Nếu 'đút lót' 1 tỷ đồng làm sai lệch kết quả C2, Rồng Đỏ, người liên quan sẽ bị phạt tù

author 18:51 13/05/2016

(VietQ.vn) -Quanh "nghi án" URC VN "hối lộ" 1 tỷ đồng để làm sai lệch kết quả kiểm nghiệm, luật sư cho biết, những người liên quan sẽ bị phạt tù từ 20 năm

Những ngày gần đây, khi  “nghi án” về sản phẩm trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ nhiễm độc chì vượt mức cho phép còn chưa được làm sáng tỏ thì công ty sản xuất những sản phẩm này là URC Việt Nam lại “dính” vào vụ lùm xùm mới khi bị nghi là đã hối lộ các cơ quan chức năng để làm sai lệch kết quả kiểm nghiệm của C2 và Rồng Đỏ.

Một lá thư điện tử (Email) được cho là xuất phát từ Công ty URC, với đuôi hòm thư là …@urc.com.vn được rò rỉ và phát tán rộng rãi trên mạng cách đây 2 ngày, trong đó có đề cập đến đề nghị mang 1 tỷ đồng đến cho 2 cá nhân ở một cơ quan thuộc ngành y tế để các mẫu nước C2, nước Rồng đỏ được đưa tới kiểm nghiệm cho kết quả như mong muốn.

Theo đó, khác với các kết quả xét nghiệm được "tung" trên mạng xã hội trước đó cho thấy các mẫu nước C2, Rồng đỏ chứa chì vượt mức (0.087 và 0.085mg/l), kết quả kiểm nghiệm mới nhất lại cho kết quả hàm lượng chì không vượt mức cho phép.

Cụ thể, 2 kết quả kiểm nghiệm đối với 2 thành phẩm là trà xanh hương chanh C2, nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ vào ngày 16/3/2016 và ngày 5/4/2016 đều cho ra kết quả: Hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.

Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì vượt ngưỡng ngày 16/3: Rồng Đỏ (0,08 mg/l), C2 (0,079 mg/l)

 

Kết quả kiểm nghiệm hàm lượng chì vượt ngưỡng ngày 5/4/2016: Rồng Đỏ (0,085 mg/l), C2 (0,087 mg/l)

Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm đối với 2 thành phẩm là trà xanh hương chanh C2, nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ vào ngày 21/4/2016 lại “đẹp mỹ mãn”, hàm lượng chì về mức trong giới hạn cho phép.

Điều đáng nói là 2 thành phẩm (tức mẫu thử) đem đi kiểm nghiệm trong tất cả các đợt đều cùng một lô: Trà xanh hương chanh C2 thuộc lô sản xuất ngày 04/02/2016 và nước tăng lực hương dâu hiệu Rồng Đỏ thuộc lô sản xuất ngày 19/02/2016.

Và cả 3 đợt kiểm nghiệm đều cùng một phương pháp thử là H.HD.QT.056, cùng một đơn vị kiểm nghiệm.

Việc các sản phẩm cùng lô, cùng phương pháp thử được thực hiện bởi cùng một đơn vị kiểm nghiệm nhưng lại cho ra kết quả khác nhau khiến nhiều người đặt dấu chấm hỏi?!

Liên quan tới vụ việc đang được dư luận và báo giới rất quan tâm này, trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam,  Luật sư – cựu thẩm phán Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư Tp. HCM) nhận xét: “Nếu lá thư điện tử này có nội dung thật nhưng vì lý do nào đó bị tiết lộ ra ngoài, ngoài ý muốn thì đây là tài liệu rất hiếm hoi để chứng minh cho hoạt động tiêu cực của những cá nhân liên quan trong Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia, về hành vi "Nhận hối lộ" để làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ với số tiền đưa nhận hối lộ "khủng", đó là làm thay đổi kết quả kiểm nghiệm, có thể được hiểu như từ thực phẩm độc hại thành thực phẩm an toàn.

Nếu hành vi đưa và nhận hối lộ này là có thật thì người nhận hối lộ có thể đối diện với mức án từ hai mươi năm, chung thân, hoặc tử hình theo khoản 4 điều 279 Bộ Luật Hình sự. Riêng những người đưa hối lộ, môi giới hối lộ thì có thể đối diện với mức án từ hai mươi năm đến chung thân theo các điều 289, 290 BLHS”.

LS Út nói: Nếu email đề nghị “đút lót” của URC có nội dung thật thì đây là tài liệu rất hiếm hoi...

Chia sẻ với Chất lượng Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội cũng cho biết: “Nếu có căn cứ xác định có hành vi đưa hối lộ 1 tỷ đồng của doanh nghiệp này cho các bộ, ngành có thẩm quyền để làm sai lệch kết quả kiểm nghiệm thì những người đưa hối lộ (cụ thể ở đây là công ty URC Việt Nam – pv) sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 289 BLHS. Cụ thể như sau:  

Điều 289: Tội đưa hối lộ

1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Phạm tội nhiều lần;

đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm  mươi triệu đồng;

e ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:

a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.

6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Với người có hành vi nhận hối lộ cũng sẽ bị xử lý về tội nhận hối lộ, cụ thể như sau: 

Tội nhận hối lộ thuộc tội phạm về tham nhũng được Điều 279 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định như sau:

“Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào  có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm”.

Như báo chí đã thông tin, “nghi án” hối lộ này đã được gửi đến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến để đề nghị làm rõ về hành vi sai trái này. Tuy nhiên, Thư ký Bộ trưởng Tiến đã khẳng định với PV Dân Trí vào tối 12/5 là chưa nhận được thông tin chính thống nào về vấn đề này. Bộ Y tế sẽ theo dõi thông tin để kịp thời nắm bắt, xử lý.

Trang Tuổi Trẻ cho biết: ngày 11 và 12-5 đại diện cơ quan công an đã đến làm việc với lãnh đạo NIFC. Bà Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (NIFC) cho biết các phiếu kiểm nghiệm được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông trong một tuần qua đúng là phiếu kiểm nghiệm của viện. Theo bà Hảo, kết quả ghi trên phiếu chỉ có giá trị với mẫu được kiểm nghiệm.

Trả lời về việc trên mạng xã hội tung ra một bức ảnh chụp lại email nội bộ của URC VN “chi bồi dưỡng” cho hai cán bộ của viện, bà Hảo cho biết đã làm việc và các cán bộ này đều nói không có chuyện đó.

“Tôi nói rất rõ là nếu không trả lời trung thực thì công an cũng vào cuộc, các cán bộ của chúng tôi khẳng định không nhận tiền hoặc quà, kể cả một chai nước từ URC” - bà Hảo nói.

Trước câu hỏi về việc thu hồi sản phẩm và trách nhiệm với cộng đồng khi sản phẩm có hàm lượng chì vượt mức, bà Nguyễn Thiên Hương, Phụ trách truyền thông của công ty URC Việt Nam cho biết: Dù hai lần bị xác định có hàm lượng chì nhưng thực tế mẫu kiểm nghiệm mà URC VN gửi lại tới năm trung tâm kiểm nghiệm (cùng lô với mẫu bị phát hiện chì vượt ngưỡng)... đều không phát hiện chì.

Đặc biệt, sau lần kiểm tra thứ hai của NIFC phát hiện hàm lượng chì, bà Hương nói Bộ Y tế không lấy mẫu của URC mà trực tiếp đi lấy mẫu ngẫu nhiên để đảm bảo khách quan, kết quả (ngày 10-5) lại cho thấy không vượt ngưỡng an toàn.

Mẫu mới nhất gồm cả sản phẩm lẫn nguyên liệu mà URC VN gửi sang Trung tâm SETSCO (Singapore) cũng cho kết quả (ngày 11-5) không nhiễm chì. Từ những tình tiết này, bà Hương cho biết phải chờ kết luận cuối cùng của Bộ Y tế, URC mới xác định được việc có thu hồi hay không và trách nhiệm với cộng đồng như thế nào.

Trước đó, hôm 10/5, ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế đã ký Quyết định số 67/QĐ-TTrB về việc thành lập đoàn công tác tiến hành khảo sát một số nội dung liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty TNHH URC Việt Nam. Quá trình làm việc, khảo sát tại Công ty URC Việt Nam là 15 ngày tại cả hai khu vực phía bắc và phía nam, do ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế làm Trưởng đoàn.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh:“Hiện Thanh tra Bộ Y tế đang khảo sát và sẽ thanh tra toàn diện URC, các việc tiếp theo để Thanh tra Bộ Y tế tiếp tục xác minh” 

>> “Nghi án” C2, Rồng Đỏ nhiễm độc chì: Người tiêu dùng có quyền tẩy chay sản phẩm?

Dương Phương Ngọc

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang