'Ngả mũ' trước đội ngũ chuẩn bị cho Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam

author 07:25 26/05/2016

(VietQ.vn) - Để có được thành công đến từng chi tiết của chuyến thăm Việt Nam lần này không thể không nhắc đến đội ngũ chuẩn bị cho tổng thống Obama.

Sự kiện: Tổng thống Mỹ Obama thăm Việt Nam

Trả lời phỏng vấn báo điện tử Trí Thức Trẻ từ Mỹ, ông Frasure- GS.TS quan hệ quốc tế trường đại học Connecticut (Mỹ) nhận định, bài phát biểu của Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, cũng như toàn bộ chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Mỹ, có rất nhiều điểm đáng nói.

 Các bài phát biểu của Tổng thống Obama được chuẩn bị kỹ lưỡng. Ảnh: Tri thức trẻ

So sánh với các chuyến công du trước đó của nguyên thủ Mỹ, giáo sư Frasure cho rằng, thời gian George Bush ở Việt Nam quá ngắn, và về bản chất cũng không phải một chuyến thăm cấp nhà nước (ông Bush tới Hà Nội tham dự Hội nghị APEC - PV).

"Chuyến thăm của Bush khá nặng về nghi lễ, và ông không tiếp xúc nhiều với người dân Việt Nam" - vị giáo sư này nhận định.
Còn đối với chuyến thăm của Bill Clinton, cũng là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm tới Việt Nam kể từ sau chiến tranh, giáo sư Frasure nhấn mạnh đây là một thành công vang dội, bởi sự chào đón nồng nhiệt mà ông và gia đình nhận được trên dải đất hình chữ S.
"Và chuyến thăm của Obama cũng vậy" - ông phát biểu.
Theo giáo sư Frasure, thu được hiệu ứng hết sức tích cực từ chuyến thăm phải kể đến công lao của đội ngũ chuẩn bị. Năng lực của họ được thể hiện qua từng cử chỉ, đường đi nước bước, từng câu nói của Obama trong 3 ngày qua tại Việt Nam.

Ngoài ra, theo giáo sư Frasure, một diễn biến mang tính điểm nhấn khác trong chuyến thăm của ông Obama, và cũng là một sự kiện rất được chờ đợi, là việc Mỹ quyết định dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam. Đây có thể coi là một thắng lợi về mặt chính trị cho cả hai nước.

Tổng kết lại, giáo sư Frasure nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam của Obama thực sự là một thành công có thể nói trên mọi phương diện, từ chính trị (dỡ bỏ cấm vận vũ khí), xã hội (tiếp xúc với người dân, doanh nhân, giới trẻ), đến văn hóa (ăn bún chả, trích dẫn Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du,...).

Đây là sản phẩm của cả một đội ngũ những tay viết cừ khôi với bộ não "khủng". Ảnh: Đời sống & Pháp luật

Theo báo Đời sống và Pháp luật, các bài diễn văn “hoàn hảo” của Tổng thống Barack Obama trước công chúng đều là sản phẩm của cả một đội ngũ những tay viết cừ khôi với bộ não "khủng".

Theo tin từ Pháp luật TP HCM, bên cạnh tố chất của một giáo sư ngành luật, ông Obama còn được trợ sức bởi một đội ngũ cố vấn am hiểu ông, am hiểu công việc ông làm và sứ mệnh ông đang gánh vác trên vai.

Nhà Trắng hiện có 9 người viết diễn văn, đứng đầu là Cody Keenan, 33 tuổi, người đã soạn thảo bản Thông điệp Liên bang cho Tổng thống Obama vào năm 2014. Keenan trở thành người đảm nhiệm việc soạn thảo Diễn văn cho Tổng thống Obama sau khi người tiền nhiệm là Jon Favreau rời khỏi Nhà Trắng sau 5 năm làm việc.

TTXVN cho hay, Cody Keenan đã có 13 năm trong nghề, với sự mở đầu sự nghiệp chính trị tại một văn phòng mở ở Washington. Cody Keenan miêu tả việc viết diễn văn cho Tổng thống làm anh nhớ tới thời học đại học, thức thâu đêm tới rạng sáng để viết đi viết lại một bài luận trong một căn phòng nhỏ dưới tầng hầm. Chỉ khác ở chỗ lần này người đánh giá anh không phải là một vị giáo sư mà là người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ và cũng là một cây bút giỏi.

Tràn trề hi vọng pha thêm chút... sợ hãi là những cảm xúc của nhà chính trị chuyên chắp bút diễn văn cho Tổng thống Obama. Keenan chia sẻ khi lần đầu tiên viết diễn văn cho ngài Tổng thống: “Ông ấy là một biên tập viên đòi hỏi, yêu cầu cao. Trước khi tôi thực hiện công việc này Tổng thống đã cho ra đời 2 cuốn sách. Và tất nhiên đối với việc viết lách ông ấy giỏi hơn tôi nhiều. Điều đó thực sự giúp ích cho những lần hoàn thành công việc của tôi”.

Keenan cho biết các bài diễn văn lớn, đặc biệt là Thông điệp Liên bang là sản phẩm tổng hợp của những bộ óc vĩ đại làm việc tại Nhà Trắng. Nó là kết tinh suy nghĩ của các cố vấn chính sách, các nhà nghiên cứu khoa học và những tay viết cừ khôi trước khi đưa đến bản cuối cùng cho Tổng thống. “Thời điểm hồi hộp nhất là lúc ấn nút ‘gửi’, bạn biết đấy, khi mà chúng tôi gửi bài diễn văn cho ông ấy. Chỉ khi nào ông ấy bước lên bục, đọc bài diễn văn, lúc đó chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, Keenan bày tỏ.

Ông chủ Nhà Trắng luôn bắt đầu với câu hỏi: "Tôi sẽ phải nói về chuyện gì?", đồng thời yêu cầu một dàn ý với phần mở đầu, phần thân và kết luận. Ông cũng muốn có bản tóm tắt bài diễn văn trong vài câu ngắn gọn trước khi được soạn thảo chi tiết, bởi nếu không có nó, người viết sẽ không có cơ sở để triển khai bài diễn văn.

Tổng thống thường dành thời gian tham gia các cuộc họp trực tiếp với những người viết diễn văn và xem lại các câu chuyện mà họ muốn ông hướng tới.

Đổi lại, người viết cũng phải có mặt trong những buổi họp về chính sách và chiến lược, thường xuyên tự đặt câu hỏi "Ngài đang nghĩ gì?", "Ngài muốn nói gì?".

Là cây bút của Obama đồng nghĩa với việc phải duy trì mối quan hệ gần gũi và trực tiếp với Tổng thống.

Ở những thời điểm quan trọng, người viết diễn văn thường chỉ đi ngủ sau 3 giờ sáng và thức dậy hai tiếng sau đó. Họ không cho phép bản thân mình được nghỉ ngơi hơn 6 tiếng một ngày.

Ngày qua ngày, từ sáng sớm tới tối khuya, họ là những chuyên gia về ngôn ngữ không ngừng nghĩ cách giúp Tổng thống Obama truyền tải thông điệp tới nước Mỹ.

Ít ai biết rằng, để có thể "nói vo" dài, hay, có nhiều nội dung được đánh giá là sâu sắc như bài phát biểu ngày 24/5 tại Hà Nội, Tổng thống Obama cần sự trợ giúp rất nhiều của một thiết bị “thần kỳ”, khó phát hiện.

Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trưa 24/5 đề cập nhiều vấn đề trong quan hệ Việt - Mỹ từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Ông còn trích dẫn lời bài hát “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thơ "Nam quốc sơn hà" của danh nhân Lý Thường Kiệt, hay cả Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhạc của Văn Cao.

Không thể phủ nhận rằng khả năng giao tiếp bằng mắt của Tổng thống Obama là quá tốt. Ảnh: Đời sống & Pháp luật. 

Tuy nhiên, có một sự thật là ông không hoàn toàn “nói vo”, mà bài phát biểu luôn được được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước và được chiếu lên 2 bảng điện tử trong suốt ở trước mặt, Đời sống & Pháp luật thông tin.

Theo Washington Post, Tổng thống Barack Obama và Ronald Reagan được dân Mỹ nhận xét là có khả năng biểu cảm rất tốt khi đọc từ màn hình điện tử. Cả hai chính trị gia lão luyện này tuy đọc nhưng như đang nói chuyện nên rất thu hút người nghe.

Bảng đọc điện tử gồm 2 tấm kính trong suốt hướng về phía tổng thống Mỹ, trên đó sẽ ghi nội dung mà ông cần đọc. Tổng thống và những người đứng sau tấm kính sẽ thấy dòng chữ này nhưng khán giả ngồi bên dưới hoàn toàn không thấy gì.

Điều này giúp bảng đọc điện tử mở rộng tầm nhìn của Tổng thống khi giao tiếp bằng mắt với khán giả bên dưới. Với những chính trị gia lão luyện như Obama, khả năng “đọc” từ bảng điện từ hầu như rất khó phát hiện nếu không thực sự tinh ý.

Bí mật giúp Tổng thống Obama trở thành lãnh đạo tài ba (VietQ.vn) - Tổng thống Mỹ Obama đã chia sẻ những bí quyết giúp ông trở thành lãnh đạo tài ba cho các thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á.

Hoàng Minh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang