm cá ngừ đông lạnh thay vì các mặt hàng có giá trị cao như sashimi… Nhiều doanh nghiệp chỉ sử dụng từ dưới 10%, và tối đa cũng chỉ 40% nguyên liệu cá ngừ trong nước để sản xuất, còn lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Ngoài ra, cá ngừ của Việt Nam hiện nay chủ yếu được khai thác bằng hình thức câu vàng. Trong khi các nước trên thế giới, đặc biệt tại các thị trường lớn đang ngày càng quan tâm nhiều tới các sản phẩm cá ngừ câu tay, nhưng hiện Việt Nam không có chương trình quan tâm phát triển và hỗ trợ hình thức này cho ngư dân.

Công nghệ của Nhật Bản mở ra hướng đi mới

Theo chuyên gia thủy sản của Nhật, thân nhiệt cá ngừ bình thường khoảng 18 độ C, khi rượt đuổi mồi tăng lên 50 độ C. Lâu nay ngư dân câu bằng tay nên khi cá cắn câu thì kéo mạnh lên thuyền ngay, thịt cá đang ở thân nhiệt cao nên trắng bệch, không đảm bảo chất lượng. Hiện giá cá ngừ đại dương xuất khẩu vào thị trường Nhật của Philippines và Indonesia là 1.000 yen/kg, trong khi đó giá cá Việt Nam chỉ bằng một nửa.

Nằm trong dự án "Nhật chuyển giao công nghệ câu cá ngừ đại dương cho Việt Nam", ngày 2/8, tại Nha Trang, Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thuỷ thuộc Trường Đại học Nha Trang (UNINSHIP) và Công ty Yanmar (Nhật Bản) đã chính thức làm Lễ khánh thành tàu câu cá ngừ đại dương vỏ composite, ký hiệu Yanmar 01.

 

Câu cá ngừ đại dương công nghệ Nhật Bản cho năng suất lớn

Đây là chiếc tàu đầu tiên nằm trong dự án của chuyển giao công nghệ của Yanmar (Nhật Bản). Ảnh minh họa

Tàu chế tạo hoàn toàn bằng vật liệu composite với vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng đã bao gồm ngư cụ, các thiết kế và công nghệ khai thác, bảo quản cá ngừ của Nhật Bản. Tàu có chiều dài hơn 18m, rộng 4,5m và cao 2,5m; vận tốc trung bình đạt 11 hải lý/giờ; máy chính nhãn hiệu Yanmar có công suất 350CV.

Bên cạnh đó, tàu được trang bị hệ thống tời câu dẫn động điện và hệ thống cẩu tay để chuyển cá vào hầm lạnh cũng như sang tàu khác (nếu khai thác tổ đội).

Hệ thống câu cá ngừ đại dương theo phương pháp của Nhật Bản có 2 bộ phận chính là máy thu câu và máy tạo xung điện. Khi cá mắc câu, hệ thống sẽ tự xả dây khi lực cá lớn và tự thu dây khi lực cá yếu.

Khi thu cá về gần mạn tàu, ngư dân sẽ dùng máy tạo xung để làm cá bị tê liệt nhanh chóng trước khi đưa lên tàu và sơ chế, ướp lạnh. Công cụ câu của Nhật Bản có chức năng chủ yếu là làm cho cá ngừ giữ được độ tươi sống đảm bảo chất lượng tốt. Mỗi hệ thống câu này trị giá 200 triệu đồng.

Yanmar dự kiến cùng một số đối tác khác đầu tư thí điểm khoảng 180 tàu composite đánh bắt cá ngừ đại dương xuất khẩu tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa theo mô hình công ty đánh cá cổ phần của Nhật (ngư dân được mua quyền chọn cổ phần đến 100% giá trị tàu). Đồng thời hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cá ngừ xuất khẩu nhằm nâng cao thu nhập cho ngư dân Việt Nam với mục tiêu từ năm 2015 sẽ xuất khẩu khoảng 4.500 tấn cá ngừ đại dương sang thị trường Nhật Bản mỗi năm.

Hương Giang

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang